Chỗ đứng của điện thoại thương hiệu Việt

03/11/2015 20:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) Việt Nam tưởng chừng đã bão hòa, song trên thực tế vẫn rất "hot" (nóng), khi các hãng sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới như Samsung, HTC, Sony,... liên tục tung ra những sản phẩm smartphone (điện thoại thông minh) từ bình dân tới siêu cấp, nhằm thu hút thị hiếu của người tiêu dùng. Còn với doanh nghiệp Việt, họ đã làm gì để tìm chỗ đứng trên "mảnh đất" ngày càng chật chội này?

Khách hàng trải nghiệm các tính năng của điện thoại Bphone
tại buổi lễ ra mắt sản phẩm. ẢNH: LÊ HIẾU

Thị trường tiềm năng

Những chiếc smartphone thật sự đang trở thành tâm điểm của thế giới công nghệ. Được tích hợp nhiều ứng dụng tiên tiến, smartphone giờ đây không chỉ đơn thuần là thiết bị để nghe, gọi điện thoại hoặc nhắn tin, mà còn đảm nhiệm thêm nhiều chức năng thông dụng, giải trí của máy tính, máy ảnh, máy quay phim, nghe nhạc... Vì vậy, không khó hiểu khi smartphone đã dần thay thế các sản phẩm công nghệ cao khác, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của con người. Cùng trong xu hướng đó, những năm gần đây, số lượng người dùng smartphone của Việt Nam gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) châu Á - Thái Bình Dương, chỉ riêng trong năm 2014, gần 12 triệu chiếc smartphone đã được bán ra tại Việt Nam, đạt mức tăng trưởng 57% so năm 2013. Anh Mạnh Tùng, một lái xe ta-xi chia sẻ: "Nếu ô-tô là "cần câu" thì smartphone chính là "mồi câu cơm" của cánh lái xe ta-xi chúng tôi. Những chương trình, phần mềm hỗ trợ tìm kiếm ta-xi chạy trên ứng dụng của smartphone như GrabTaxi vừa mang lại sự thuận tiện, vừa giúp chúng tôi có được lượng khách hàng ổn định. Bên cạnh đó, trong những lúc rảnh rỗi chờ khách, có thể lướt web trên smartphone xem tin tức, hoặc nghe nhạc, xem phim rất "khoái", không còn cảm giác buồn chán như trước đây". Còn Việt Anh, sinh viên năm thứ ba Trường đại học Bách Khoa cho biết: "Ngoài mục đích giải trí, smartphone còn hỗ trợ sinh viên chúng em rất nhiều trong học tập và công việc, giúp tìm kiếm thông tin nhanh và chuẩn xác. Quan trọng là giá smartphone bây giờ khá rẻ, phần lớn sinh viên bọn em có thể dễ dàng sở hữu một chiếc điện thoại "chấm, mút" (màn hình cảm ứng) ưng ý".

Một báo cáo mới đây của IDC về thị trường Việt Nam cho thấy, Samsung vẫn giữ ngôi đầu bảng thị trường smartphone với thị phần doanh số trong quý I vừa qua đạt hơn 35%. Trong khi đó, với chiến lược bán smartphone giá rẻ tới người dùng cá nhân, Microsoft tiếp tục kế thừa lợi thế của Nokia và duy trì vị trí thứ hai với hơn 24% thị phần. "Hiện tượng" Oppo, thương hiệu mới nổi đến từ Trung Quốc chiếm giữ thị phần khoảng 10% trong quý I vừa qua, thành công chen chân vào top 3 "đại gia" của thị trường.

Như vậy, theo các số liệu này, riêng ba hãng dẫn đầu là Samsung, Microsoft và Oppo đã chiếm gần 70% thị phần smartphone tại Việt Nam, nếu tính cả phần của Apple và Asus, rõ ràng khoảng trống cho các hãng sản xuất khác, trong đó có những nhà sản xuất của Việt Nam là rất nhỏ.

Sản phẩm thương hiệu Việt

Trong sáu tháng qua, chủ đề được giới trẻ Việt Nam bàn tán rôm rả nhất trong các diễn đàn công nghệ, điện thoại di động chắc chắn là Bphone, sản phẩm được cho là smartphone "thuần Việt" đầu tiên do Công ty cổ phần Bkav phát triển. Tuy chưa có thống kê chính xác nào, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia công nghệ, trong vài tháng qua, mức độ phổ biến của từ khóa Bphone cao hơn nhiều lần so với những "siêu phẩm" smartphone khác đang hiện hữu tại thị trường Việt Nam như iPhone 6 hay Galaxy S6. Được biết đến lần đầu khi xuất hiện tại triển lãm CES 2015 (Las Vegas, Hoa Kỳ), Bphone khi đó được Bkav minh họa cho giải pháp nhà thông minh (SmartHome) của mình. Chiếc Bphone "bí ẩn" được đặt trong hộp kim loại mầu đen và chỉ hiển thị phần màn hình nhằm tránh lộ thiết kế, vì thế đã thu hút được sự chú ý, tò mò của giới trẻ và một số tờ báo về công nghệ.

Thực tế, trước khi Bphone xuất hiện, trên thị trường cũng đã có một vài dòng smartphone mang nhãn hiệu của các công ty sản xuất tại Việt Nam. Năm 2012, hãng điện thoại "thương hiệu Việt" Qmobile đã tung ra các dòng sản phẩm smartphone có đầy đủ tính năng giải trí với mức giá từ 1,5 triệu đến ba triệu đồng. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm khác như V8404 của Viettel hay Vivas Lotus S1 của VNPT,... Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều khiêm nhường nép mình trong góc kệ tại các trung tâm mua bán ĐTDĐ lớn. Điện thoại "thương hiệu Việt" chưa tạo được "sóng", nguyên nhân phần nhiều do chất lượng máy, thiết kế và thương hiệu chưa đáp ứng được mong mỏi của người tiêu dùng. Riêng với Bphone, theo thông tin từ Bkav, công ty đã đầu tư, nghiên cứu phát triển smartphone này trong bốn năm với kinh phí nhiều triệu USD. Có thể sản phẩm Bphone của Bkav là smartphone có "hàm lượng Việt Nam" cao nhất từ trước tới nay. Giá bán của Bphone (thấp nhất khoảng 11 triệu đồng) cũng cho thấy quyết tâm của Bkav. Thay vì "tấn công" vào phân khúc trung cấp, bình dân như cách làm ban đầu của nhiều nhà sản xuất khác, sản phẩm Bphone nhắm thẳng vào phân khúc smartphone cao cấp, đối đầu trực tiếp với các "đại gia công nghệ" và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để cạnh tranh.

Hiện Bphone đang gặp một số trục trặc về phần mềm, khiến Bkav vẫn chưa thể giao máy đúng hẹn đến tay người tiêu dùng. Như vậy, còn quá sớm để có thể đưa ra đánh giá về sự thành bại của Bphone, nhưng Bphone được kỳ vọng là sự khởi đầu mới cho xu hướng kinh doanh chuyên nghiệp, đúng chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam. Bkav đã đạt được thành công bước đầu và quan trọng nhất là công ty này đã mạnh dạn đi tiên phong, làm được điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác không làm được hoặc không dám làm.

Tại khu vực Đông - Nam Á, thị trường smartphone có kích thước màn hình nhỏ đang có xu hướng giảm dần. Thị phần của smartphone với kích thước màn hình nhỏ hơn 4 inches đang tiếp tục giảm xuống vỏn vẹn chỉ còn 6% trong quý I vừa qua, trong khi con số này là 18% vào cùng kỳ năm trước. Người sử dụng điện thoại ở Đông - Nam Á dường như đang có sự ưu ái hơn đối với smartphone có kích thước màn hình lớn.

ĐA-NI-EN PANG Giám đốc nghiên cứu phụ trách khu vực ASEAN (IDC)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chỗ đứng của điện thoại thương hiệu Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO