CĐS trở thành vấn đề cấp thiết của DN
Theo Báo cáo thường niên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về CĐS DN 2021, các DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của đại dịch COVID-19. Với sức cạnh tranh còn thấp, DN Việt càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Khảo sát của Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, cho thấy trong quá trình CĐS, DN Việt đã gặp những khó khăn, rào cản như chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, thiếu thông tin về công nghệ số và khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số….
Mỗi ngành nghề lại đối mặt với những khó khăn, thách thức riêng. Ngành sản xuất phải giải quyết những vấn đề liên quan đến giảm thời gian "chết" của máy móc, nhà máy hay tìm kiếm biện pháp cải thiện năng suất, tăng cường khả năng dự đoán mọi tình huống.
Bên cạnh đó, mặc dù là một trong những ngành yêu cầu nhiều dữ liệu nhất, nhưng phần lớn các dữ liệu sản xuất chưa được khai phá do các quy trình đơn lẻ, rời rạc, công nghệ cũ và sự gia tăng dữ liệu phi cấu trúc từ các công nghệ số như IoT, Trí tuệ nhân tạo và không gian mạng.
Trong khi đó, trước sự cạnh tranh gay gắt của các nền tảng trực tuyến, các DN bán lẻ truyền thống phải chịu sức ép duy trì hoạt động kinh doanh và gia tăng lợi nhuận. Ngay cả khi khách hàng lựa chọn đến tận nơi để mua sắm, họ vẫn sử dụng điện thoại thông minh để so sánh giá cả và chất lượng hàng hóa. Các công ty thương mại điện tử, những DN được cho là tiên phong trong cuộc đua CĐS, cũng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo phân tích và xử lý dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ khách hàng trực tuyến, liên tục và bảo mật thông tin.
Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh và những diễn biến trên thị trường thế giới đã khiến ngành logistics chứng kiến nhiều khó khăn, tác động đến mọi khía cạnh của quy trình kinh doanh như chi phí lưu giữ hàng tồn kho, mức độ hài lòng của khách hàng, thời gian thực hiện đơn hàng.
Kết quả khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI), cho thấy hầu hết các DN logistics đều nhận định CĐS là vấn đề cấp thiết hiện nay, song nhiều DN xác nhận, quá trình CĐS đang phát sinh nhiều khó khăn, rào cản. Trong đó, 42,11% DN logistics chia sẻ nguyên nhân của việc chậm CĐS là do kinh phí hạn hẹp và nhân lực hạn chế, cũng như chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp.
Tìm hiểu giải pháp đám mây dành riêng cho từng ngành công nghiệp
Điện toán đám mây (ĐTĐM) được xác định có vai trò không thể thiếu trong quá trình DN CĐS. Theo HPE, công ty chuyên cung cấp sản phẩm và giải pháp công nghệ thông tin cho DN, phần lớn, các DN vừa và nhỏ thường gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ đám mây vì nguồn nhân lực hạn chế và thiếu chuyên môn sẵn có.
Hiện tại, HPE đang cung cấp giải pháp đám mây riêng linh hoạt và an toàn cho DN HPE GreenLake. Đây là nền tảng đám mây riêng giúp DN hiện thực hóa đám mây lai, mang trải nghiệm đám mây tới trung tâm dữ liệu tại chỗ, và triển khai công việc ở bất cứ đâu phù hợp và tối ưu nhất.
HPE GreenLake đồng bộ tất cả các ứng dụng, dữ liệu với tốc độ cao, toàn quyền kiểm soát dù dữ liệu được tạo ra và lưu trữ bất cứ nơi đâu. Giải pháp cung cấp các công cụ và công nghệ để DN thuộc mọi quy mô có thể trở nên nhanh nhẹn hơn và có được sự linh hoạt về tài chính.
Ngày 26/7 tới, hội thảo "HPE Industry Solution Summit 2022 - Việt Nam" do HPE, Intel® và các đối tác tổ chức sẽ diễn ra tại TP.HCM nhằm cung cấp thông tin, mở ra cơ hội bứt phá cho DN với sức mạnh công nghệ. Hội thảo được thiết kế dành riêng cho các ngành sản xuất, giáo dục, bán lẻ, logistics, thương mại điện tử, y tế, bất động sản, dịch vụ nhà hàng/khách sạn và khối hành chính công.
Ngoài ra, DN cũng sẽ khám phá những giải pháp công nghệ sáng tạo được bảo mật mạnh mẽ, mở rộng linh hoạt và độ tin cậy đã được kiểm chứng. Đặc biệt, hội thảo sẽ mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng của những tổ chức thành công vượt qua thách thức để "biến những điều không thể thành có thể"./.