An toàn thông tin

Chống lừa đảo trên mạng khởi đầu là nhận thức

Ngọc Diệp 22/10/2024 17:15

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng trên không gian mạng, đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp, đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp để bảo vệ khách hàng của mình.

An toàn thông tin khởi đầu là nhận thức

Năm 2023, Cổng Cảnh báo an toàn thông tin (ATTT) Việt Nam đã nhận gần 17.400 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Cổng tiếp nhận hơn 22.210 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng gửi đến.

Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm đến lừa đảo đầu tư…

Đặc biệt, thực trạng nhiều người dùng chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân, thiếu kiến thức và chủ quan trước các mối đe dọa lừa đảo trực tuyến cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp (DN), đòi hỏi cần phải đề cao hơn nữa bài toán nâng cao giải pháp bảo vệ chính khách hàng của mình.

Trước những thách thức này, ngày 22/10, Cục ATTT, Bộ TT&TT đã phối hợp cùng các DN tổ chức Hội nghị “Bảo vệ người dân, khách hàng trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng”.

Tại hội nghị, Cục ATTT cũng chỉ rõ, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm ATTT trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.

img_1664-1-(1).jpeg
Ông Trần Quang Hưng: Cục ATTT sẽ đồng hành với các DN để đưa triển khai các ý tưởng, giải pháp tạo ra các sản phẩm Make in Việt Nam giải quyết bài toán phòng, chống lừa đảo trực tuyến.

Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục ATTT, công nghệ số phát triển cùng với đó kéo theo nguy cơ về lừa đảo trực tuyến. Lừa đảo trực tuyến đang diễn ra hiện hữu trước mắt không chỉ ở Việt Nam và trên phạm vi toàn thế giới. Để chống lừa đảo có nhiều cách thức, tuy nhiên, ATTT khởi đầu là nhận thức, cần triển khai các chiến dịch tuyên truyền hướng tới từng nhóm đối tượng để tuyên truyền đúng và trúng, và đây là nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện.

"Ngoài ra, các giải pháp của các các DN Việt Nam đang rất tiềm năng. Cục ATTT sẽ đồng hành với các DN để đưa triển khai các ý tưởng, giải pháp tạo ra các sản phẩm Make in Việt Nam giải quyết bài toán phòng, chống lừa đảo trực tuyến”, Phó Cục trưởng Cục ATTT nhấn mạnh.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dùng từ phía DN

Từ phía các DN, câu chuyện đảm bảo ATTT, nâng cao giải pháp bảo vệ người dân trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến luôn được đặt lên hàng đầu. Công ty Verichains đã chỉ ra chi tiết các cách thức tấn công lừa đảo trực tuyến của tội phạm mạng cũng như các nguy cơ chiếm đoạt tài sản và tiền của người dùng thông qua tấn công ứng dụng ngân hàng di động. Đây là những thách thức lớn đối với các DN, cần phải đẩy mạnh các giải pháp mang tính hiệu quả và đột phá.

img_1804.jpg
Đại diện Công ty Verichains trình bày tham luận về nguy cơ chiếm đoạt tài sản và tiền của người dùng thông qua tấn công ứng dụng ngân hàng di động.

Song song với các giải pháp truyền thống, nhiều DN cũng nghiên cứu và áp dụng các giải pháp mới để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc bảo vệ khách hàng.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Công ty An ninh mạng Viettel khẳng định bên cạnh những thách thức thời cuộc khi các đối tượng xấu lợi dụng lỗ hổng và sự tiện lợi của công nghệ cũng tạo ra cho tổ chức, DN nhiều cơ hội như nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xử lý dữ liệu lớn và AI để phát hiện các hoạt động lừa đảo; hợp tác giữa các tổ chức và cơ quan thực thi pháp luật; triển khai các giải pháp an toàn số tiên tiến để cung cấp cho khách hàng nhằm phòng, chống các hành vi lừa đảo.

img_1720.jpg
Đại diện Ngân hàng Nam Á chia sẻ những giải pháp bảo vệ khách hàng trên không gian mạng.

Đại diện Ngân hàng Nam Á cũng cho biết, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều lớp bảo mật, bao gồm xác thực đa yếu tố và kiểm soát chặt chẽ các giao dịch có dấu hiệu bất thường, triển khai hệ thống bảo vệ thông tin khách hàng thông qua việc triển khai các thiết bị bảo mật, giám sát hoạt động và sao lưu định kỳ.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng, ngăn chặn lừa đảo trực tuyến. Đơn vị này đã tích cực phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT&TT, Ngân hàng nhà nước để phát hiện, điều tra và xử lý các hành vi lừa đảo.

Hội nghị bao gồm 4 chuyên đề thảo luận: Đấu trí với lừa đảo trực tuyến 4.0; Giải pháp bảo vệ lớp mạng trước các nội dung xấu độc, lừa đảo trực tuyến; Giải pháp an toàn trong giao dịch trực tuyến nhằm bảo vệ khách hàng và nguy cơ chiếm đoạt tài sản và tiền của người dùng thông qua tấn công ứng dụng ngân hàng di động.

Hội nghị có sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đại diện một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức bảo hiểm, DN viễn thông lớn; các công ty nền tảng mạng xã hội; một số đơn vị chuyên trách, DN ATTT như Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng nhà nước, Công ty An ninh mạng Viettel, Công ty Verichains và các DN phát triển nền tảng đồng hành trong các chiến dịch tuyên truyền phòng chống lừa đảo trực tuyến: Công ty TikTok Việt Nam, Ngân hàng Nam Á, Team Chống lừa đảo.

Đây là cơ hội cho các cơ quan, tổ chức được chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực, mang tới bức tranh toàn diện về các thách thức và giải pháp trong việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chống lừa đảo trên mạng khởi đầu là nhận thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO