Cả thế giới vào cuộc
Ngày 19-11-2016, không lâu sau khi kết thúc chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, trước những chỉ trích về việc Facebook không hành động thích đáng để ngăn chặn tin tức giả phát tán trên nền tảng này, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã cập nhật một bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân của mình đưa ra một số dự án mà Facebook đã và đang thực hiện để ứng phó với tin tức sai sự thật. Từ đó đến nay, Facebook đã cập nhật thêm các giải pháp nhằm ngăn chặn việc phát tán tin tức giả ở ba nội dung chính: làm gián đoạn động cơ kinh tế vì phần lớn các tin tức sai có động cơ tài chính; xây dựng các sản phẩm mới để hạn chế việc phát tán các tin tức sai và giúp người dùng đưa ra được thêm các quyết định đúng đắn khi họ bắt gặp tin tức sai.
Ngày 16-11-2017, trong một nỗ lực mới nhất chống tin tức giả, Facebook, Google và Twitter tuyên bố cùng tham gia dự án “Trust Project”, triển khai những chỉ dẫn tin cậy nhằm giúp người dùng xem xét độ tin cậy của các hãng xuất bản và tác giả của các bài báo hiển thị trên bảng tin (News feed). |
Cùng Facebook và các công ty công nghệ khác, Google cũng đã công bố và từng bước thực hiện kế hoạch cải thiện các thuật toán để mang lại các kết quả tìm kiếm chính xác và đáng tin cậy hơn cho người dùng. Trong đó, có các biện pháp như, nhóm làm việc của Google sẽ đánh giá chất lượng các thuật toán của công cụ tìm kiếm thông qua những chỉ dẫn mới. Những chỉ dẫn mới này hiện bao gồm việc giám sát các kết quả tìm kiếm có chứa “các thông tin sai lệch, các kết quả tìm kiếm gây khó chịu không mong muốn, các tin tức đánh lừa và các thuyết âm mưu không có căn cứ”. Google cũng thay đổi các tham số tìm kiếm của công cụ này cho phép ưu tiên các nguồn tin “chính xác hơn”.
Không chỉ các công ty công nghệ, các chính phủ trên toàn thế giới cũng tích cực phát động cuộc chiến chống tin tức giả thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, Đức là một trong những quốc gia hành động nhanh và kiên quyết trong cuộc chiến chống tin tức giả. Ngày 30-6-2017, Nghị viện Đức đã thông qua một dự luật nhằm xử lý các phát ngôn gây thù hận, các tài liệu phạm tội và các tin tức giả trên các mạng xã hội. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội phải xóa bỏ các nội dung kể trên trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo, nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu euro.
Theo dự luật mới của Đức, các nền tảng mạng xã hội có thể bị phạt tới 50 triệu euro nếu khôg xóa tin tức giả trong vòng 24 giờ. (Ảnh: Nghị viện Đức - nguồn: DW)
Không riêng Đức, nhiều chính phủ trên thế giới cũng đã chuẩn bị đưa ra những đạo luật, chính sách mới để ứng phó với tin tức giả. Ngày 19-6-2017, Bộ trưởng Pháp luật kiêm Bộ trưởng Nội vụ Singapore K Shanmugam thông báo, các điều luật mới nhằm quản lý không gian mạng và ứng phó với việc lan truyền tin tức giả dự kiến sẽ được đưa ra trong năm tới. Các nước như Italy hồi tháng 2-2017 và Ireland hồi đầu tháng 12-2017 đã đề xuất và tranh luận về các dự luật nhằm ngăn chặn việc lan truyền tin tức giả mạo, trong khi đó Ấn Độ và Malaysia hồi tháng 4-2017 tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý như truy tố và bỏ tù những đối tượng là các quản trị viên nhóm trên ứng dụng WhatsApp hay Facebook liên quan đến việc phát tán tin tức giả.
Ngày 13-11-2017, Liên hiệp châu Âu (EU) đã khởi động một cuộc tham vấn công chúng trên quy mô lớn về tin tức giả, từ về định nghĩa, đến đánh giá và đưa ra các giải pháp xử lý tin tức giả trong tương lai. Cuộc tham vấn kéo dài tới ngày 23-2-2018, với các nhóm đối tượng tham vấn được hướng tới là: người dân, các nền tảng mạng xã hội, các tổ chức tin tức (bao gồm tất cả các loại hình báo chí, các bên kiểm chứng thông tin), các học giả và các tổ chức xã hội dân sự. Cùng với các công ty công nghệ và các chính phủ, báo chí chủ lưu cũng là một lực lượng tham gia tích cực trong cuộc chiến chống tin tức giả. Các hãng tin tức tích cực chỉ ra và đính chính các tin tức giả, nhiều hãng tin tạo các chuyên mục chuyên về phân biệt tin tức giả cho người đọc. Các hãng tin cũng đưa ra các khuyến cáo, chỉ dẫn cho người đọc làm thế nào để nhận diện tin tức giả để từ đó giúp người đọc có những quyết định đúng đắn hơn khi quyết định đọc và chia sẻ những tin tức đó, góp phần làm giảm việc lan truyền tin tức giả.
Bên cạnh đó, tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Italy, Thụy Điển, CH Czech… đã có các tổ chức, trường học với các chuyên gia đầu ngành đã tham gia vào các nhóm làm việc cùng các công ty công nghệ tổ chức thực hiện các dự án giúp người dùng nhận diện tin tức giả. Nhiều trường học phối hợp đưa vào chương trình giảng dạy các bài giảng cho học sinh, sinh viên về nhận diện tin tức giả. Bản thân các cá nhân người dùng các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng liên lạc cũng tham gia hỗ trợ các công ty công nghệ phát hiện và báo cáo các tin tức giả.
Mặc dù cuộc chiến chống tin tức giả có sự tham gia của nhiều lực lượng, thành phần khác nhau, tuy nhiên cho đến nay, tin tức giả vẫn được lan truyền nhanh chóng ở khắp mọi nơi. Cuộc chiến này mới chỉ bắt đầu và những hiệu quả đạt được cũng chỉ ở mức hạn chế.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn Quốc hội ngày 17-11-2017. (Ảnh:VGP)
Việt Nam ứng phó tin tức giả
Tại Việt Nam, tin tức giả xuất hiện dưới đủ các hình thức: từ những tin được trình bày giống như một tin báo chí trên một số trang tin, đến các câu chuyện sai sự thật, các hình ảnh, video cắt ghép được lan truyền trên các mạng xã hội và cả các tin tức sai một phần xuất hiện trên báo chí do không kiểm chứng thông tin cẩn thận. Tuy nhiên, các tin tức sai trên báo chí chiếm tỷ lệ không đáng kể so với các tin tức giả còn lại. Những loại tin tức giả này cùng với các thông tin xấu độc trên trực tuyến nằm trong những loại tin tức bị cấm theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 15-7-2013, được quy định cụ thể tại điểm d và e, khoản 1, điều 5. Các hành vi bị cấm bao gồm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc pham uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; e) Giả mạo tổ chức, các nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174. Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 122 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ ba tháng đến bảy năm về tội vu khống.
Trong năm 2017, nhiều đối tượng tung tin thất thiệt đã bị công an triệu tập làm rõ và chuyển cho các cơ quan liên quan tiến hành xử phạt hành chính. Như trường hợp nữ công nhân Hoàng Thị Liễu tại Vĩnh Phúc tung tin bắt cóc trẻ em ngày 20-7-2017 và người tung tin bắt được cá sấu nặng 83 kg tại Cà Mau đều bị phạt 10 triệu đồng, do đây đều là những thông tin bịa đặt. Nhiều trường hợp khác như tung tin thảm án tại Nam Định, máy bay rơi tại sân bay Nội Bài, vỡ đập hồ Núi Cốc,… đều bị đề nghị xử phạt hành chính.
Đào Xuân Hòa (bên phải) bị UBND TP Thái Nguyên phạt hành chính 12,5 triệu đồng vì tung tin thất thiệt vỡ đập hồ Núi Cốc lên mạng xã hội. (Ảnh: baogiaothong.vn)
Trả lời phỏng vấn Nhân Dân điện tử ngày 9-10-2017, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, thuộc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, tại Việt Nam đã có những cá nhân, nhóm người sản xuất tin tức giả chuyên nghiệp, có những clip được sản xuất rất nhanh, một clip khoảng 30 phút được sản xuất theo kiểu “mì ăn liền”, cắt ghép ảnh các lãnh đạo, bắn phụ đề ở dưới khiến người xem có cảm giác là đúng và giống nhưng thực ra là cắt ghép các hình ảnh để đưa vào và đăng tải lên Youtube. Những tin tức đó thường kích thích sự tò mò và rõ ràng những trường hợp đó là tin tức giả hoàn toàn. Chưa biết đúng hay sai nhưng người xem vẫn thích xem. Youtube có chính sách chia sẻ tiền quảng cáo cho những người đưa lên, xem càng nhiều thì tiền quảng cáo càng nhiều. Do vậy, thực tế, có những cá nhân chỉ xây dựng những trang này lên nhằm mục đích kiếm tiền chứ không nhằm mục đích nào khác. Một ngày, họ có thể sản xuất vài chục clip như thế để đưa lên Youtube và kiếm được khá nhiều tiền.
Tại Việt Nam, hạn chế về kỹ thuật khiến việc ngăn chặn và xử lý các trang web đưa tin giả rất khó khăn do các trang này thường giấu nguồn gốc, đặt máy chủ tại nước ngoài. |
Theo bà Huyền, bên cạnh các cơ quan của Bộ trực tiếp, thì việc phát hiện tin tức giả còn nhờ vào chính những tổ chức, cá nhân là nạn của các hành vi giả mạo, các quan báo chí, các cơ quan liên quan hay là cá nhân người dùng. Sau khi phát hiện tin tức giả, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý các tin tức giả kiểu này không phải lúc nào cũng dễ dàng và nhanh chóng. Bởi vì, để xử lý đúng đối tượng vi phạm phải xác định được rõ danh tính của đối tượng đó. Tuy nhiên, có một thực tế là thông thường các trang web đăng tin tức giả thường giấu nguồn gốc và đăng ký máy chủ ở nước ngoài. Do hạn chế về kỹ thuật, để phát hiện được nguồn gốc các trang này là rất khó và mất nhiều thời gian. Khi xác định được nguồn gốc trang web đó, rồi lại phải xác định xem ai là người cung cấp thông tin đó lên. Chẳng hạn như một trang web đặt máy chủ ở Mỹ nhưng nguồn phát tán tin lên trang này lại ở Việt Nam hay một nước nào đó.
Bên cạnh đó, cũng vì hạn chế kỹ thuật nên không thể chặn từng nội dung sai phạm mà phải chặn toàn bộ trang đăng tin đó. Điều này dễ gây phản ứng với cả dư luận trong nước và các nhà mạng. Thực tế này lý giải tại sao có nhiều trang web rõ ràng là đưa tin sai sự thật hay mạo danh nhưng lại chậm bị xử lý hoặc thậm chí là không thể bị xử lý ngay cả khi đã phát hiện được nguồn gốc của các trang đó.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17-11-2017, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng và đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu độc. Cụ thể: Bộ đã tham mưu để ban hành sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quản lý internet và thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ về kỹ thuật để xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam và kêu gọi, kích động biểu tình chống phá Nhà nước. Bộ cũng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các công ty truyền thông quảng cáo lớn trong nước để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, nhất là quảng cáo trên trang mạng nước ngoài cung cấp vào Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30-9-2017, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam, trong khi dân số Việt Nam vào khoảng gần 96 triệu người. |
Tuy nhiên, về kết quả, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận, hiện nay vẫn còn hạn chế, bất cập. Ngoài hạn chế về kỹ thuật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến hình thức phát tán thông tin để thông tin được lan truyền với tốc độ nhanh, khó kiểm soát. Trong khi đó, người dân ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google, trong bối cảnh nước ta chưa có một dịch vụ tương tự để phục vụ nhu cầu của người dân.
Việt Nam cũng chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu ở trên Facebook. Trong khi đó, chính sách chia sẻ tiền quảng cáo cho người sản xuất nội dung được đăng trên Youtube của Google đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để chiêu dụ một bộ phận người dân vì hám lợi, cả tin, tham gia sản xuất và đăng tải các video, clip phản động lên mạng cho chúng, coi đó như một công việc nhẹ nhàng nhưng có thu nhập cao. Bên cạnh đó, Facebook, Google đều cho phép người dùng có thể bỏ tiền mua quảng cáo để phát đi những thông điệp đến các nhóm đối tượng mong muốn. Chính vì vậy, các tin tức bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu người khác cũng được dùng để phục vụ vào các mục đích này.
Hạn chế cuối cùng là hệ thống văn phản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng xã hội của Việt Nam bất cập và chưa theo kịp sự phát triển của thực tế.
Học sinh tại một trường học ở Germantown, Maryland, Mỹ đọc một tin giả về nữ diễn viên Jennifer Aniston trong giờ học về nhận diện tin tức giả. (Ảnh: CNN)
Đâu là giải pháp tối ưu hiện nay?
Một trong những giải pháp tối ưu và khả thi nhất hiện nay là nâng cao nhận thức của người tiếp nhận thông tin, biết sàng lọc các nguồn thông tin để tiếp nhận và chia sẻ lại trên các mạng xã hội, đồng thời tránh tung tin thất thiệt vi phạm quy định pháp luật. Việc này có thể được thực hiện thông qua các hoạt động tuyên truyền của các tổ chức, trường học, các phương tiện thông tin đại chúng và bản thân những người tiếp nhận thông tin chủ động tìm tòi, trang bị cho mình những kiến thức để có thể tự thẩm định các nguồn tin.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia hiện nay, khả năng sàng lọc các nguồn thông tin của những người tiếp nhận thông tin nói chung vẫn chưa cao, nếu không nói là ở mức thấp, nhất là những người tiếp nhận thông tin sinh sống tại các vùng nông thôn. Trong khi đó nhóm những người có khả năng nhạy bén với các tin tức không nhiều. Ông Pratik Sinha, người sáng lập trang web Alt News tham gia chống tin tức giả có trụ sở tại Ấn Độ khi trả lời về cuộc chiến chống tin tức giả tại nước này cho biết: “Nhờ sự phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh và các gói cước truy cập dữ liệu giá rẻ, các tin đồn được lan truyền xa hơn và nhanh hơn. Đột nhiên, người dân, đặc biệt tại các vùng nông thôn, bị ngập vùi trong thông tin và không thể phân biệt được đâu là thật và đâu là giả trong làn sóng thông tin đó. Họ có xu hướng tin bất cứ thứ gì được gửi tới cho họ”. Không giống như các nước phương Tây, phần lớn tin tức giả tại Ấn Độ được lan truyền thông qua ứng dụng WhatsApp và các ứng dụng tin nhắn trên điện thoại di động.
Khảo sát tại bốn nước Mỹ, Anh, Pháp và Brazil của công ty Kantar, cho thấy, gần 15% số người được hỏi thừa nhận chia sẻ một câu chuyện ngay sau khi chỉ đọc tiêu đề. |
Tại Việt Nam, theo báo cáo Hành vi người dùng điện thoại thông minh 2017 của Nielsen Việt Nam công bố ngày 24-11-2017, số người sử dụng điện thoại thông minh tiếp tục tăng ở cả thành thị và nông thôn. Đáng chú ý, số người sử dụng mạng xã hội Facebook tại thành thị và nông thôn không có cách biệt lớn với số người sử dụng lần lượt là 23,5 triệu người và 22,5 triệu người. Các phương tiện truyền thông xã hội đã xuất hiện như một trong những nền tảng chính cho việc thu thập thông tin, giải trí và giữ liên lạc với người thân, bạn bè và con cái. Hiện chưa có khảo sát quy mô về thói quen tiếp nhận và chia sẻ thông tin của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam nhưng từ thực tế trong thời gian qua, những tin tức giả tại Việt Nam được lan truyền chóng mặt trên các mạng xã hội cho thấy, tỷ lệ cao số người tin vào những tin tức này.
Chuyên mục Giả-Thật trên báo Tuổi Trẻ giúp độc giả nhận diện những tin tức giả được chia sẻ trên trực tuyến.
Báo chí chính thống là một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tin tức giả và các loại thông tin xấu độc khác.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho người tiếp nhận thông tin chính là báo chí, bởi báo chí chính thống vẫn có uy tín nhất định đối với độc giả. Song song với việc góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức của người tiếp nhận thông tin, báo chí cần đẩy mạnh các nội dung thông tin, thông tin kịp thời, chính xác và trực diện, nhất là đối với các sự kiện, sự việc “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm. Nếu báo chí làm tốt được chức năng tuyên truyền thì chắc chắn sẽ dẹp bớt được những thông tin giả. Nếu báo chí chính thống không lên tiếng thì người ta sẽ đọc những nguồn tin khác. Thông tin giả có đất sống hay không thì phụ thuộc vào khả năng làm tốt của thông tin chính thống và các cơ quan hỗ trợ để báo chí làm tốt được chức năng đó. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, báo chí hiện nay đang có tình trạng bị mạng xã hội dẫn dắt, cần phải làm sao để chính báo chí phải là hạt nhân dẫn dắt thông tin, định hướng những thông tin đúng trên mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực, để định hướng và tuyên truyền thông tin tốt, để thông tin tốt ngày càng phát triển và hạn chế nhiều hơn những thông tin xấu.
Cũng như những hệ lụy khác do sự phát triển của công nghệ nói chung và các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn nói riêng, tin tức giả đã, đang và sẽ là vấn đề gây đau đầu cho nhiều người, từ các chính phủ, các công ty công nghệ và cả công chúng. Công nghệ càng phát triển thì những đối tượng sản xuất và phát tán tin tức giả lại càng có thêm nhiều công cụ để phục vụ cho ý đồ của chúng. Do vậy, cuộc chiến chống lại vấn nạn này cũng không đơn giản, có thể hoàn tất trong một sớm một chiều. Trong lúc chưa có những giải pháp thực sự hữu hiệu, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kỹ năng để có thể nhạy bén trước các thông tin, đưa ra được những sự lựa chọn và quyết định đúng đắn về việc nên tiếp nhận hay chia sẻ thông tin nào, góp phần làm giảm thiểu những hệ quả thật mà tin tức giả gây ra.
Phát hiện tin tức giả bằng cách nào? - Liệu thông tin này đã được đưa tin ở bất cứ chỗ nào khác chưa? Có được thông tin trên các tờ báo chính thống? - Bạn đã từng nghe về các nhân, tổ chức đăng tải thông tin này chưa? - Quan sát địa chỉ website trên đầu trang, liệu website nơi bạn tìm thấy thông tin này trông có xác thực không? - Liệu hình ảnh hay video trông có bình thường? - Liệu thông tin nghe có vẻ tin tưởng được không? - Kiểm tra ngày, tháng xảy ra sự kiện, sự việc được đăng tải có đúng thời điểm hiện tại? |