Đời sống xã hội

Chủ động "chiến đấu" giảm mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra

Trung Quân 04/12/2023 14:34

Năm 2023 sắp đi qua, nhìn lại một năm Việt Nam đã trải qua đầy sóng gió với nhiều khó khăn nặng nề từ thiên nhiên. Ta thấy rằng năm 2023 “là một năm của thiên tai” khi hầu hết các khu vực trên khắp dải đất hình chữ S đều phải chịu tổn thất do bão lũ, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng.

Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người dân, thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD. Trong đó Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở nước ta, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có một chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường

mua-1697505728216115814595.jpg
Ảnh minh họa

Đứng trước tình hình đó Chính phủ luôn quyết liệt trong công tác phòng chống thiên tai thông qua Quyết định số 535/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030 định hướng đến năm 2045.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cho biết những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 5/8/2023, trên cả nước xảy ra: 1.753 sự cố, thiên tai (1 áp thấp nhiệt đới, 2 cơn bão, 47 trận mưa lớn, ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất, đá; 208 trận giông lốc và mưa đá; 27 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; 151 trận động đất và 321 vụ sạt lở bờ sông) làm chết 267 người; Mất tích 78 người; Bị thương 291 người; Chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện; Cháy 628 nhà xưởng và 1.176 ha rừng; sập đổ, tốc mái 9.075 nhà; Hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu...

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 diễn biến thiên tai năm nay còn nhiều diễn biến phức tạp, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11 - 13 cơn trên biển Đông và 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền); bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 - 10/2023 và giảm dần từ tháng 11/2023.

Đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1 - 2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2 - 3, tập trung trong các tháng 7 - 9; Đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1 - 2, có sông trên báo động 2; Các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2 - 3, có sông trên báo động 3 (Ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và năm 2022). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.

479.jpg
Ảnh minh họa

Trước đó theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Năm 2016, thiên tai làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng. Năm 2017 tăng lên 386 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng. Năm 2018 có 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Năm 2019, thiên tai làm 133 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng. Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; Trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, với tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ đã làm 267 người chết và gây thiệt hại 35.800 tỷ đồng.

Năm 2021, thiên tai làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng. Đây là năm có số thiệt hại về thiên tai thấp nhất trong vòng 20 năm qua trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động, trong đó có hoạt động phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.

Năm 2022 thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.453 tỷ đồng. Gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2021.

Để phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai có hiệu quả Tổng cục Phòng, chống thiên tai xác định các giải pháp phòng, chống thiên tai thực hiện 8 giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người, mọi nhà, mọi địa phương nhận thức sâu sắc tác hại của thiên tai, nhận diện một cách đầy đủ các loại hình thiên tai và những diễn biến của nó để chủ động phòng, chống một cách có hiệu quả, với phương châm “Phòng, tránh là chính, tự cứu mình là chính”.

Thứ hai, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ) một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả.

Thứ ba, coi trọng đúng mức và làm tốt công tác dự báo, dự tính, chỉ huy điều hành của các cấp, các ngành.

Thứ tư, quy hoạch và xây dựng các công trình để vừa cấp nước cho các nhu cầu kinh tế - xã hội (KT-XH), vừa điều tiết nước lũ về mùa mưa; củng cố các tuyến đê sông, suối, ao, hồ thủy lợ... Xây dựng các trạm bơm tưới tiêu, các công trình phân lũ...

Thứ năm, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng.

Thứ sáu, khi có thiên tai xảy ra, cần huy động tổng hợp các lực lượng, nhất là lực lượng chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện và nhân dân trên địa bàn thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; Phải chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và các yếu tố đảm bảo. Sau thiên tai, cần đánh giá chính xác thiệt hại, huy động nội lực với tinh thần “Lá lành đùm lá rách” và coi trọng sự cứu trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn cứu trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.

Thứ bảy, thu hút đầu tư nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một tỉnh nông nghiệp sang một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; Xem đây là giải pháp căn cơ nhất để phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển một cách bền vững.

Thứ tám, quan tâm đầu tư cho các đơn vị cơ sở xã, phường nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao về phương tiện cứu hộ, cứu nạn, dự trữ các nhu cầu thiết yếu lương thực, thực phẩm, thuốc men,... để phục vụ ứng cứu và khắc phục kịp thời hậu quả của thiên tai. Cần có quy định để các ngành, các cấp, các địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH cần lấy quy hoạch phòng, chống bão, lũ làm một tiêu chí quan trọng để chọn phương án phù hợp. Tiếp tục qua tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai như kiên cố hóa hồ đập... đồng thời tăng cường công tác dự báo, dự tính; cung cấp thông tin dự báo đầy đủ và tin cậy hơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chủ động "chiến đấu" giảm mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO