Chữ ký điện tử thực hiện toàn trình các giao dịch trên không gian mạng
Ngày 22/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15, quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, trong đó có quy định về chữ ký điện tử. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.
Luật Giao dịch điện tử 2023 góp phần giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số. Đặc biệt về chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số. Đồng thời Luật Giao dịch điện tử còn công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; Công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài....
Theo Luật giao dịch điện tử 2023 có 03 loại chữ ký điện tử thi hành trên môi trường số.
Một là chữ ký điện tử: Là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.
Hai là chữ ký số: Là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.
Quy định về chữ ký điện tử cụ thể, theo Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023 trong đó 3 loại chữ ký điện tử được phân loại theo phạm vi sử dụng bao gồm:
+ Chữ ký điện tử chuyên dùng là chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ;
+ Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng;
+ Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Chữ ký điện tử chuyên dùng phải đáp ứng đủ các yêu cầu: Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu; Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chuyên dùng chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận; Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chuyên dùng chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký; Hiệu lực của chữ ký điện tử chuyên dùng có thể được kiểm tra theo điều kiện do các bên tham gia thỏa thuận.
Chữ ký số là chữ ký điện tử phải đáp ứng đủ các yêu cầu: Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu; Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận; Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký; Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện; Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Trường hợp chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Trường hợp chữ ký số công cộng phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; Bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất; Không làm thay đổi dữ liệu cần ký.
Giá trị pháp lý của Chữ ký điện tử, theo Điều 23 Luật Giao dịch điện tử 2023 thì Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử: Chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử; Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.
Trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác nhận thì yêu cầu được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó.
Luật Giao dịch điện tử 2023 được đưa vào thực tiễn sẽ góp phần đưa các văn bản pháp luật của các bộ, ngành khác sẽ dựa trên đây để đưa ra các quy định liên quan đến giao dịch điện tử trên môi trường mạng của chuyên ngành. Khi có quy định, chắc chắn người dân và doanh nghiệp sẽ nhận nhiều lợi ích, giúp các giao dịch trên môi trường mạng được thực hiện toàn trình, hướng đến một xã hội văn minh tiên tiến.