Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ TTTT, Bộ Nội vụ, Hội Tin học Việt Nam, trường đại học và doanh nghiệp đã trình bày tham luận và trao đổi cùng hơn 100 đại biểu đến từ các Sở TTTT, cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, Ngành và nhiều tổ chức, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng điểm lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với CNTT và nguồn nhân lực CNTT từ đầu những năm 1990 và mới đây là Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; cùng các chiến lược, kế hoạch phát triển nhân lực CNTT. Trong đó, kỹ năng sử dụng CNTT đóng vai trò rất quan trọng vì số lượng nhân lực rất lớn ở trong mọi ngành nghề, cả khu vực công và tư trên mọi vùng miền của đất nước. Trên cơ sở tham khảo quốc tế và ý kiến các chuyên gia CNTT trong nước, ngày 11/3/2014, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT quy định Chuẩn kỹ năng (CKN) sử dụng CNTT, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/4/2014. Thông tư này là cơ sở giúp cho các Bộ, ngành, doan nghiệp trong công tác tuyển dụng, nâng bậc trình độ sử dụng CNTT cho nhân sự của mình; các đơn vị đào tạo có thể xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Thứ trưởng mong rằng, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để CKN nhanh chóng đi vào đời sống xã hội và những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện trong các phiên bản tiếp theo của CKN sử dụng CNTT.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Ông Tô Hồng Nam, đại diện Vụ CNTT (Bộ TTTT) giới thiệu khái niệm về CKN sử dụng CNTT, sự cần thiết và ý nghĩa của việc Bộ TTTT ban hành CKN sử dụng CNTT. Có thể thấy, thực tế hiện nay ở Việt Nam đang rất cần “tiếng nói” chung giữa các chủ thể tham gia thị trường nhân lực về khía cạnh sử dụng CNTT (cả khu vực công và tư) gồm 4 bên: đơn vị sử dụng lao động, cơ sở đào tạo, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước. Trong xã hội, cách thức sử dụng CNTT đang rất khác nhau tùy thuộc vào các sản phẩm phần cứng, phần mềm, tập quán và tác phong của người sử dụng. Chính sự đa dạng thiếu chuẩn mực, trình độ sử dụng không đồng nhất đã làm giảm đáng kể hiệu quả lao động trên thực tế, không phát huy được sự hỗ trợ của máy tính.
CKN sử dụng CNTT do Bộ TTTT ban hành đảm bảo tính trung lập, không có các nội dung đặc thù của bất kỳ sản phẩm hay công nghệ cụ thể nào. CKN sử dụng CNTT có thể áp dụng trong đào tạo, sát hạch. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh Xã hội quy định việc sử dụng CKN vào xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo, ra đề kiểm tra trình độ sử dụng tin học tại các Trung tâm đào tạo tin học, trong trường học phổ thông, trường dạy nghề.
Ông Nguyễn Mạnh Tuyền, đại diện Trung tâm Thông tin của Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đã áp dụng phần CKN cơ bản của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT để cập nhật, chỉnh sửa nội dung bộ tài liệu hướng dẫn ôn tập tin học phục vụ thi nâng ngạch Chuyên viên lên Chuyên viên chính, Chuyên viên chính lên Chuyên viên cao cấp. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục căn cứ Thông tư 03/2014/TT-BTTTT để điều chỉnh tài liệu bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng CNTT cho cán bộ, công chức xã và biên soạn ngân hàng đề thi nâng ngạch, đề thi tuyển dụng công chức môn Tin học.
PGS. TS Nguyễn Hà Nam (Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, trong nhiều năm gần đây, môi trường đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm cả các chuẩn quốc tế như IC3, ICDL. Tuy nhiên, nội dung đào tạo phục vụ những mục tiêu riêng biệt, chưa phù hợp cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động ở Việt Nam, ít tính liên thông với chuẩn kỹ năng trên thế giới. Ông Nguyễn Hà Nam đề xuất mô hình tổ chức sát hạch và đào tạo và Bộ TTTT tiếp tục điều chỉnh CKN sử dụng CNTT theo hướng chi tiết hơn dựa trên phản hồi của các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động để cơ sở đào tạo kịp thời cập nhật nội dung đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu xã hội (Ví dụ, nên bổ sung các kỹ năng làm việc nhóm).
Đại diện cho hiệp hội nghề nghiệp, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam tham luận chi tiết về lịch sử đào tạo phổ cập chứng chỉ kỹ năng tin học cho xã hội (chứng chỉ tin học ABC) ở Việt Nam từ những năm 1990 đến nay đều chủ yếu dựa trên nền tảng phần mềm của Microsoft.
Quảng cáo của một Trung tâm đào tạo tin học trình độ ABC
Ông Nguyễn Long kết luận, hiện trạng là “bất cập và lạc hậu”, nhiều kỹ năng mới không được cập nhật vào chương trình đào tạo. Thực tế cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đều không tin tưởng vào chứng chỉ ABC vì chứng chỉ này rất dễ mua bán và làm giả. Thực tế đã từng có trường hợp Công an thành phố Hà Nội thuê Đại học FPT để kiểm tra trình độ tin học cơ bản khi tuyển dụng. CKN sử dụng CNTT do Bộ TTTT ban hành là bộ chuẩn đầu tiên tương đối đầy đủ, có tính chất “mở đường” cho các chuẩn kỹ năng CNTT khác ra đời sau này. Tuy nhiên, Thông tư 03/2014/TT-BTTTT chỉ có phạm vi điều chỉnh trong ngành CNTT-TT (và theo Luật CNTT), chưa rõ mối quan hệ của Chuẩn này chiếu tới các quy định liên quan của Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB-XH. Ông Long đề xuất Bộ TTTT phối hợp các Bộ, Ngành tăng cường tuyền truyền phổ biến để nhanh chóng thúc đẩy đưa CKN sử dụng CNTT vào cuộc sống, chú trọng phát triển ở 63 tỉnh, thành và khuyến nghị lấy Đoàn thanh niên làm nòng cốt thúc đẩy công tác tuyên truyền. Bộ TTTT cần sớm ban hành Thông tư về sát hạch và công nhận chuẩn kỹ năng CNTT.
Các diễn giả trao đổi với đại biểu tham dự hội thảo
Khi trao đổi với Vụ CNTT, nhiều đại biểu hoan nghênh Bộ TTTT đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu của xã hội đồng thời có nhiều góp ý xác đáng về mô hình tổ chức sát hạch CKN sử dụng CNTT sao cho hiệu quả nhất.
|
Mời quý độc giả theo dõi, tham khảo bài giới thiệu chi tiết về CKN sử dụng CNTT trên Tạp chí CNTT&TT:
1. Sẽ ban hành Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT vào năm 2014, Tạp chí CNTT&TT, kỳ 2 tháng 1/2014
2. Một số đề xuất về sát hạch, cấp chứng chỉ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT ở Việt Nam, Tạp chí CNTT&TT, kỳ 2 tháng 4/2014