Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. |
Theo Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên, việc liên bộ ban hành thông tư này là cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 46 - NQ/TW và Kết luận 42 - KL/TW, Thông báo 37 - TB/TW của Bộ Chính trị, Kết luận 63 của Ban chấp hành TW, Nghị quyết 68 của Quốc hội, theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và Nghị quyết 72/NQ-CP của Chính phủ, nhằm mục tiêu đổi mới cơ chế hoạt động của các bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ và từng bước chuyển ngân sách chi thường xuyên cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Dự thảo thông tư ban hành dự kiến quy định giá khoảng 1.800 dịch vụ y tế, bao gồm: giá khám bệnh, giá ngày giường (theo hạng bệnh viện) và giá dịch vụ kỹ thuật (áp dụng chung cho các hạng bệnh viện). Với điều chỉnh này, giá dịch vụ y tế mới ước tính tăng khoảng 20% đến 30% so với giá hiện hành và quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối đến hết năm 2017.
Giá dịch vụ y tế không chỉ là giá để người dân chi trả chi phí KCB mà quan trọng hơn là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện. Giá dịch vụ y tế hiện nay mới tính 3/7 khoản chi, chưa tính tiền lương, phụ cấp, khấu hao tài sản, đào tạo, nghiên cứu khoa học nên thực tế, chi phí để thực hiện một dịch vụ y tế nếu phân tích kỹ thì do ngân sách chi một phần (tiền lương, khấu hao..), BHYT thanh toán một phần, người bệnh chi trả một phần nên lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, trong đó có tiền lương không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá; và sẽ dành khoản ngân sách đang bao cấp, chi lương cho các bệnh viện sang chi cho y tế dự phòng, y tế cơ sở và hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là những người hưởng lợi vì họ được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100%. Như vậy, không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Đối với người thuộc diện cận nghèo (40% có thẻ BHYT), cũng đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, phấn đấu đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT... Khi đi KCB, những người này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% nên mức độ tác động không nhiều.
Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. Mặt khác, từ 1-1-2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Khi điều chỉnh giá, người bệnh sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá; được thụ hưởng các dịch vụ có chất lượng ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh. Còn các bệnh viện có kinh phí để có thể cung cấp dịch vụ với chất lượng cao hơn; thúc đẩy xã hội hóa y tế; bớt tiêu cực; thay đổi nhận thức của cán bộ y tế,…
BHYT là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội nên nhà nước đã quy định bắt buộc tham gia BHYT. Việc tính đủ sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT vì nếu không tính đủ, giá thấp, nhiều người sẽ không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả, nhưng khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT là hàng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro. Nhà nước sẽ chuyển phần ngân sách đang cấp cho các bệnh viện hiện nay (dự kiến khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm) sang hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT do đó sẽ giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn.
Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ và đề nghị các tỉnh nếu chưa thành lập lại Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo cần khẩn trương thành lập để huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo của địa phương khi đi khám, chữa bệnh. Bộ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có giải pháp quyết liệt để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác và Bộ Y tế cũng sẽ huy động một số dự án ODA để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Các tỉnh khẩn trương hỗ trợ người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh, thực hiện luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm vừa nâng cao trình độ chuyên môn các tuyến, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ. Đối với các bệnh viện có chênh lệch thu lớn hơn chi phải trích Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh để có nguồn hỗ trợ cho người bệnh trong trường hợp khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí KCB.
Việc điều chỉnh trước mắt chỉ áp dụng thanh toán cho bệnh nhân BHYT. Đối với người không có thẻ BHYT, vẫn áp dụng mức giá đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng. Từ tháng 3- 2016, giá khám, chữa bệnh bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế sẽ được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
MINH HOÀNG/NDĐT