Chứng thực số muốn phát triển cần sự định hướng về thị trường
Mới đây, tại Hội nghị chuyên đề về kỹ thuật và giao ban quản lý quý II với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) công cộng, do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) tổ chức, nhiều giải pháp phát triển các dịch vụ chứng thực số (CA) đã được nêu ra.
Theo đó, quan điểm, giải pháp từ đại diện Câu lạc bộ (CLB) CKS và giao dịch điện tử (GDĐT) Việt Nam và Trung tâm Giải pháp CNTT và Dịch vụ số Viettel (Viettel-CA) đã thể hiện sự cởi mở, bàn sâu hướng đến nhiều giá trị cần thực hiện để đổi mới để, phát triển.
Cần áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra cảnh báo
Theo đó, với vai trò là đầu mối, cầu nối cung cấp thông tin nhằm thúc đẩy, giúp các đơn vị, tổ chức trên toàn quốc triển khai, phổ cập chữ ký số (CKS), ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ nhiệm, Tổng thư ký CLB CKS và GDĐT Việt Nam cho biết, hiện nay dịch vụ CKS đang dần phát triển, dần trở thành phổ biến trong các giao dịch, hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ là các đơn vị cung cấp dịch vụ CKS, họ đang gặp những khó khăn chính là: Việc cạnh tranh về phần chiết khấu cho kênh bán (chủ yếu là đại lý); việc kiểm soát hồ sơ phát triển thuê bao chứng thực số (CA) còn nhiều điểm bất cập…
Hơn nữa, hiện nay, mới chỉ có hơn 20 đơn vị là nhà cung cấp được cấp phép cung cấp dịch vụ trên thị trường, chủ yếu cung cấp cho đối tượng là tổ chức, DN và đây là sự khiêm tốn trong sự phát triển của một không gian rộng về các nhu cầu dịch vụ lớn.
Để khắc phục những hạn chế này, theo ông Nguyễn Khơ Din, cần một sự định hướng về thị trường, nhất là cần thiết phải có các quy định rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện kinh doanh và năng lực của nhà cung cấp (NCC) dịch vụ (đảm bảo có thế mạnh về tài chính, nhân sự và năng lực kỹ thuật).
Vì điều này, CLB CKS và GDĐT Việt Nam đề xuất NEAC chỉ đạo, phối hợp cùng thành lập ít nhất 03 nhóm chuyên môn thường xuyên kiểm tra công tác quản lý hồ sơ thuê bao tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Đồng thời, giao CLB CKS và GDĐT Việt Nam thực hiện việc kiểm tra chéo lẫn nhau và báo cáo định kỳ hàng tháng để NEAC có bức tranh điều hành và báo cáo Bộ TT&TT có hình thức chế tài với các nhà cung cấp không tuân thủ (có thể bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2023).
Cùng với đó, NEAC xem xét về việc thiết lập cổng tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ phát triển thuê bao tập trung tại NEAC, tương tự như hồ sơ thuê bao di động mà Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đã làm.
“Hồ sơ thuê bao CKS sau khi phát triển trong vòng 24 giờ phải truyền lên cổng tập trung để lưu trữ và kiểm soát. Đồng thời, hàng tháng, NEAC kiểm tra ngẫu nhiên một một số hợp đồng nhất định hoặc áp dụng AI để đưa ra cảnh báo đối với các nhà cung cấp”, CLB CKS và GDĐT Việt Nam đề xuất.
Đối với chương trình cấp phát CKS cho người dân ký dịch vụ công (DVC) miễn phí, CLB cho rằng để đạt hiệu quả thực chất hơn cần: Xác định rõ phạm vi, quy mô, đối tượng cần ưu tiên cấp để đảm bảo hiệu quả của Chương trình và hướng đến tập khách hàng có nhu cầu sử dụng (trước mắt sẽ thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng); Cần xác định rõ thời gian miễn phí là 12 tháng, sau 12 tháng theo chính sách của NCC dịch vụ giúp xã hội và người dân tường minh hơn về chương trình này; Đẩy mạnh tiến độ kết nối CKS với cổng DVC quốc gia, cổng DVC các tỉnh, thành phố; Thúc đẩy các dịch vụ cấp CKS tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế, xã hội còn khó khăn (xem xét đưa dịch vụ cấp CKS cho người dân vào danh mục được chi trả bởi Quỹ phổ cập dịch vụ) để các nhà cung cấp có kinh phí triển khai…
“Đặc biệt, đề xuất Bộ TT&TT, NEAC cần tích cực làm việc với các bộ, ban, ngành để ban hành những văn bản pháp luật chuyên ngành áp dụng CKS vào lĩnh vực phụ trách (giáo dục, y tế, lao động thương binh và xã hội, tài chính - ngân hàng…); đưa vào hành lang pháp lý bắt buộc các ứng dụng ký số sẽ phải tích hợp ký số từ xa (remote signing) để tạo thuận tiện cho người dân sử dụng…”, CLB CKS và GDĐT Việt Nam đề xuất.
Cần thay đổi luồng quy trình để đảm bảo việc ứng dụng CKS của người dân được thông suốt và toàn trình…
Cũng trên quan điểm chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, cùng đề xuất giúp pháp để thúc đẩy phát triển, khai thác các giá trị, tiện ích lớn từ CKS, ông Nguyễn Đăng Triển, Giám đốc Trung tâm Giải pháp CNTT và Dịch vụ số Viettel (Viettel-CA) khẳng định rằng, những giá trị, kết quả được tạo ra là rất lớn không chỉ đối với cá nhân, tổ chức, đơn vị mà đúng, trúng với xu thế số, nhiệm vụ chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay.
Với vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ, tính đến ngày 15/6/2023, Viettel-CA đã cấp được 3.440 CKS trên tổng số 10.000 CKS đã được cấp, chiếm 34,4% và là nhà cung cấp nhiều CKS nhất trong các NCC tham gia chương trình của các Sở TT&TT khắp toàn quốc tổ chức.
“Để đạt được kết quả đó, Viettel-CA đã phối hợp với các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; bố trí nhiều nguồn lực thực hiện; phối hợp tuyên truyền, giải thích cho người dân về lợi ích của việc sử dụng CKS cũng như các môi trường ký đã tích hợp, thiết kế những ấn phẩm, tờ rơi dễ hiểu nhất để tuyên truyền…”, ông Nguyễn Đăng Triển cho biết.
Tuy nhiên, ở quan điểm chia sẻ tổng quan, ông Nguyễn Đăng Triển cho biết, Viettel-CA trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, đó là: sự cạnh tranh; việc kiểm soát hồ sơ phát triển thuê bao CA còn nhiều điểm bất cập; quy định về điều kiện kinh doanh, năng lực của các nhà cung cấp còn bất cập; môi trường ký của remote signing còn nhiều hạn chế…
Do đó, để khắc phục những hạn chế này, các cơ quan quản lý, văn bản luật cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh và năng lực của NCC dịch vụ, quy hoạch, phân loại các NCC dịch vụ.
Cần phải định nghĩa rõ ràng, chi tiết về năng lực của các NCC để đảm bảo chất lượng dịch vụ, phạm vi và quy mô mà các NCC có thể cung cấp dịch vụ. Cụ thể hơn cho quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Triển cho biết, thực tiễn trên thế giới cũng như tại Việt Nam chỉ có từ 3 - 5 NCC có thể đáp ứng được việc cung cấp trên diện rộng, tồn tại phát triển trên thị trường và đáp ứng được việc phát triển về lâu dài, còn lại các NCC khác chỉ phát triển trên một vài ứng dụng hoặc cung cấp tại một khu vực địa bàn hoặc một đối tượng khách hàng nhất định.
Cần bổ sung, sửa đổi điều 13 của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành luật GDĐT về CKS và dịch vụ chứng thực CKS theo hướng quy định rõ ràng hơn về năng lực của NCC dịch vụ có thể cung cấp dịch vụ đại trà toàn quốc gồm: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT; có ít nhất 50 kỹ sư chuyên ngành CNTT do DN ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội trong 5 năm; ký quỹ ít nhất 20 tỷ tại các Ngân hàng thương mại; có trụ sở tại cấp tỉnh trên địa bàn cung cấp dịch vụ remote signing nếu cấp dịch vụ cho người dân để đảm bảo chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng sau bán.
“Nếu các NCC khác không đáp ứng các tiêu chí có thể sử dụng lại hạ tầng mạng, hạ tầng số của các NCC có năng lực để kinh doanh (tương tự nhà mạng di động ảo (MVNO)) để kinh doanh cho một số đối tượng khách hàng hoặc tại một số địa bàn cụ thể”, ông Nguyễn Đăng Triển đề xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Triển hơn nữa, cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp để quản lý hồ sơ thuê bao, thậm chí cần phải làm chặt chẽ hơn việc phát triển thuê bao di động theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 sửa đổi, bổ sung điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/20211 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện; tạo điều kiện để NCC dịch vụ được kết nối 2 chiều với CSDL quốc gia về dân cư; đẩy mạnh tiến độ kết nối với DVC quốc gia, DVC các tỉnh, thành phố (các cổng DVC cần thay đổi luồng quy trình để đảm bảo việc ứng dụng CKS của người dân được thông suốt và toàn trình…/.