Nhờ Luật Giao dịch điện tử, mọi giao dịch đều có thể được thực hiện trên môi trường số
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) đã mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực. Từ nay, người dân và doanh nghiệp (DN) sẽ được lựa chọn phương thức giao dịch (trực tuyến hay qua bản giấy) mà họ thấy phù hợp.
Sáng ngày 22/6/2023, tại Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật GDĐT (sửa đổi) bao gồm gồm 8 chương, 53 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, chính sách phát triển GDĐT (nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tự nguyện lựa chọn thực hiện GDĐT; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử, hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thực hiện GDĐT, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Luật GDĐT (sửa đổi) vừa được thông qua có 6 nội dung quan trọng bao gồm: Giao dịch trên môi trường số; GDĐT toàn trình; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hợp đồng điện tử; Luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia; Sửa đổi quy định về việc chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến.
Đặc biệt, luật sửa đổi lần này cũng tạo thị trường mới cho doanh nghiệp (DN) công nghệ số phát triển.
Theo các chuyên gia, việc Luật GDĐT đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn, đặt biệt là việc công nhận tính pháp lý của các hoạt động trên môi trường mạng giúp cho người dân và DN sẽ được giao dịch, làm các thủ tục hành chính thuận lợi hơn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, việc sửa đổi Luật GDĐT để thúc đẩy các hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng để đưa nghị quyết, đưa chuyển đổi số vào cuộc sống. Việc hoàn thiện thể chế lần này được thực hiện trong một thời gian nhanh kỷ lục, chỉ mất khoảng 2 năm kể từ khi Đảng có chủ trương (năm 2021) và được Chính phủ thể chế hoá thành văn bản luật.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, thay đổi lớn nhất khi Luật GDĐT (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực là từ nay tất cả những giao dịch trên môi trường số sẽ có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế cho những giao dịch trên bản giấy. Nhờ vậy, người dân và DN sẽ thuận lợi hơn cũng như có quyền được lựa chọn phương thức giao dịch nào mà họ thấy phù hợp.
Từ nay, người dân và DN đã có cơ sở pháp lý để thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên môi trường mạng từ đầu đến cuối. Thậm chí kết quả cuối cùng khi trả về cho người dân, DN cũng là bản điện tử và có giá trị tương đương như bản giấy. Khi đó việc chia sẻ, sử dụng lại sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với hiện nay.
Đồng thời, Luật GDĐT (bổ sung) đã mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội và không còn những điều khoản loại trừ không được áp dụng.
“Bộ TT&TT sẽ chủ động tham mưu và đề xuất với Chính phủ để ngay khi Luật có hiệu lực thì toán bộ các Nghị định hướng dẫn cũng sẽ được ban hành, có hiệu lực”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh./.