Quan điểm trên được bà Trần Thị Thùy Linh, đối tác công ty công nghệ Tokyo, Nhật Bản, chuyên phối sản phẩm phần mềm quản lý vận tải tối ưu TTS Shoft chia sẻ tại cuộc hội thảo "Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành logistics do Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC (CMC TS) vừa tổ chức.
Đồng thời, cũng tại đây, nhiều ý kiến, giải pháp các chuyên gia, nhà cung cấp đề cập sâu đến các vấn đề: Hạ tầng thiết bị; công nghệ thông tin; công nghệ phục vụ nghiệp vụ và vận hành, quản lý điều hành doanh nghiệp… Tất cả vì mục tiêu giúp thúc đẩy các DN vận tải logistics Việt Nam vận hành hiệu quả, phát triển bền vững trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh hiện nay.
CĐS chính là "áo mới" để DN phát triển
Phần mềm quản lý vận tải tối ưu TTS Shoft, được xây dựng trên cơ sở hệ thống nền tảng chung gồm 03 quy trình khép kín giữa: Nhân sự, con người và công việc. Đây là sản phẩm có tính tùy biến cao, phù hợp với đặc thù thực tế nhiều DN khác nhau. Đặc biệt, khi DN sử dụng phần mềm không mất phí phải đầu tư ban đầu, chỉ mất phí vận hành, bảo trì hàng năm.
"Nếu các DN vận tải áp dụng phần mềm quản lý TTS Shoft, nhiều lợi ích thu được như: Tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro; giảm lệ thuộc nhân sự; tối ưu hóa quy trình hoạt động DN đồng bộ, bài bản, chuyên nghiệp; tăng hiệu quả xuyên suốt…", bà Linh nhấn mạnh.
Như khẳng định thêm về các lợi ích các ứng dụng công nghệ số, đồng thời khẳng định đây là nhân tố "chìa khóa" để các DN vận tải bứt phá, bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc Công ty CP phát triển ứng dụng phần mềm Bách Khoa nhấn mạnh thêm, lợi ích từ việc CĐS sẽ giúp các DN chủ động khi tiếp cận, sử dụng, lựa chọn các công nghệ, nền tảng số mới. Đồng thời, CĐS còn giúp DN tạo ra liên thông kết nối các phòng ban nội bộ với nhau; tăng tính minh bạch, hiệu quả công việc; dễ dàng truy xuất các báo cáo, theo dõi hoạt động của DN; gia tăng giá trị, hiệu suất lao động…
Công ty CP Bách Khoa hiện cung cấp các giải pháp phần mềm như: Kế toán; hóa đơn; tuyển dụng; chữ ký số; bán hàng; quản lý công việc… Các sản phẩm sản phẩm của Bách Khoa luôn hướng đến một hệ sinh thái số toàn diện để hỗ trợ các DN vận tải.
"Các DN từ nhỏ đến lớn đều có thể thuận lợi khi thực hiện CĐS và hiệu quả được tạo ra khi các DN sử dụng các phần mềm số của Bách Khoa", bà Lan nhấn mạnh.
Cụ thể, khi nói về các giải pháp phần mềm trong hệ sinh thái Bách Khoa, bà Lan nêu ưu điểm: Phần mềm kế toán số giúp DN chuyên nghiệp thao tác dễ dàng các nghiệp vụ thu, chi nhanh, chuẩn, an toàn, chính xác, nhờ các tính năng thông minh. Sản phẩm này còn giúp hỗ trợ các DN tiết kiệm tối đa các chi phí đầu tư và quan trọng đảm bảo an toàn các dữ liệu khi khai thác, xử lý, lưu trữ, sử dụng.
Cũng nói về giải pháp quản trị sử dụng phần mềm quản lý công việc, bà Lan cho biết, đây luôn là khâu quan trọng trong việc kiểm soát lượng việc đầu, cuối, do đó phần mềm này giúp các DN số hóa chuẩn dữ liệu, chủ động kiểm soát tình huống phát sinh khi tăng quy mô nhân sự.
"Quản lý các DN sẽ luôn chủ động để truy cập vào trang web của công ty để thực hiện việc lập, phân công, triển khai kế hoạch công việc cụ thể, rút ngăn thời gian xử lý, gia tăng hiệu suất cho chính các lao động công ty…", bà Lan chia sẻ thêm.
DN cần tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ số để tránh bị tụt hậu, đi chậm về doanh thu
Nhằm cung cấp, hỗ trợ các DN vận tải và logistics chuyển mình hiệu quả trong công cuộc CĐS, nhất là việc hướng đến sử dụng tối ưu các hạ tầng thiết bị, hạ tầng CNTT trong quản lý điều hành DN, ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Khối giải pháp DN SMB, CMC TS cho rằng, các DN cần xác định tầm nhìn mới trong tương lai, đẩy mạnh mọi quy trình kho vận, đưa lên hệ thống kết nối số và tự động hóa. Làm tốt điều này các DN kho bãi và vận chuyển sẽ được hưởng lợi nhờ khai thác tối ưu hơn các tài sản của mình, cũng như khả năng dự báo tình trạng thiếu hụt hay dư thừa tài sản, nhờ đó sẽ tối ưu việc đầu tư của mình.
"CMC TS hướng đến phục vụ, cung cấp cho các DN các ứng công nghệ và quy trình hiện đại nhất trong lĩnh vực vận tải và logistics", ông Cương nhấn mạnh.
Theo ông Cương, hiện nay, ngành vận tải và logistics của Việt Nam được dự báo chiếm 10 - 12% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2025. Mặc dù, đây là tỷ lệ không thấp so với các nước trong khu vực, tuy nhiên lại thấp với các nước phát triển trên thế giới.
"Chúng ta vẫn chưa thực sự tạo ra sự dịch chuyển mạnh mẽ cho ngành này vì việc CĐS vẫn đang chậm, do đó, nếu chúng ta không chuyển đổi, dịch chuyển nhanh, chắc chắn ngành vận tải và logistics của Việt Nam sẽ có thể bị tụt hậu, đi chậm về doanh thu", ông Cương đánh giá.
Cũng theo ông Cương, đối với ngành này, chúng ta đang có nhiều thách thức, trong đó các yêu cầu đối với ngành này đang một tăng cao, do đó ở góc nhìn là công ty cung cấp giải pháp, CMC TS đã xây dựng, hoàn thiện mô hình giải pháp cho ngành gồm các tầng: Quản lý điều hành (biện pháp hoạch định để đánh giá hiệu quả hoạt động công ty); nghiệp vụ và vận hành (hệ thống kết nối khách hàng cá nhân và DN; kho, dịch vụ đóng gói, dán nhãn; hạ tầng thông tin (thiết bị giám sát hành trình, kết nối các công ty dịch, vụ vận tải, kết nối cổng thông tin các ngành thuế, ngân hàng, bảo hiểm…).
Điển hình trong các giải pháp nêu trên, giải pháp nhà kho thông minh chính là chìa khóa để các DN phát triển, bởi lẽ các lợi ích tạo ra giúp các DN: Tích hợp quản lý kho dễ dàng; theo dõi nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc; cảnh báo thời gian thực về bất thường; tích hợp thiết bị di động, phân tích dữ liệu lớn để phân tích hàng tồn kho và lưu thông để có kết quả tối ưu…
Ông Cương nhấn mạnh thêm, trong tương lai, mọi quy trình kho vận thông minh sẽ được kết nối và tự động hóa. Khách hàng có cơ thêm cơ hội tăng sức chứa kho (50%), giảm cho phí thuê/đầu tư kho bãi và tăng lợi nhuận; cải tiến năng suất, giảm thời gian xử lý (70%); giảm thời gian di chuyển/dừng chờ; tiết kiệm tài nguyên (nhân lực, năng lượng); giảm chi phí vận hành kho; giảm rủi ro, tăng an toàn; số liệu hàng tồn kho thời gian thực và chính xác hơn; truy xuất nguồn gốc nguyên liệu tin cậy hơn…
Khi ứng dụng nhà kho thông minh, chúng ta sẽ số hóa quy trình vận hành kho, đồng thời, hàng hóa được chuyển tới kho nhà máy, nhân viên kho sẽ nhận hàng hóa, kiểm tra hàng hóa vào khu vực nhận hàng và xác nhận hàng hóa đã nhận vào hệ thống…
Trước thời cơ đó, ông Cương nhấn mạnh: "Sứ mệnh của CMC TS là ứng dụng các công nghệ và quy trình hiện đại nhất trong lĩnh vực logistics đến các công ty trong lĩnh vực này, bằng cách tư vấn, kết nối và thực thi, sử dụng hệ thống CNTT trong quản lý và điều hành logistics (4PL), cộng với kinh nghiệm quốc tế, để giúp cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vận tải, logistics có thể hoạt động hiệu quả nhất."
CMC TS hiện là đối tác cao cấp của nhiều hãng công nghệ lớn tại Việt Nam. "Chúng tôi có năng lực và kinh nghiệm trong tư vấn và triển khai các hệ thống quản trị và chuỗi cung ứng cho các DN sản xuất, thương mại và vận tải và hệ sinh thái giải pháp made by CMC như chứng từ điện tử, CRM, ERP, SCM cho ngành sản xuất và logistics nói riêng và các DN khác nói chung", ông Cương chia sẻ.
"Ngoài ra, với thế mạnh là đối tác chiến lược của ngành Hải quan và ngành Thuế, CMC TS có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho các DN vận tải và logistics trong việc kết nối với các bên", ông Cương nhấn mạnh thêm.
Kho thông minh - giải pháp giúp DN vượt khó
Như bổ sung thêm cho quan điểm của ông Cương, ông Nguyễn Đức Bảo, đại diện công ty chuyên về giải pháp kỹ thuật, công nghiệp Việt Nam (STI) cũng cho rằng hiện nay ngành vận tải và logistics cũng đang gặp những khó khăn về: Ứng dụng công nghệ; năng suất vận chuyển, xếp dỡ thấp; quản lý kho bãi…
Nhấn mạnh về giải pháp kho thông minh, hiện STI đã thành công cho ra đời sản phẩm: Hệ thống quản lý MES gồm hệ thống máy tính, phần mềm được sử dụng trong nhà máy, dùng để theo dõi, giám sát và lưu trữ thông tin vật tư đầu vào, thành phẩm đầu ra; xe tự hành (AGV); kho tự động (WMS); các thiết bị máy tự động hóa (Iot).
Để giải quyết triệt để các hạn chế, DN cần tăng cường sử dụng 03 giải pháp: Phần mềm quản lý WMS; hệ thống vận chuyển tự động AGVs; hệ thống nhà kho tự động. "Khi DN thực hiện tốt các giải pháp này sẽ giúp CĐS dễ dàng trong logistics, giảm chi phí, diện tích lưu kho, giảm chi phí vận chuyển trong nhà máy", ông Bảo đưa ra lời khuyên.
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc công ty TNHH Công nghệ & Dịch vụ Viễn thông Việt Nam, giới thiệu giải pháp quản lý kho vận Smart adventurous, giải pháp quản trị mạng tổng thể, giúp DN hiểu rõ hơn hệ thống ứng dụng kho vận thông minh.
Smart adventurous sử dụng công nghệ chủ động (Active RFID) và thụ động (Passsive RFID). Smart adventurous sử dụng trong kho vận thông qua thẻ RFID. Đặc biệt, các DN sử dụng Passsive RFID nhiều hơn, bởi công nghệ thẻ RFID không sử dụng nguồn nuôi riêng, giúp DN dễ quản lý, điều hành.
"Thẻ RFID được sử dụng tùy thuộc vào đối tượng là các DN đang sử dụng các sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu hàng hóa nào (kim loại, nhựa, vải…). Điều này giúp DN định vị, phân loại địa chỉ kho hàng chính xác", ông Phong nêu rõ.
Cũng theo giám đốc Phong, để triển khai phần mềm thẻ RFID, DN chỉ cần thực hiện: Khởi tạo ID định danh dữ liệu, gắn, dán thẻ cho từng đối tượng sản phẩm hàng hóa cần quan lý; chuyển đối mã quản lý và truyền về máy chủ, lưu trữ trong bản đồ kho; kiểm soát xuất kho; kiểm kho hoặc truy xuất đối tượng.
"Giải pháp quản lý kho vận Smart adventurous hiện đang cung cấp các sản phẩm bộ đọc thẻ RFID như: Bộ đọc cầm tay hệ điều hành Andoid; thiết bị đọc kiểm soát vào, ra (indoor, outdoor); thiết bị đọc đẻ bàn có kết nối PC, USB…", Giám đốc SK Việt Nam cho biết./.