Chuyển đổi số để tăng cường hiệu quả trong quản lý vận hành

Thanh Tâm| 18/01/2022 12:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Mục tiêu chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) là tích cực thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, làm cơ sở để EVN chuyển đổi số thành doanh nghiệp số vào năm 2030. Trên cơ sở đó, Tập đoàn đã thông qua chủ đề năm 2021 với nội dung “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” tại Nghị Quyết số 632/NQ-HĐTV ngày 27/11/2020.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo đó, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó tập trung chuyển đổi số hóa, tự động hóa trên nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực quản lý vận hành, nhất là áp dụng mã vạch trong quản lý vật tư, quản lý hành chính…, tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định.

Việc triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chuyển đổi số được Công ty thực hiện đồng bộ cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh trong đơn vị với nhiều ý tưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng các phần mềm quản lý đã mang lại hiệu quả tích cực.

Một số phần mềm đang được áp dụng như: Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, áp dụng mã số mã vạch trong công tác quản lý vật tư; Phần mềm quản lý Phiếu/Lệnh công tác online; Quản lý Khiếm khuyết thiết bị online; Quản lý Phiếu đề xuất online; Dùng mã QR riêng để khai báo y tế và kiểm soát an ninh tại nhà máy; Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, áp dụng mã số mã vạch trong công tác quản lý vật tư” mang lại hiệu quả có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Chuyển đổi số để tăng cường hiệu quả trong quản lý vận hành - Ảnh 1.

Quang cảnh Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Giám đốc Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn Võ Mạnh Hà đặc biệt nhấn mạnh tính hiệu quả từ “chuyển đổi số trong quản lý vật tư”. Theo đó, suốt một thời gian dài, Công ty đã sử dụng phần mềm ERP phân hệ INV trong công tác quản lý vật tư chỉ dừng lại ở công tác thống kê nhập - xuất - tồn trên sổ sách giấy tờ. Mặt khác, do giới hạn về ký tự trong trường tên (240 ký tự) trên ERP mà rất nhiều vật tư (đặc biệt vật tư về điện, C&I) chưa mô tả được hết thông số kỹ thuật, dẫn đến khó khăn trong công tác tìm kiếm chính xác vật tư thiết bị sử dụng; Bộ phận kho quản lý thủ công, tự tổng hợp các số liệu trên bảng Excel, không linh hoạt trong quản lý vật tư, mất nhiều thời gian.

Để khắc phục, đơn vị đã nghiên cứu, triển khai “Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, áp dụng mã số mã vạch trong công tác quản lý vật tư”, ý tưởng được xem là sự tiếp nối hiệu quả để khai thác tối đa các tích hợp của phần mềm ERP. Chuyển đổi mã số - mã vạch với khả năng mã hóa tối đa và đa dạng các ký tự và chữ số trong mã vật tư lấy trực tiếp từ phần mềm ERP gồm 22 ký tự được sử dụng rộng rãi để quản lý tất cả các loại vật tư thiết bị trong kho nhà máy.

Khi áp dụng hệ thống mã vạch đi kèm với hệ thống quản lý các mặt hàng kho dựa trên công nghệ để truyền tải thông tin từ máy chủ khi thực hiện quá trình trao đổi hàng hóa giữa đơn vị nhập và xuất hàng hóa, lưu chuyển thiết bị từ bộ phận này sang bộ phận khác. Áp dụng mã số mã vạch giúp tiếp nối quản lý vật tư từ thống kê đến vị trí công trường không chỉ khắc phục được tồn tại mà phần mềm ERP chưa làm được mà còn mang lại hiệu quả lớn.

Cụ thể, lãnh đạo Công ty, các bộ phận phụ trách hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi hàng tồn kho, thông tin vật tư đầy đủ thông số kỹ thuật, hình ảnh... trên hệ thống ở mọi nơi mọi lúc trên chính chiếc điện thoại, iPad cá nhân. Giúp các bộ phận có quyết định chính xác vật tư cần thay thế nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời vật tư thiết bị cho các hạng mục sửa chữa. Bộ phận kho hoàn toàn được chủ động trong công tác kiểm soát vật tư nhập - xuất - tồn một cách chính xác tuyệt đối và khoa học. Tránh được thất thoát, nhầm lẫn vật tư trong công tác quản lý. Công tác tìm kiếm nhận dạng để xuất hàng hóa cho công tác sửa chữa được nhanh chóng, kịp thời.

Lợi ích của phần mềm mang lại là giúp chuẩn hóa, áp dụng mã số - mã vạch trong công tác quản lý vật tư từ khâu nhập kho, xuất kho; Tìm kiếm vật tư tồn kho nhanh chóng, nhận biết chính xác vật tư cần thông qua hình ảnh, thông số kỹ thuật đã được làm rõ; Tra cứu, tìm kiếm vật tư mọi lúc, mọi nơi bằng các thiết bị điện tử thông minh đáp ứng kịp thời cho công tác sửa chữa; Chủ động trong việc theo dõi hàng tồn kho trên hệ thống; Giảm chi phí tồn kho do luôn kiểm soát được tồn kho tối thiểu và trợ giúp quyết định mua mới vật tư.

Hiện nay, đơn vị đã số hóa được 12.000 mã vật tư và cung cấp 30.000 ảnh vật tư lên hệ thống phần mềm quản lý mã vạch. Việc áp dụng quản lý bằng mã số - mã vạch mang lại hiệu quả cao , đặc biệt trong các kỳ sửa chữa lớn năm 2019, 2020 và 2021. Công tác xuất - nhập vật tư thiết bị được thực hiện nhanh, chính xác, kịp thời trong khoảng thời gian ngắn góp phần đẩy nhanh tiến độ chung các kỳ sửa chữa lớn nêu trên. Công tác thu hồi và kiểm kê vật tư cũng được triển khai chính xác, tránh thất thoát theo đúng lộ trình quản lý vật tư thiết bị.

Có thể khẳng định, việc sử dụng phần mềm “Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, áp dụng mã số mã vạch” cùng những phần mềm khác trong công cuộc “số hóa” đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả trong hoạt động sản xuất của đơn vị.

Vì thế năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ: sản lượng điện của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đạt 3.813,46 triệu kW giờ, hoàn thành 106,4% kế hoạch được giao, các chỉ tiêu khác như điện tự dùng, hệ số khả dụng, tỷ lệ dừng máy sự cố hoàn thành và vượt so với kế hoạch. Công ty cũng đã hoàn thành công tác sửa chữa lớn cho tổ máy số 2 bảo đảm chất lượng, an toàn và đạt tiến độ đề ra.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để đơn vị thúc đẩy mạnh hơn công tác chuyển đổi số toàn diện trong thời gian tới. Những nỗ lực trên đã góp phần vào việc Công ty cán mốc 25 tỷ kW giờ điện sau 7 năm chính thức vận hành thương mại là dấu ấn quan trọng của nhà máy; thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của CBCNV trong vận hành sản xuất điện.

Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 do Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn quản lý vận hành đặt tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 600MW với 2 tổ máy; được khởi công tháng 7/2010. Kể từ khi đi vào vận hành, hằng năm, nhà máy cung cấp khoảng trên 3,6 tỷ kW giờ cho hệ thống điện quốc gia. Sản lượng điện hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Nhà máy cũng đã hoàn thành sớm kế hoạch sản xuất năm từ ngày 12/12/2021, dù gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm sản xuất. Quá trình sản xuất, Nhà máy cũng luôn bảo đảm môi trường. Các thông số môi trường như khói thải, nước thải đều được giám sát liên tục bằng hệ thống quan trắc tự động, bảo đảm các chỉ tiêu theo quy chuẩn Việt Nam. Lượng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy đều đạt mức tiêu thụ xấp xỉ 100%.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số để tăng cường hiệu quả trong quản lý vận hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO