Chuyển đổi số để tăng năng suất trong nông nghiệp

Thành Lê| 07/06/2022 09:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Nghị quyết 19 Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định: Cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

Trong thực tế những năm qua, bằng sự linh hoạt, táo bạo, nhiều địa phương đã mạnh dạn thay đổi cách làm, xây dựng nhiều mô hình kinh tế áp dụng khoa học công nghệ cho năng suất lao động cao.

Giữ lại lao động trẻ

Những năm gần đây, lực lượng lao động có sự dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ… Đây là xu thế chung và tất yếu. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động trẻ.

Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam đang dành nhiều nguồn lực tập trung cho chiến lược hỗ trợ lực lượng nông dân trẻ khởi nghiệp tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, trong đó ưu tiên cho lao động trẻ ở nông thôn.

Cụ thể, với nhóm nông dân trẻ mới tham gia sản xuất kinh doanh nông nghiệp, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam sẽ hỗ trợ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cho hỗ trợ vốn ưu đãi ban đầu, kết nối công nghệ và thị trường cũng như tập huấn kỹ thuật.

Tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế....

Có chiến lược nâng cao năng suất lao động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tư nhân tham gia đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động ở nông thôn.

(Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm khóa XIII)

Còn với nhóm đã có kinh nghiệm, Quỹ hỗ trợ mở rộng quy mô kinh doanh và kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn phát triển. Còn với nhóm nông dân trẻ có kinh nghiệm và cả tư duy kinh tế nông nghiệp, quỹ sẽ hỗ trợ để phát triển mô hình kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng ngành hàng nông nghiệp cụ thể.

Thời gian qua nhiều địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn. Như ở Tuần Giáo (Điện Biên), hàng năm, huyện đều tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn qua việc phát phiếu thông tin về nhu cầu học nghề, khảo sát qua các cuộc họp thôn, bản; đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Sau đào tạo, phần lớn người lao động đã biết vận dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Một số hộ đã xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, cho nguồn thu nhập ổn định. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề chiếm khoảng 75%, riêng lao động học nghề phi nông nghiệp gần như đều có việc làm sau đào tạo.

Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân. Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet

Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân. Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet

Đưa nông sản lên sàn

Chuyển đổi số đã và đang giúp nhiều tỉnh miền núi phía Bắc tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm địa phương; thay đổi mô hình khởi nghiệp kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu hóa.

Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, huyện Tân Cương (Thái Nguyên) được mở rộng phạm vi quảng bá, tiêu thụ ra toàn quốc. Sản phẩm từng bước chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc... Hiện nay, 14 sản phẩm thuộc ba dòng trà, gồm: tôm nõn (đạt OCOP 5 sao), móc câu (OCOP 4 sao), trà đinh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ta, như: Postmart.vn, voso.vn, cũng như được quảng bá trên mạng xã hội Zalo, Facebook...

Tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh, quá trình chuyển đổi ruộng đất đã giúp địa phương mở rộng thêm nhiều mô hình sản xuất với đa dạng các sản phẩm từ lúa, nhà lưới trồng rau - củ - quả, nuôi trồng thủy sản, sen, nuôi ong, làm du lịch sinh thái… Riêng trong năm 2021, địa phương xây dựng được 13 mô hình và trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng thêm 7 mô hình về nông nghiệp đô thị. Xã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao của OCOP (bánh đa nem Nam Chi, có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và tinh dầu tràm); thành lập mới, kiện toàn 5 HTX, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

"Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả tốt, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chủ trương tích tụ ruộng đất đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân có năng lực, hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đây chính là nền tảng để vùng ven đô thay đổi diện mạo và tư duy của người dân trong việc áp dụng KHKT vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân", ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết.

Có thể nói, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Dương Sơn Hà chia sẻ, triển khai chương trình chuyển đổi số, các ngành, đơn vị liên quan đã có sự phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Các chủ thể OCOP tại địa phương được khuyến khích đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở… Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số; 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng, như: C-Thái Nguyên, Postmart, Voso, Sendo, Lazada, Shopee…

Nhiều địa phương áp dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa

Nhiều địa phương áp dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa

So với Thái Nguyên, Yên Bái cũng có bước chuyển đổi số khá thành công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Ngay từ khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số, địa phương xác định mình là tỉnh nghèo, muốn phát triển kinh tế-xã hội, muốn đi tắt đón đầu, thì phải lựa chọn công nghệ. Yên Bái có cách tiếp cận riêng, là đi vào những lĩnh vực chi phí ít nhưng đã có nền tảng cơ sở để tận dụng nguồn lực sẵn có và tiết kiệm chi phí. Địa phương thống nhất quan điểm 3T về chuyển đổi số: nhận thức phải thống nhất; hành động phải trọng tâm; nguồn lực phải thỏa đáng.

Không chỉ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cơ cấu giống, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Tĩnh đang đầu tư mạnh cho quy trình tự động hóa, nền tảng số nhằm tạo thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bắt nhịp cuộc cách mạng 4.0, nhiều mô hình tăng trưởng mới ứng dụng công nghệ số cũng đã hình thành như: lắp đặt trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos và hệ thống tưới tự động, gắn tem mã QR truy xuất nguồn gốc trên cam, bưởi và một số sản phẩm OCOP nhằm kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử, siêu thị; quản lý sản xuất qua hệ thống app thông minh…

Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn.

(Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số để tăng năng suất trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO