Điều đó có nghĩa là chuyển đổi số thành công không chỉ ở việc doanh nghiệp (DN) tìm kiếm được các dữ liệu về mối quan hệ với khách hàng. Thành công thực sự nằm ở khả năng một DN có thể giúp cuộc sống của khách hàng tốt hơn cho dù những khách hàng đó là người tiêu dùng, bệnh nhân, sinh viên...
Do công nghệ đang phát triển quá nhanh, các quy định luật pháp đã không cập nhật kịp. Vì vậy, chúng ta đã gặp một số tình huống khó xử về đạo đức. Có nên cho phép sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt hay các phương tiện kỹ thuật số tự chủ hoàn toàn? Và khi nói đến tự động hóa, đi bao xa là đủ?
Chúng ta vẽ đường cho robot làm việc tự động trong môi trường sản xuất, nhưng có cho phép các AI-bot thực hiện phẫu thuật hoặc thực hiện chiến đấu trên chiến trường trực tiếp không? Đây đều là những câu hỏi khó. Nhưng trong vài tuần qua, phần lớn những lo ngại này đã giảm xuống khi mọi người nhận ra rằng, công nghệ đang giúp chúng ta sống an toàn, lành mạnh hơn, và thậm chí có thể cứu sống chúng ta.
Chắc chắn, một số DN chưa bắt đầu chuyển đổi kỹ thuật số, nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các DN đã chuyển đổi nhiều hơn bao giờ hết. Họ đã tạo ra các công nghệ mới, tìm ra cách thức sử dụng linh hoạt cho các công nghệ hiện có và đã thúc đẩy các DN phát triển theo những hướng mới.
Hầu hết các chuyển đổi số chúng ta thấy đang diễn ra vì lợi ích của mọi người. Dưới đây là một số ví dụ đầy cảm hứng đã xuất hiện chỉ trong tháng vừa qua.
Telehealth và robot chăm sóc sức khỏe có những bước tiến lớn
Khi Covid-19 hoành hành, đồ dùng bảo vệ cá nhân trở nên khan hiếm, các nhân viên y tế trên toàn thế giới đã phải đối mặt với một vấn đề nan giải: làm thế nào để điều trị bệnh nhân mà không gây nguy hiểm cho bản thân. Một số bệnh viện và nhiều đơn vị đã nghĩ đến việc chế tạo robot để hỗ trợ công tác điều trị.
Tại Việt Nam, một nhóm nghiên cứu tại Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã chế tạo ra robot có tên Vibot với khả năng hỗ trợ cách ly, điều trị Covid-19. Nó có thể tự động chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… vào buồng bệnh; chuyển rác thải, đồ giặt... từ buồng bệnh ra ngoài, hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.
Robot cũng được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu của từng khu vực cách ly và được giám sát, điều khiển bởi trung tâm điều hành, có thể mở rộng phạm vi hoạt động hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần.
Hay tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông (TP. Hồ Chí Minh), các bác sĩ tại đây là chế tạo ra robot khử khuẩn và lau sàn phòng cách ly từ công nghệ in 3D, qua đó làm giảm nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh cho nhân viên.
Những ví dụ nói trên không phải là bước tiến lớn duy nhất trong chăm sóc sức khỏe. Các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu sử dụng AI để giúp phân tích các bộ dữ liệu, tia X và tiền sử sức khoẻ bệnh nhân để giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về virus.
Xử lý ngôn ngữ tự nhiên và Chatbot
Trên toàn thế giới, những cơ sở chăm sóc sức khỏe, bác sĩ và các quan chức chính phủ đang bị quá tải bởi các cuộc gọi và câu hỏi về virus Covid-19. IBM và Apple đã đưa ra các công nghệ như một giải pháp để giải quyết vấn đề này. Chiến dịch Watson Assistant for Citizens cho phép các công ty sử dụng khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và khả năng AI để giúp trả lời các cuộc gọi thay con người.
Nhiều công ty chưa bao giờ sử dụng tùy chọn hỗ trợ NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy) hoặc AI hiện đang tận mắt nhìn thấy những gì chúng có thể làm cho họ.
Apple đã tạo ra một công cụ sàng lọc với hy vọng sẽ giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Mọi người có thể được trả lời một số câu hỏi về các triệu chứng của họ và sau đó truy cập vào một số ứng dụng telehealth (tập hợp các phương tiện, phương pháp để tăng cường chăm sóc sức khoẻ, y tế công cộng, cung cấp và hỗ trợ dịch vụ giáo dục sức khoẻ bằng cách sử dụng các công nghệ viễn thông) để được kết nối với bác sĩ mà không gây nguy hiểm cho họ do có nguy cơ lây nhiễm virus.
Sản xuất linh hoạt
Thời gian qua, chúng ta liên tục thấy các tin tức về việc người dân và các bệnh viện đang thiếu các trang thiết bị bảo vệ. Nhiều nước trên thế giới, y bác sĩ cũng bị thiếu thiết bị bảo vệ để có thể điều trị cho bệnh nhân và giữ an toàn cho bản thân. Nhiều nơi còn không có đủ máy thở.
Chính vì những lý do này mà nhiều công ty đã đẩy nhanh các bước đi cần thiết để lấp đầy những khoảng trống quan trọng trong chuỗi cung ứng. Tại Việt Nam, tập đoàn Vingroup đã đăng ký sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập, dự kiến nửa cuối tháng 4 sẽ có sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước. Ngoài ra, tập đoàn này cũng sản xuất thử nghiệm thành công máy đo thân nhiệt với chi phí linh kiện thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt đang có trên thị trường.
Tất nhiên, không chỉ có Vingroup mà tại Việt Nam, các đơn vị khác như BKAV hay trường Đại học Điện lực cũng đều đã thông báo sản xuất máy trợ thở dùng cho các bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Nhiều doanh nghiệp khác cũng tham gia vào việc sản xuất khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, nước khủ khuẩn hay quần áo bảo hộ...
Phản hồi nhanh
Chúng ta đã chứng kiến chương trình Call for Code của IBM thành công trong vài năm qua. Bản thân toàn bộ chương trình tập trung vào chuyển đổi số cho các mục đích nhân đạo, cụ thể là giúp đỡ những người ứng cứu và sơ tán khẩn cấp nạn nhân khi xảy ra thảm họa.
Năm nay sáng kiến này đã có thay đổi, nó có thêm nội dung phòng chống Covid-19. Mọi người trên khắp thế giới có thể sử dụng công nghệ nguồn mở để tạo ra các giải pháp truyền thông về khủng hoảng Covid-19, giáo dục từ xa và hợp tác cộng đồng.
Dự án có tên là OWL đã phát triển một ý tưởng để duy trì liên lạc trong thời điểm xảy ra thảm họa. OWL là một giải pháp cung cấp cấu trúc liên lạc ngoại tuyến. Việc tạo ra một mạng lưới có thể gửi giao tiếp bằng tiếp giọng nói đến một ứng dụng trung tâm. Sau đó, ứng dụng sử dụng các phân tích và tài nguyên dữ liệu để tạo nội dung cho người trả lời. Dự án này chỉ là một ví dụ về những điều tốt đẹp có thể đến từ các lập trình viên và công nghệ đang cùng nhau phát triển chuyển đổi kỹ thuật số.
Trong vài tuần qua, IBM đã hợp tác với SAP và UNESCO để tăng cường sự ủng hộ trong lĩnh vực huy động cộng đồng mã nguồn mở để giúp giải quyết đại dịch Covid-19 bằng cách tung ra một cuộc chơi hackathon Code the Curve, nơi có thể đưa ra những ý tưởng để giúp đỡ mọi người vượt qua các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19.
Điều này có nghĩa là gì?
Hãy dành một giây để suy nghĩ về những gì bạn vừa đọc. Các công ty chăm sóc sức khỏe bắt đầu sử dụng công nghệ để điều trị. Các công ty công nghệ bắt đầu làm việc với các đơn vị chăm sóc sức khỏe để phân tích dữ liệu của họ giúp tìm ra các giải pháp điều trị hiệu quả. Các công ty vốn trước đây sản xuất những sản phẩm không thuộc lĩnh vực y tế và có những mục tiêu khác nhưng trong vài tuần qua họ đã bắt đầu sản xuất các vật tư y tế.
Những điều đó chỉ có thể xảy ra trong các tổ chức đã chấp nhận chuyển đổi số. Đây là những tổ chức đã sẵn sàng ứng dụng công nghệ. Họ có những người lãnh đạo đã sẵn sàng cho sự thay đổi. Họ có những văn hóa đã sẵn sàng để tiến lên. Đây là những gì chuyển đổi số có thể tạo ra. Hy vọng nó sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và lâu dài cả sau khi khủng hoảng Covid-19 kết thúc.