Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sự bền vững cho ngành logistics

NK| 08/10/2021 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Bà Hồ Thị Thu Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho biết, chuyển đổi số (CĐS) đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với logistics để đảm bảo sự bền vững. Việc ứng dụng công nghệ, nguồn lực hạ tầng và nguồn lực nhân sự đều cần được quan tâm phát triển để có thể phục vụ đúng nhu cầu của đúng khách hàng.

Thông tin trên được bà Hoà chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến thứ hai do Làng công nghệ logistics tổ chức vào ngày 7/10.

Trong khuôn khổ nội dung hoạt động, các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực logistics đã cùng chia sẻ, thảo luận về "chuỗi cung ứng bền vững" - một khái niệm tuy không mới nhưng đang được chính quyền, các doanh nghiệp (DN), các nhà kinh tế dành nhiều sự quan tâm trong bối cảnh hiện nay.

Nối tiếp thành công của tọa đàm trực tuyến "Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ logistics đột phá" vào ngày 25/09, Làng công nghệ Logistics tổ chức tọa đàm chuyên ngành thứ hai mang tên "Logistics Việt Nam - Hướng tới chuỗi cung ứng bền vững". Đây tiếp tục là một hoạt động trong chuỗi sự kiện Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - Techfest Vietnam 2021 do Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao, UBND TP. HCM và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo tổ chức.

Góp mặt trong buổi tọa đàm có các chuyên gia, diễn giả đại diện cho 3 góc nhìn khác nhau đối với chuỗi cung ứng: Nhà nước; DN logistics trong và ngoài nước; Nhà sản xuất, nhà trường/nhà tư vấn. 

COVID-19 đã làm DN nhận ra những điểm yếu kém của hệ thống logistics

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng đi sâu tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân dẫn đến những rủi ro của chuỗi cung ứng thời gian vừa qua. Giữa những tác động của dịch bệnh COVID-19, chuỗi cung ứng liên tục bị đứt gãy cả ở thị trường quốc tế và nội địa khi mà ở Việt Nam, các loại hàng hóa chủ yếu được vận chuyển và đem đi tiêu thụ thông qua các huyết mạch giao thông. Tuy nhiên, những quy định phòng chống dịch tại nhiều điểm chốt đã khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều hạn chế, chuỗi cung ứng cũng vì vậy mà tắc nghẽn.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, sản lượng vận tải của ngành logistics trong 6 tháng đầu năm 2021 không có nhiều sự khác biệt so với năm 2020. Nhưng đến tháng 7, tháng 8/2021 lại bị giảm sút nghiêm trọng do các hạn chế trong quá trình vận chuyển, đồng thời bị thiếu hụt một phần lực lượng lao động. Mặc dù vậy, ngành logistics vẫn không ngừng nỗ lực hàn gắn lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch bệnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, khi nông sản muốn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cần phải được bảo quản bằng container lạnh hay các phương tiện đặc thù và nhiều yếu tố tác động khác đã gây tăng chi phí logistics, nhiều DN e ngại, làm giảm năng suất của chuỗi cung ứng hàng hóa.

Không chỉ chuỗi cung ứng hoạt động kém hiệu quả mà chính các DN logistics cũng chịu ảnh hưởng lớn. Trên thực tế, trong suốt thời gian 2 năm đại dịch vừa qua, ngoài các lực lượng tuyến đầu chống dịch thì lực lượng logistics cũng hoạt động rất sôi động và đóng góp không nhỏ trong đại dịch. Các hoạt động góp phần vào công tác phòng chống dịch như cung ứng vaccine, thực phẩm và nhu yếu phẩm tại những địa phương vùng dịch đều cần có lực lượng lao động của ngành logistics.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã làm thức tỉnh nhiều DN, giúp DN nhận ra những điểm yếu kém của hệ thống logistics đang tồn tại. Do đó, nhiều công ty phải điều chỉnh hoạt động logistics của mình và cũng đặt ra những câu hỏi về sự bền vững của hệ thống logistics và chuỗi cung ứng. Trước băn khoăn này, bà Megan Benger, Giám đốc Chuỗi cung ứng tại TMX Global khẳng định, trong thời đại thay đổi liên tục, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chuỗi cung ứng, trong lĩnh vực môi trường cũng như trong lĩnh vực xây dựng phát triển kinh tế lâu dài.

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sự bền vững cho ngành logistics  - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham gia toạ đàm "Logistics Việt Nam - Hướng tới chuỗi cung ứng bền vững".

DN cần thích nghi với việc vận hành chuỗi cung ứng số

Tiếp theo, các chuyên gia đã lần lượt nhìn nhận những tiêu chí để DN Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng một cách bền vững. TS. Nguyễn Văn Hợp, Trưởng khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp - ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM, Ban Nghiên cứu - Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam khẳng định, nếu như trước đây, chuỗi cung ứng chỉ tập trung vào tốc độ, chi phí, thời gian, đúng số lượng và chất lượng. Tuy nhiên ngày nay, để chuỗi cung ứng hoạt động bền vững hơn thì cần tạo ra một chuỗi không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế và còn mà cần chú trọng đến yếu tố môi trường và xã hội - con người.

Đồng thời, khi chuỗi cung ứng đã có thể đáp ứng cho các hoạt động kinh tế thì cần phải cần tiếp tục xem xét trên các yếu tố khác. Cụ thể, chuỗi cung ứng cần hoạt động thân thiện với môi trường khi nó tiêu thụ ít hơn nguồn lực: con người, năng lượng, nguồn nước... Bên cạnh đó là rác thải ít hơn. Về xã hội - con người, tất cả các DN ngày nay để phát triển bền vững thì cần đào tạo con người phát triển về kỹ năng, kiến thức, đảm bảo phúc lợi, điều kiện làm việc, sức khỏe, an toàn người lao động.

Đại dịch cũng mang lại cơ hội cho nền kinh tế khi các chuỗi cung ứng và hành vi người tiêu dùng thay đổi. Chuỗi cung ứng cần phải được chuyển sang chuỗi cung ứng số và DN cũng cần thích nghi với vận hành chuỗi cung ứng mới đó. Đặc biệt, sau khi xã hội bước vào "trạng thái bình thường mới", nhu cầu vận chuyển tăng vọt, các DN logistics cần chuẩn bị kế hoạch duy trì và phát triển hoạt động, tránh nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động sau thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nguồn lực tài chính của DN sẽ ít nhiều cần thời gian để ổn định, phục vụ cho dịch vụ kinh doanh.

Đứng ở góc độ thương mại quốc tế, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ - Thương mại Việt Nam tại Mỹ nhận định, trong bối cảnh kinh tế phát triển trở lại, chi phí logistics có xu hướng sẽ tăng cao. Với quy mô nền kinh tế nhập khẩu lớn, khi các nền kinh tế khác phục hồi thì hàng hóa bị dồn ứ tại đây, tình hình này nghiêm trọng hơn khi Mỹ thiếu các lao động về logistics. Theo số liệu thống kê Hải quan mới mới nhất, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta với Mỹ ngày càng tăng. 

"Để có thể đứng vững ở thị trường lớn và nhiều phức tạp như Mỹ, các DN Việt Nam cần nỗ lực hết mình", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng đưa ra một vài gợi ý và định hướng cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đến Hoa Kỳ, trong đó quan trọng nhất là công tác liên kết chuỗi giữa các bộ phận trong cả quá trình phân phối, theo đó logistics cần kết nối người tiêu dùng đến người sản xuất. Do vậy, DN logistics cần định hướng người sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.

Đáp lại những yêu cầu từ phía quốc tế, bà Cao Cẩm Linh, Trưởng làng Công nghệ Logistics, Giám đốc Chiến lược Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel cho rằng các DN logistics Việt Nam cần đủ 6 yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế, đầu tiên là nguồn lực tài chính. Tiếp theo, nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao còn yếu và thiếu, cần sự vào cuộc của các hiệp hội, trường, viện,... trong việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ này. 

Năng lực quản trị toàn diện, người lãnh đạo DN cần biết cách đối phó với các thay đổi của xã hội, tránh khỏi những rủi ro lớn. Ngoài ra, các DN cũng cần đến năng lực công nghệ, nếu không ứng dụng CĐS một cách kịp thời thì sẽ mất đi cơ hội để bứt phá tăng trưởng với quốc tế. Sau đó là năng lực cạnh tranh, các DN cần phải nâng cao ý thức để không bị mất thị trường trên chính sân nhà. 

"Cuối cùng là năng lực về tuân thủ, DN muốn hội nhập thì cần có quy tắc, quy chuẩn, quy trình bài bản theo quy chuẩn quốc tế", bà Linh bày tỏ.

Bà Linh nhấn mạnh, bên cạnh logistics nông nghiệp thì logistics nông thôn cũng cần được quan tâm phát triển. Nếu logistics nông nghiệp chỉ đề cập tới một chiều tiêu thụ nông sản thì logistics nông thôn là một quá trình hai chiều, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, vừa cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất và đời sống ở nông thôn, qua đó tạo nên một hệ sinh thái khép kín và góp phần duy trì bền vững cho chuỗi cung ứng nông sản.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cơ sở đào tạo với DN logistics

Đối với hoạt động logistics nói chung, ông Hiệp cho rằng chính phủ cần điều chỉnh các quy định vận tải để giúp cho chuỗi cung ứng được thông suốt trong bối cảnh biến động hiện nay, hướng tới việc xây dựng "logistics đô thị" trong tương lai. Các DN logistics cũng kỳ vọng được cơ quan chính quyền hỗ trợ về hành lang pháp lý, thuế, trong giai đoạn khó khăn để có thể đảm bảo nhiệm vụ phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

Về mặt phát triển nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao, ông Hợp cũng cho biết cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cơ sở đào tạo với các DN. Để có thể nhanh chóng nâng cao năng lực nhân sự ngành, việc thực hành, cọ xát với các dự án thực tế là không thể thiếu.

Bên cạnh lời khen cho nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững tăng trưởng và tận dụng cơ hội để phát triển bất chấp đại dịch, bà Megan cũng cho rằng, thị trường Việt Nam có những thử thách riêng của mình. Tuy nhiên, theo bà Megan, nhiều kinh nghiệm trên thế giới có thể áp dụng vào Việt Nam. Những công ty sẵn sàng làm việc với các tổ chức nước ngoài, học hỏi cách làm việc tốt nhất từ nước ngoài, cũng như dựa vào kiến thức của các công ty tư vấn chuyên ngành từ nước ngoài có thể giúp làm hệ thống cung ứng của công ty trở nên hiệu quả hơn cho tương lai.

Tổng kết các trao đổi, bà Hồ Thị Thu Hòa cho biết: CĐS đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với logistics để đảm bảo sự bền vững. Việc ứng dụng công nghệ, nguồn lực hạ tầng và nguồn lực nhân sự đều cần được quan tâm phát triển để có thể phát triển những chuỗi cung ứng bền vững, phục vụ đúng nhu cầu của đúng khách hàng, vào đúng thời điểm và ở đúng nơi./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sự bền vững cho ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO