Chuyển đổi số - Giải pháp giúp nâng cao năng suất cho ngành da giày Việt Nam

Bảo Bình| 21/12/2022 14:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Tiến sĩ Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, khẳng định công nghệ tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp (DN) ngành da giày nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất và thương mại, chuyển dịch từ mô hình gia công xuất khẩu tiến tới tham gia nhiều hơn vào các khâu thiết kế, thương mại trên chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.

Tóm tắt nội dung:

- Da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ đạt khoảng 25 tỷ USD trong cả năm 2022.

- Như nhiều ngành công nghiệp khác, ngành da giày đang đối mặt với nhiều thách thức trước những diễn biến địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là xu hướng, yêu cầu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

- Chuyển đổi số (CĐS) là chìa khóa quan trọng để ngành da giày nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong chuỗi cung ứng thế giới. Đặc biệt, đây là một ngành công nghiệp với sản phẩm đặc thù mang tính thời trang, xu hướng và thay đổi liên tục. Vì thế, xây dựng một lộ trình CĐS phù hợp, ứng dụng các công nghệ mới như in 3D, sử dụng robot trong sản xuất hay kết hợp các công nghệ mới thực tế ảo sẽ giúp ngành da giày cải thiện năng suất, đáp ứng nhu cầu thời trang của người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm mua hàng. Quan trọng hơn, ngành da giày phải chuyển mình, ứng dụng CNTT để có thể đạt tăng trưởng bền vững.

Hiện nay, nhiều sản phẩm, giải pháp “Make in Viet Nam” ứng dụng các công nghệ mới như AI, BigData, IoT ra đời với chức năng đa dạng có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm giải pháp nước ngoài về mặt chi phí, nguồn lực triển khai nội địa và tính phù hợp với các DN Việt Nam.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giày Việt Nam đạt 21 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022, cao hơn so với mức 20,78 tỷ USD của cả năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ đạt khoảng 25 tỷ USD.

Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu da giày sau Trung Quốc, với số lượng xuất khẩu mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đôi giày dép sang các nước trên thế giới. Giày dép cũng là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Bộ Công Thương đã cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành giày dép đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, Bộ định hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất, xanh hóa ngành công nghiệp giày dép, bảo đảm nhu cầu trong nước.

Sản phẩm da giày của Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Hội nghị “Tổng kết ngành Da giày năm 2022” diễn ra mới đây, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết tình hình trên thế giới hiện nay đang tác động rất mạnh mẽ đến các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành da giày.

Nhận diện thách thức CĐS để gỡ khó cho các DN ngành da giày

Tại Việt Nam, ngành da giày là một trong các ngành công nghiệp quan trọng, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ số còn ở mức thấp. Đặc thù của ngành công nghiệp da giày là sử dụng nguồn lực lao động lớn và còn nhiều khâu sản xuất thủ công. Đó cũng chính là một trong những khó khăn của ngành này trong việc áp dụng công nghệ số. Có tới 70% DN da giày Việt Nam là DN vừa và nhỏ, có ít vốn đầu tư cho công nghệ. Mức độ tự động hóa còn manh mún, phát triển không tập trung gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ số.

Các DN da giày Việt Nam vẫn còn rất hạn chế trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong chuỗi cung ứng da giày Việt Nam, các DN FDI nắm gần như toàn bộ khâu phân phối có giá trị gia tăng cao, các DN Việt Nam phần lớn thực hiện gia công ở khâu sản xuất. Tuy chỉ chiếm khoảng 10% số DN hoạt động, DN FDI hiện đang đóng góp tới 80% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Báo cáo DxReports mới phát hành gần đây về “Nâng cao năng lực CĐS DN ngành da giày Việt Nam” của FPT Digital đã nêu ra 8 thách thức chủ yếu CĐS mà ngành công nghiệp da giày đang phải đối mặt như sau:

Nhận thức và chiến lược về CĐS chưa rõ ràng: Nhận thức về khái niệm, mục tiêu, lợi ích và kết quả của CĐS còn chưa rõ. Phần lớn DN không có chiến lược và lộ trình cụ thể.

Nguồn lực thực hiện CĐS trong ngành còn yếu: Nguồn lực con người trong ngành chủ yếu là lao động phổ thông có trình độ chuyên môn và kỹ năng số hạn chế, năng suất lao động thấp, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cần sự đồng thuận cao từ phía lãnh đạo DN: Đa phần các chủ DN, lãnh đạo DN tư duy hoạt động theo truyền thống, chưa sẵn sàng và ngại thay đổi, tiếp nhận cái mới. Thiếu vai trò dẫn dắt với cam kết và ý chí cần thiết từ lãnh đạo dẫn đến thất bại trong CĐS.

Quy mô các DN còn nhỏ lẻ, chưa có tính đồng bộ: 80% DN đang sản xuất, kinh doanh là DN nhỏ và vừa trong khi đó CĐS phải đồng bộ hệ thống và đào tạo nhân sự nên tốn rất nhiều chi phí. Máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ và tự động hóa thấp.

Ngân sách cho hoạt động CĐS ở mức cao: Ngân sách hạn chế là thách thức vô cùng lớn. Việc chưa chú trọng về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ và máy móc tự động hóa đã cản trở quá trình CĐS. Thiếu hụt hạ tầng và kiến trúc CNTT: Thiếu hụt kiến trúc CNTT và hạ tầng tương ứng khiến việc triển khai các phần mềm, hệ thống diễn ra manh mún, thiếu sự liên kết và liên thông về dữ liệu. Ngoài ra, việc triển khai các công nghệ mới nhất cũng yêu cầu cao về mặt kiến trúc và hạ tầng triển khai.

Các yêu cầu giảm phát thải ngày càng cấp thiết:

Các quy định nghiêm ngặt về mức thuế carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu (CBAM của châu Âu, Đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ) đặt ra thách thức rất lớn cho các DN trong việc ứng dụng công nghệ để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng như điện, nước trong sản xuất da giày.

Công nghiệp phụ trợ còn yếu gây khó khăn trong việc liên kết hệ sinh thái: Công nghiệp phụ trợ phát triển rất hạn chế khiến ngành da giày còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị nhập nhập khẩu từ bên ngoài. Điều này cản trở việc đầu tư đổi mới sản xuất, công nghệ một cách đồng bộ theo hướng tự động hóa và chuỗi cung ứng 4.0. 

CĐS là chìa khóa giúp DN da giày tăng năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt may và Da giày lần thứ 3 do Câu lạc bộ Khoa học Dệt may và Da giày Việt Nam tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội chỉ rõ hiện mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 của các DN dệt may vẫn ở mức trung bình, với 2,73/5 điểm. Để tăng tính cạnh tranh trong xu thế hiện nay, ngành dệt may, da giày đang có 2 công cụ chính là năng suất - chất lượng và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

“Nếu không tập trung vào khoa học công nghệ sẽ không nâng cao được tính cạnh tranh của ngành dệt may. Nhưng khó khăn lớn nhất là các DN dệt may vẫn khó tiếp cận dữ liệu về nguồn cung công nghệ trong nước và quốc tế. Việt Nam chưa hình thành và phát triển tổ chức trung gian riêng của thị trường khoa học công nghệ cho ngành dệt may”, ông Hoàng Xuân Hiệp băn khoăn.

Các DN dệt may, da giày cũng chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải ứng dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng cường năng lực thiết kế, cung cấp nguyên liệu, phân phối bán hàng sản phẩm dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại đã được ký kết. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhu cầu của các DN là luôn cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất.

Báo cáo DxReports của FPT Digital về CĐS ngành Da giày cũng cho rằng chìa khóa cho các DN da giày là tăng tốc chuyển đổi số, vì CĐS sẽ giúp DN nâng cao năng suất và tối ưu các nguồn lực, đem tới cơ hội nâng cao được vị thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, đặc thù riêng của ngành da giày hiện nay là đang phát triển mạnh mẽ theo xu hướng thời trang và thay đổi liên tục, do đó các DN da giày cần phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với xu hướng, ứng dụng CNTT trong thiết kế và sản xuất. Ứng dụng công nghệ số là ưu tiên hàng đầu của các DN sản xuất nói chung, bao gồm cả DN da giày, trong việc bắt kịp xu hướng và ứng phó với các thách thức thời đại mới.

DN cần tập trung khai thác các cơ hội tăng tốc CĐS từ sự hỗ trợ của các chính sách, các hướng dẫn của nhà nước và sự phát triển của công nghệ. Trong đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp DN nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất và thương mại sản phẩm da giày, chuyển dịch từ mô hình gia công xuất khẩu tiến tới tham gia nhiều hơn vào các khâu thiết kế, thương mại trên chuỗi cung ứng nhằm nâng cao tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.

Chuyển đổi số - Giải pháp giúp nâng cao năng suất cho ngành da giày Việt Nam - Ảnh 2.

TS. Lê Hùng Cường, Phó TGĐ FPT Digital trong hội nghị Quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành Da giày Việt Nam 2022.

TS. Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital cho biết: “Có bốn xu hướng CĐS chính tác động sâu rộng, tạo ra những thay đổi về định hướng và phương thức hoạt động của DN trong ngành da giày như: Ứng dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu; Ứng dụng tự động hóa các hoạt động sản xuất; Phát triển đa dạng kênh tiếp thị và bán hàng; Phát triển hệ sinh thái sản xuất xanh và bền vững. DN cần tập trung khai thác các cơ hội tăng tốc CĐS từ hỗ trợ của các chính sách, các hướng dẫn của nhà nước và sự phát triển của công nghệ”.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ “Make in Viet Nam” ứng dụng các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT đã ra đời với chức năng đa dạng có ưu điểm so với các sản phẩm giải pháp nước ngoài về mặt chi phí, nguồn lực triển khai nội địa và tính phù hợp với các DN Việt Nam, ông Cường nói rõ hơn.

Điều thuận lợi cho các DN trong công cuộc CĐS là Chính phủ đang có nhiều chính sách thúc đẩy, tạo ra nhiều cơ hội CĐS. Nhiều chương trình hành động CĐS và thúc đẩy CMCN 4.0 đã được ban hành. Chính phủ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để hỗ trợ CĐS cho các DN nói chung cũng như ngành sản xuất may mặc, da giày nói riêng. Một số hành động hỗ trợ nổi bật như phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS cho DN; Xây dựng tài liệu hướng dẫn CĐS cho DN, ban hành bộ chỉ số CĐS các cấp; Tổ chức nhiều hội thảo, đào tạo và kết nối mạng lưới chuyên gia CĐS trên cả nước...

Những giải pháp công nghệ giúp nâng cao năng suất cho ngành da giày

Các DN trong ngành sản xuất nói chung và ngành sản xuất may mặc da giày nói riêng đều nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ công nghệ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa CMCN 4.0. Mục tiêu nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tránh bị tụt hậu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trong bối cảnh chi phí lao động trong nước và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng. Ngoài ra các giải pháp công nghệ sẽ giúp DN da giày giải các bài toán thông dụng về nâng cao năng suất và hiệu quả vận hành, giảm chi phí sản xuất, quản trị và thực thi chiến lược ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), giảm tác động tới môi trường với công nghệ mới.

CMCN 4.0 giúp DN nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất và thương mại sản phẩm da giày nói riêng, chuyển dịch từ mô hình OEM sang mô hình ODM, tiến tới tham gia nhiều hơn vào các khâu thiết kế, thương mại trên chuỗi cung ứng nhằm cạnh tranh với DN FDI và nâng cao tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.

DxReports của FPT Digital về CĐS ngành Da giày đã đưa ra một số xu hướng công nghệ chính ứng dụng trong chuỗi giá trị ngành da giày, giúp tăng tốc CĐS, và đã được các thương hiệu giày lớn trên thế giới, chứng minh tính hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng và doanh thu cho các công ty, cùng các minh họa điển hình với các hãng trên thế giới như sau.

Công nghệ in 3D

Ứng dụng công nghệ in 3D, quét laser 3D giúp chu kỳ sản xuất ngắn hơn, giảm rủi ro trong quá trình đúc khuôn, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Quá trình này mang lại lợi thế cạnh tranh cho DN nhờ khả năng phản ứng nhanh với những thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc thu thập và phân tích dữ liệu bán hàng cùng những phản hồi tiêu dùng sẽ giúp DN lựa chọn và thiết kế ra các mẫu giày dép phù hợp nhất với thị hiếu tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) giúp kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ thu thập yêu cầu, thiết kế, kiểm nghiệm... tới việc đưa sản phẩm ra thị trường. 

Chuyển đổi số - Giải pháp giúp nâng cao năng suất cho ngành da giày Việt Nam - Ảnh 3.

Nike đã sử dụng dữ liệu từ các giao dịch mua trực tuyến để thiết kế và trưng bày các sản phẩm tại mỗi cửa hàng theo phong cách và gu thẩm mỹ của khách hàng trong khu vực đó.

Giải pháp công nghệ in 3D đã được ứng dụng trên thế giới và đạt hiệu quả cao. ECCO là nhà sản xuất và bán lẻ giày Đan Mạch được Karl Toosbuy thành lập vào năm 1963, tại Bredebro, Đan Mạch. ECCO thuộc sở hữu gia đình và sử dụng 21.300 nhân viên trên toàn thế giới, với doanh số bán sản phẩm tại 99 quốc gia từ 2.250 cửa hàng và 14.000 điểm bán hàng.

ECCO đã thực hiện quá trình cá nhân hóa sử dụng công nghệ Quant-U được chia thành ba giai đoạn, bao gồm phân tích thời gian thực, thiết kế theo dữ liệu và in 3D tại cửa hàng. Cụ thể, đầu tiên, cảm biến quét 3D dấu chân và cách thức bước chân của người đi, sau đó in 3D trực tiếp đế của đôi giày tại cửa hàng theo các thông số đo, và cuối cùng là sản xuất đế giày trên máy in 3D. Toàn bộ quá trình trên được hoàn thành trong vài giờ với vật liệu làm từ silicon.

Sản phẩm gia tăng cá nhân hóa và đảm bảo “vừa vặn hoàn hảo, tối ưu hoàn hảo và hiệu suất cao nhất” được khách hàng của ECCO hết sức đón nhận. Độ bền lớp đế được in 3D vượt trội so với đế thông thường. ECCO đã thử nghiệm đi bộ 450km và ghi nhận độ hao mòn là gần 1%.

Sử dụng robot trong sản xuất

Sử dụng robot để thực hiện một số khâu như quét keo, may chi tiết đồng bộ, cắt nguyên liệu, v.v.. nhằm tiến tới tự động hóa nhà máy sản xuất. Số hóa các công đoạn trên dây chuyền sản xuất nhằm cung cấp các thông tin trực quan về sản xuất theo thời gian thực, làm căn cứ ra quyết định điều hành sản xuất. Ngoài ra, ngành thời trang giày dép thế giới đang rất chú trọng đến công nghệ nano, giúp các sản phẩm da giày có thể tích hợp các chức năng theo dõi sức khỏe (đo nhịp tim, lượng calo giải phóng, v.v..), hướng tới việc đưa ra các cảnh báo về sức khỏe cho người dùng. Đây cũng là một xu hướng được quan tâm trong tương lai.

Giải pháp sử dụng robot trong sản xuất được Keen, một công ty giày dép và phụ kiện của Mỹ có trụ sở tại Portland, Oregon, ứng dụng. Công ty thành lập vào năm 2003, hiện nay các sản phẩm của Keen được bán tại các điểm bán lẻ trên khắp thị trường nội địa Hoa Kỳ và cũng được phân phối trên toàn thế giới. Keen đã hợp tác với hãng House of Design, LLC phát triển robot tự động hóa sản xuất giày UNEEK. Với một đế giày được tạo sẵn, robot tiến hành dệt các sợi dây một cách tự động để tạo thành sản phẩm theo yêu cầu từ khách hàng. Bằng cách này, khách hàng có thể nhận được đôi giày theo mong muốn sau 30 phút.

Công nghệ robot giúp hãng Keen tạo ra các đôi giày được đánh giá “có mức độ thoải mái chưa từng có”, do được đan từ các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với hình dạng bàn chân của khách hàng, từ đó có cơ hội mở rộng thị trường và tăng giá trị trong hoạt động nhượng quyền thương mại của hãng.

Theo Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện cũng có nhiều DN lớn tại Việt Nam đã đầu tư máy móc để tự động hóa 100% khâu xì cắt và đang từng bước chuyển sang tự động hóa. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Việt Á Châu ở TP.HCM là một điển hình trong việc đầu tư công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển. DN này đã đầu tư máy scan và in 3D để phục vụ làm khuôn. Hình thức đầu tư này đã giúp DN rút ngắn thời gian cho khâu làm khuôn, đồng thời giảm đáng kể thời gian giao hàng. 

Thái Bình Shoes (Thuận An, Bình Dương) đã trang bị phần lớn máy móc công nghệ mới phục vụ cho phát triển mẫu và sản xuất như máy may lập trình, máy thêu vi tính, máy cắt laser... nhằm tự động hóa các công đoạn sản xuất. Việc này giúp DN giảm được giá thành, tăng năng suất lao động và hạn chế rủi ro trong một vài công đoạn sản xuất cho nhân công.

Nâng cấp trải nghiệm phân phối, mua hàng bằng các công nghệ mới

Trong thời đại công nghệ số, DN da giày không chỉ chú trọng khâu sản xuất, thiết kế mà còn cả khâu phân phối, trải nghiệm mua hàng cho người tiêu dùng, đặc biệt ngành da giày là một ngành thời trang. Vì thế, ứng dụng các công nghệ tăng trải nghiệm mua hàng sẽ đáp ứng các nhu cầu mua online và offline, giảm thời gian giao hàng qua các mô hình Omni-Channel (mô hình bán hàng đa kênh, tiếp cận khách hàng ở nhiều nền tảng) và O2O (Online to Offline).

Đặc biệt, việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ như AI, AR/VR, Metaverse, v.v.. đưa người dùng đến những thế giới hoàn toàn mới mẻ, đem lại trải nghiệm chân thực, hấp dẫn và thậm chí còn mang tính biến đổi.

Bên cạnh đó, đầu tư sử dụng các công nghệ mới trong phân phối như công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến RFID, phần mềm quản lý cho phép người mua trực tuyến kiểm tra hàng tồn kho tại mỗi cửa hàng, mua hàng trực tuyến hoặc thanh toán tự động tại các quầy hàng khi mua hàng offline.

Nike là tập đoàn đa quốc gia của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phát triển, sản xuất, quảng bá cũng như kinh doanh các mặt hàng giày dép, quần áo, phụ kiện, trang thiết bị và dịch vụ liên quan đến thể thao. Trong dự án House of Innovation tại NewYork, Nike đã sử dụng công cụ thực tế tăng cường (AR) kết hợp các yếu tố thời trang, giải trí vào trải nghiệm khách hàng bán lẻ. Khách hàng có thể sử dụng điện thoại di động và thiết bị AR để khám phá mô hình ảo, mang lại các trải nghiệm mới và tăng tính gắn kết với khách hàng.

Còn tại dự án Nike Live ở Los Angeles, Nike sử dụng dữ liệu từ các giao dịch mua trực tuyến để thiết kế và trưng bày các sản phẩm tại mỗi cửa hàng theo phong cách và gu thẩm mỹ của khách hàng trong khu vực đó. Phần lớn thông tin này được thu thập từ những khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến của Nike, cho dù họ đang mua sắm trên Nike.com hay là thành viên của Nike Plus. Trải nghiệm đặc biệt mà Nike tạo ra tại cửa hàng giúp chuyển đổi người mua sắm thành thành viên Nike Plus nhanh hơn 6 lần so với bất kỳ địa điểm bán lẻ nào khác. Những khách này cũng chi nhiều hơn 30% cho lần mua hàng tiếp theo so với những người chưa ghé thăm cửa hàng, cho thấy giá trị của việc tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt là rất cao. 

Phát triển bền vững, thân thiện với môi trường

Việc gia tăng hàm lượng công nghệ trong thiết kế và sản xuất hướng tới mô hình nhà máy thông minh giúp tối ưu năng suất, tăng độ chính xác trong sản xuất và chất lượng thành phẩm, tránh lãng phí nguyên phụ liệu, giúp tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ nhằm giám sát, đo đạc, lượng hóa và chứng minh việc giảm phát thải thông qua các công cụ như cảm biến, IoT, Cloud, Blockchain, Big Data và Data Analysis, v.v.. Đồng thời tối ưu việc sử dụng năng lượng bao gồm điện và nước, tiết kiệm chi phí và giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số - Giải pháp giúp nâng cao năng suất cho ngành da giày Việt Nam - Ảnh 4.

Lộ trình chuyển đổi hoạt động sản xuất để giữ vững và phát huy lợi thế sẵn có. Hình ảnh: DxReports - FPT Digital

Adidas là một tập đoàn đa quốc gia, chuyên thiết kế và sản xuất da giày, quần áo và phụ kiện. Tập đoàn đã phát triển giải pháp số phục vụ quản lý các tác động môi trường dọc theo chuỗi giá trị nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng tuyệt đối và giảm 30% lượng khí thải CO2 năm 2030 và chuyển sang năng lượng sạch.

Trong dự án phát triển công cụ Dấu chân Môi trường nội bộ (Environmental Footprint Tool), Adidas đã sử dụng dữ liệu từ các hệ thống CNTT khác nhau và nguồn từ các bộ phận để đo lường và tính toán tác động môi trường trên toàn bộ chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất nguyên liệu thô đến sử dụng và thải bỏ sản phẩm.

Hoạt động này giúp cải thiện khả năng giám sát toàn diện tác động môi trường trên toàn bộ chuỗi cung ứng, đẩy nhanh quá trình đưa ra quyết định kinh doanh, hỗ trợ xây dựng chiến lược bền vững toàn cầu của Adidas “Own the game” dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Các thương hiệu giày lớn như Nike và Adidas có mặt rộng rãi tại thị trường Việt Nam. Những thương hiệu này cũng đã đặt cơ sở sản xuất chính của họ tại Việt Nam. Adidas đã chọn Việt Nam là khu vực sản xuất chính của mình trong khi Nike có hơn 100 nhà cung cấp tại Việt Nam, với 96 nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam.

Tại Việt Nam, các DN ngành da giày cần xây dựng lộ trình tối ưu nhằm bắt kịp làn sóng CĐS của thế giới, tăng bậc năng lực cạnh tranh trong thời kỳ mới. Theo tư vấn của FPT Digital, lộ trình CĐS cơ bản sẽ bắt đầu từ bước xác định mức độ sẵn sàng CĐS.

TS. Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital cho biết: Điểm mấu chốt quan trọng nhất trong hành trình CĐS đó là DN cần phải biết mình đang ở đâu. Xác định mức độ trưởng thành số sẽ giúp DN định vị được hiện trạng hoạt động, các khó khăn gặp phải và khoảng cách giữa hiện tại và mục tiêu tương lai, làm nền tảng cho xây dựng lộ trình CĐS. Dựa trên kết quả đánh giá mức độ trưởng thành số, kết hợp với các mục tiêu chiến lược, DN sẽ xác định lộ trình ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực thiết kế, sản xuất, phân phối bán hàng và khai thác dữ liệu nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh. Trong đó, DN cần có trọng tâm về việc đáp ứng các tiêu chuẩn về DN bền vững, giúp tăng sức cạnh tranh thông qua việc tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các DN có thể hợp tác với các bên tư vấn chuyên nghiệp để xác định được lộ trình CĐS toàn diện, tối ưu các nguồn lực và đạt được tầm nhìn mục tiêu trong cả ngắn, trung và dài hạn, giúp DN không bỏ lỡ các cơ hội thành công./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số - Giải pháp giúp nâng cao năng suất cho ngành da giày Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO