Chuyển đổi số giúp gia tăng trải nghiệm nhân viên

PV| 13/08/2022 11:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp (DN) khiến việc chấm công, tính lương... trở nên đơn giản, thuận tiện hơn và qua đó giúp gia tăng trải nghiệm nhân viên.

Đầu tư nâng cấp trải nghiệm, tri thức cho nhân viên bằng công nghệ

Nếu như nói trải nghiệm khách hàng tốt sẽ mang về thương hiệu tốt, doanh thu cao, thì việc DN ưu tiên cải thiện trải nghiệm nhân viên có thể chính là tiền đề để phục vụ khách hàng được tốt hơn. 

Theo ông Trần Tuấn Anh Nghĩa, Trưởng phòng Tư vấn CĐS khu vực miền Nam của Base.vn, bên cạnh tối ưu trải nghiệm khách hàng và quy trình vận hành, quá trình CĐS trong DN cũng giúp gia tăng trải nghiệm nhân viên.

"Ví dụ đơn giản như sự phản hồi nhanh chóng và chuyên nghiệp nhờ hệ thống phần mềm của bộ phận nhân sự khi nhận được CV từ ứng viên, hay những việc nan giải hơn như chấm công, tính lương cho nhân viên luôn được đảm bảo chính xác, hoặc sự đa dạng các hình thức chấm công từ vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt, định vị GPS... đều là biểu hiện của một môi trường làm việc chuyên nghiệp, giúp nâng cao hạnh phúc của nhân sự trong quá trình làm việc", ông Nghĩa nói.

Lãnh đạo DN cần dành sự quan tâm tương xứng và thiết kế trải nghiệm cho sự phát triển của nhân sự - đối tượng được xem như nhóm "khách hàng trọng tâm" trong nội bộ tổ chức. Bởi khi nhân viên hạnh phúc, theo đại diện Base.vn, năng suất làm việc sẽ tăng và tinh thần ấy có thể được lan tỏa đến khách hàng và đồng nghiệp, giúp DN hạnh phúc và tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách, đầu tư nâng cấp trải nghiệm nhân sự thông qua các ứng dụng công nghệ cũng cần được áp dụng phù hợp với từng nhóm nhân viên. "Chủ DN cần định vị và phân loại nguồn nhân lực theo nhóm trước khi áp dụng các phương pháp nhằm nâng cao trải nghiệm nhân sự bởi mỗi bộ phận sẽ có một nhiệm vụ, nhu cầu khác nhau", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ba yếu tố quyết định động lực của nhân viên

Nhân viên của thời đại mới là những "nhà tiêu dùng" thông thái. Nếu muốn có được sự đồng hành và gắn kết thực sự từ họ, DN cần phải tạo cho họ động lực muốn làm việc và gắn bó.

Theo đại diện Base, có hai loại động lực có thể tác động tới nhân viên. Đầu tiên là động lực nội tại, đồng nghĩa với sự thúc đẩy từ bên trong. Bởi nhân viên sẽ mong muốn làm việc tốt hơn vì công việc đó phù hợp với niềm tin của chính họ. Tiếp theo, động lực đến từ bên ngoài - kết quả của sự kích thích bởi các yếu tố như phần thưởng và sự công nhận từ tổ chức.

Theo đó, khi nhìn vào thực tế tại các DN, ông Nghĩa chia động lực nhân viên thành ba nhóm chính: thu nhập - được trả lương đủ và đúng ngày; Được kết nối, phát triển; Sự công nhận. 

Chia sẻ từ kinh nghiệm của chính Base.vn, ông Nghĩa cho biết để tạo động lực kết nối, phát triển nhân sự, các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội nội bộ đóng vai trò quan trọng, giúp kết nối nhân viên trên môi trường làm việc số, thay đổi cách tương tác và chia sẻ, giúp đảm bảo 3 tiêu chí: Kết nối liên tục; Kết nối hai chiều; Xây dựng môi trường thân thiện. Bên cạnh đó, mô hình cộng đồng cũng là một giải pháp giúp DN giảm thiểu mâu thuẫn và rút ngắn khoảng cách về chuyên môn giữa các bộ phận tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng, kế toán,... và giữa những nhân viên cũ - mới trong nội bộ phòng ban.

Cuối cùng, sự công nhận là yếu tố còn lại giúp gia tăng trải nghiệm nhân viên. Các sản phẩm công nghệ sẽ giúp nhà quản lý có cái nhìn toàn diện và đưa ra quyết định khen thưởng, đánh giá chính xác thông qua những báo cáo trực quan và dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực.

"Sự ghi nhận dành cho nhân viên đôi khi còn quan trọng và có ý nghĩa hơn lương tháng. Không chỉ là những lần thăng cấp, sự công nhận đối với nhân viên có thể được diễn ra trong rất nhiều khoảnh khắc: thời điểm nhân sự thành công mang về hợp đồng đầu tiên, sản phẩm đầu tiên của một nhân viên chính thức được ra mắt, giải thưởng nhân viên xuất sắc của quý, hay đơn giản là sự ghi nhận dành cho nhân sự đã giúp đỡ đồng nghiệp vượt qua khoảng thời gian thử việc... Mọi thành tích đều nên được ghi nhận", ông Nghĩa khẳng định.

Theo một báo cáo khảo sát về trải nghiệm nhân sự được thực hiện với hơn 250 tổ chức toàn cầu của Jacob Morgan vào năm 2017, các DN tạo được động lực làm việc cho nhân viên có doanh thu trung bình cao hơn 2 lần và lợi nhuận trung bình cao hơn 4 lần so với những công ty không làm được điều đó. Đặc biệt, trung bình mỗi nhân viên hạnh phúc sẽ lan tỏa đến 4 người xung quanh năng lượng tích cực của họ.

Chuyển đổi số sẽ giúp gia tăng trải nghiệm nhân viên - Ảnh 1.

Hạnh phúc và tăng trưởng của DN gắn liền với hạnh phúc và trải nghiệm của nhân viên

"Qua quá trình làm việc với hàng nghìn khách hàng, tôi nhận ra các công ty càng lớn lại càng coi trọng xây dựng hành trình trải nghiệm của nhân viên từ khi mới gia nhập cho đến khi nhân sự rời đi. Công nghệ thật sự có thể mang lại hạnh phúc và giá trị to lớn nếu được đầu tư đúng phương pháp và xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân viên", đại diện Base kết luận.  

Tạo động lực cho nhân viên không chỉ là các khoảnh khắc mang tính chất tạm thời mà phải là một lộ trình dài hạn được tiếp cận từ nhiều góc độ cả lý thuyết lẫn thực hành. DN cần chuẩn bị sẵn danh sách các mục tiêu cần hướng tới, các hành động cần làm và bổ sung các nguồn lực cần thiết để gia tăng trải nghiệm nhân viên, mà trong đó, công nghệ là yếu tố không thể thiếu.

Hiểu được khó khăn và thách thức của DN trong "cuộc chơi mới" mang tên 4.0, cũng như những loay hoay khi áp dụng công nghệ vào quản trị, vận hành tổ chức, Base.vn phối hợp Viện Đào tạo quốc tế ISB ⁸thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM) tổ chức Khóa học Go-live Experience For SME+ - được thiết kế dành riêng cho các cấp lãnh đạo, chủ DN, nhằm cung cấp những góc nhìn tổng quan, toàn diện nhất và định hướng, nâng cao nhận thức của DN về câu chuyện chuyển đổi số trong thời đại 4.0, hướng đến nâng cao hiệu suất công việc, gia tăng trải nghiệm nhân sự./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số giúp gia tăng trải nghiệm nhân viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO