Chuyển đổi số giúp ngành xuất bản vươn lên trong đại dịch

Huế Trần | 23/08/2021 16:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Trần Chí Đạt, chuyển đổi số vừa là cơ hội "nghìn năm có một", vừa là cú huých giúp giới xuất bản tìm hướng phát triển sau những khó khăn của dịch bệnh.

Chuyển đổi số đang là cụm từ "nóng" hiện nay. Trước xu thế tất yếu của toàn ngành xuất bản, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các cơ quan, đơn vị và chuyên gia, thực hiện mua bản quyền, dịch và xuất bản bộ sách về chuyển đổi số.

Bộ sách gồm 9 cuốn: Cẩm nang chuyển đổi số; Internet vạn vật (IoT)s - Chuyển đổi số hay là chết; Chuyển đổi số đến cốt lõi; Hỏi - đáp về chuyển đổi số; The Fintech Book, Tiền di động để thúc đẩy tài chính toàn diện; Máy móc, nền tảng, cộng đồng; Chuyển đổi số - 5 giai đoạn triển khai công nghệ số cho doanh nghiệp; và Bank 4.0.

Ông Trần Chí Đạt - Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông - chia sẻ về quá trình thực hiện và tính ứng dụng của bộ sách, cũng như những thuận lợi, thách thức trong việc thực hiện chuyển đổi số toàn ngành.

Làm quen chuyển đổi số qua sách

PV: Tiêu chí lựa chọn đối với những cuốn sách về chuyển đổi số được đơn vị ông thực hiện mua bản quyền và chuyển ngữ thời gian qua là gì?

Ông Trần Chí Đạt: Chuyển đổi số là thuật ngữ còn khá mới mẻ trong nước. Do đó, chúng tôi đã lựa chọn mua bản quyền và chuyển ngữ những cuốn sách có nội dung viết về kinh nghiệm chuyển đổi số của các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Tác giả được lựa chọn phải là những người tiên phong của các tòa nhà thông tin và Internet vạn vật, có nhiều năm trực tiếp làm việc trong ngành công nghiệp máy tính như Nicolas Windpassinger (tác giả cuốn Internet vạn vật (IoT) - Chuyển đổi số hay là chết); hoặc những nhà lãnh đạo chuyên nghiên cứu kinh tế số như Mark Raskino, Graham Waller (nhóm tác giả cuốn Chuyển đổi số đến cốt lõi).

Với những tiêu chí đó, chúng tôi mong muốn mang tới cho bạn đọc trong nước những kiến thức cơ bản, chính xác về hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, cơ cấu lại mô hình quản lý và làm mới chính bản thân mình. Đây là những điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công.

PV: Theo ông, bộ sách trên đóng vai trò thế nào trong việc đưa các cá nhân, đơn vị làm quen chuyển đổi số?

Ông Trần Chí Đạt: Bộ sách mang tính dẫn dắt và ứng dụng cao. Với từng cuốn, bạn đọc sẽ được tiếp cận từ vấn đề đơn giản, cơ bản, ngắn gọn nhất đến những vấn đề được giải thích, phân tích chi tiết hơn; và cuối cùng là những bài học mang tính thực hành, để có thể áp dụng vào công cuộc chuyển đổi số của từng đơn vị.

Với kiến thức từ bộ sách này, chúng tôi cũng như nhiều đơn vị xuất bản, phát hành và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung có thể nắm bắt nhanh, tự xây dựng chiến lược và tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số của mình.

Chuyển đổi số giúp phát triển văn hóa đọc

PV: Ngành xuất bản đang tận dụng thời cơ trong đại dịch để triển khai chuyển đổi số. Ông đánh giá sao về những lợi thế và thách thức của đơn vị mình trong thời điểm này?

Ông Trần Chí Đạt: Đối mặt những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như "cơn sóng thần" của đại dịch Covid-19, các đơn vị xuất bản, phát hành gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội "nghìn năm có một" để bắt tay thực hiện chuyển đổi số.

Khi bị dồn vào chân tường hay bị đẩy ra khỏi vòng an toàn, mỗi đơn vị cần tìm cho mình cách để đứng dậy, vượt lên khó khăn. Chuyển đổi số sẽ là "cú huých" giúp cho các đơn vị xuất bản, phát hành thực hiện được điều đó.

Hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, cơ cấu lại mô hình quản lý và làm mới chính bản thân mình là những điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công.

Ông Trần Chí Đạt

Đối với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, mục tiêu chuyển đổi số đã được đề cập từ năm 2017, trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Là nhà xuất bản trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là lợi thế rất lớn của chúng tôi trong việc được tiếp cận sớm những chủ trương, chiến lược chuyển đổi số của quốc gia và toàn ngành; từ đó, nhanh chóng vận dụng vào thực tiễn.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn, bởi chúng tôi được coi là đơn vị tiên phong, thí điểm những chủ trương, chính sách của toàn ngành trước khi thực thi, nhân rộng.

Câu chuyện chuyển đổi số đã mới lại càng trở nên khó hơn, khi mà đa số nhân lực hiện tại của chúng tôi tốt nghiệp khối ngành xã hội, chưa có nhiều hiểu biết chuyên sâu về khoa học, công nghệ và máy móc.

PV: Một trong những định hướng của chuyển đổi số trong xuất bản là đẩy mạnh phát hành ebook, audio book. Theo ông, điều này có đánh trúng vào thị hiếu độc giả hiện nay không?

Ông Trần Chí Đạt: Ebook, audio book hay xuất bản điện tử nói chung đã được chúng tôi triển khai trong gần 10 năm trở lại đây, từ khi đề xuất và được Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư hệ thống xuất bản trực tuyến.

Theo đó, đơn vị chúng tôi là nhà xuất bản đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất bản điện tử. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện hàng nghìn ebook, audio book ở các cấp độ khác nhau.

Trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh như hiện nay, việc sử dụng ebook, audio book ngày càng phổ biến. Ở bất kỳ đâu và thời gian nào, chỉ cần có smartphone cùng kết nối Internet, bạn đọc có thể trải nghiệm ebook, audio book hay multimedia, thậm chí có thể nghe sách khi ngồi trên tàu, xe hoặc khi làm việc nhà. Điều này sẽ thu hút được lượng độc giả rộng rãi hơn.

Chuyển đổi số giúp ngành xuất bản vươn lên trong đại dịch - Ảnh 2.

Theo ông Trần Chí Đạt, bộ sách về chuyển đổi số mang tính dẫn dắt cao cho các đơn vị xuất bản bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: H.T.

PV: Chuyển đổi số trong xuất bản sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc giai đoạn tới như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Chí Đạt: Trong Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số sẽ là một cuộc cách mạng lớn làm thay đổi toàn ngành, từ khâu sản xuất (biên tập, thiết kế, xuất bản) cho tới khâu tổ chức lưu thông các nền tảng, hệ thống cung cấp sách điện tử.

Cách thức đọc sách của độc giả cũng sẽ thay đổi theo. Với sách điện tử, bạn đọc không cần tới hiệu sách để lựa sách, cũng không cần tới thư viện để tra thư mục, mượn sách đọc từ những thủ thư. Thay vào đó, việc đặt mua sách online, mượn sách từ hệ thống thư viện số sẽ trở nên tiện lợi hơn.

Chuyển đổi số trong xuất bản sẽ giúp văn hóa đọc ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

-----Ông Trần Chí Đạt-----

Thay vì chỉ có thể mang theo một vài cuốn sách giấy, giờ đây người đọc có thể mang theo bên mình rất nhiều đầu sách đa thể loại. Thực hiện chuyển đổi số trong xuất bản, chúng tôi tin văn hóa đọc sẽ ngày càng phát triển, cả về chiều rộng và chiều sâu.

PV: Với lợi thế sở hữu sàn Book365 - minh chứng của việc chuyển đổi số trong phát hành sách - ông cho rằng các đơn vị xuất bản cần chuẩn bị những gì để cùng nhau chuyển đổi số thành công?

Ông Trần Chí Đạt: Đứng trước mục tiêu chuyển đổi số, các đơn vị cần chủ động vượt lên những khó khăn từ nền tảng nhân lực, vật lực để tự bứt phá. Bên cạnh đó, cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về mặt công nghệ, tăng cường hợp tác để tận dụng thế mạnh của nhau.

Sàn Book365 là một ví dụ hiện hữu nhất. Đó là thành quả nhờ sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Xuất bản, In và Phát hành; và sự chung tay, đồng lòng của các đơn vị xuất bản, phát hành sách.

Sàn được NXB Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng, thuộc sở hữu của chúng tôi. Song, nếu chỉ có đơn vị chúng tôi hoạt động trên đó thì sàn sẽ chỉ là một website thương mại điện tử đơn thuần. Chỉ khi được chia sẻ, nhiều đơn vị xuất bản, phát hành tham gia thì Book365 mới trở thành nơi cung cấp tổng hợp tất cả các loại sách có thể đáp ứng mọi nhu cầu của độc giả./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khai trương Trung tâm Báo chí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Trung tâm Báo chí được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên (PV) trong nước, quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm và chủ động, tích cực cung cấp thông tin của Ban Tổ chức về Lễ kỷ niệm.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số giúp ngành xuất bản vươn lên trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO