Chuyển đổi số, hiểu cách nào cho đúng?

28/07/2022 16:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, thuật ngữ "digital transformation" (tạm dịch "chuyển đổi số" - CĐS) trở thành một từ thời thượng và khá "ồn ào" (buzzword) trên các phương tiện truyền thông. Ở Việt Nam, thuật ngữ "digital transformation" bắt đầu được tìm kiếm nhiều từ sau năm 2017.

Tuy nhiên, nội hàm khái niệm này không được hiểu thống nhất trong giới nghiên cứu và cộng đồng thực hành trên thế giới. Trong khi các tài liệu hiện có thể hiện mức độ quan tâm nghiên cứu ngày càng tăng trong lĩnh vực này, thì có bằng chứng về việc thiếu một cách hiểu phổ biến và toàn diện về khái niệm này (Gong and Ribiere, 2021). Sự nhầm lẫn và phức tạp của việc hiểu các khái niệm như vậy, cả trong cộng đồng học thuật và thực hành, vì không có quan điểm thống nhất về các thuộc tính cơ bản của digital transformation (Morakanyane, Grace and O'Reilly, 2017).

Chuyển đổi số, hiểu cách nào cho đúng? - Ảnh 1.

Hình 1: Tìm kiếm "digiatal transformation" ở Việt Nam từ 2004 - 2022 (Nguồn: Google Trend)

Về mặt học thuật, việc thiếu thống nhất trong cách hiểu sẽ dẫn đến sự khó khăn trong việc mô hình hóa vàphát triển lý thuyết về lĩnh vực này. Về phía cộng đồng thực hành, sự thiếu nhất quán về cách hiểu sẽ tạo ra những khó khăn trong việc xác định phạm vi áp dụng và trách nhiệm của tầng lớp lãnh đạo cấp cao (C-level) trong doanh nghiệp (DN). Chưa kể, những vấn đề digital transformation đã từng chỉ được xem là thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và trách nhiệm của một CIO (Chief Information Officer), hay phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, CNTT. Tuy nhiên, những năm gần đây, đã có sự thay đổi trong nhận thức và quan điểm về CĐS ở trên thế giới và ở Việt Nam.

Lúc đầu, người ta nhấn mạnh vào việc sử dụng công nghệ số (digital technology). Nhưng các tổ chức và nhà nghiên cứu dần nhận ra rằng CĐS không chỉ là một sự thay đổi công nghệ mà còn cả sự phù hợp của chiến lược và các yếu tố khác, chẳng hạn như con người, văn hóa, tư duy, phát triển tài năng và lãnh đạo (Henriette, Feki and Boughzala, 2015).

Hai tác giả Cheng Gongvà Vincent Ribiere đã tiến hành nghiên cứu các định nghĩa về digital transformation với tham vọng phát triển một "định nghĩa thống nhất về CĐS" ("unified definition of digital transformation"). Ban đầu, họ đã xem xét 2.520 tài liệu trên SCOPUS và 4361 tài liệu trên EBSCO, tập trung vào các bài báo trên tạp chí được bình duyệt và bài báo hội nghị để đảm bảo có thể đạt được mức độ kiểm soát chất lượng cao hơn và tạo ra các định nghĩa digital transformation từ cả học thuật và thực tiễn. Khung thời gian tìm kiếm tài liệu được giới hạn từ năm 2000 - 2019 kể từ khi thuật ngữ digital transformation được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2000.

Các tài liệu được chọn được viết bằng tiếng Anh để tránh diễn giải sai lạc. Với các tiêu chí loại trừ, quá trình tìm kiếm đã dẫn đến tổng cộng 1.744 bài báo từ cơ sở dữ liệu SCOPUS và EBSCO sau khi các bài báo trùng (duplicate) nội dung được loại bỏ. Và sau quá trình lọc sơ bộ, họ đưa ra khoảng 134 bài báo có định nghĩa về digital transformation và thực hiện sự phân tích sâu hơn.

Quá trình tiến hành gồm các bước nghiên cứu định lượng, định tính và đưa ra được 6 thành tố cơ bản (primitive) của khái niệm này gồm: bản chất (nature), phạm vi (scope), đối tượng (target entity), phương tiện (means), kết quả kỳ vọng (expected outcome), tác động (impact) như Hình 2.

Chuyển đổi số, hiểu cách nào cho đúng? - Ảnh 2.

Hình 2: 6 thành tố cơ bản của định nghĩa về digital transformation

Và trình bày sơ đồ khái niệm về digital transformation như Hình 3:

Chuyển đổi số, hiểu cách nào cho đúng? - Ảnh 3.

Hình 3: Sơ đồ khái niệm digital transformation

Định nghĩa thống nhất về digital transformation của Cheng Gong và Vincent Ribiere như sau:

"Một quá trình thay đổi cơ bản, được kích hoạt bởi việc sử dụng sáng tạo công nghệ kỹ thuật số đi kèm với đòn bẩy chiến lược của các nguồn lực và năng lực chính, nhằm cải thiện triệt để một thực thể * vàđịnh hình lại đề xuất giá trị của thực thể này cho các bên liên quan".

(*Một thực thể có thể là: một tổ chức, một mạng lưới kinh doanh, một ngành công nghiệp hoặc xã hội) ("A fundamental change process, enabled by the innovative use of digital technologies accompanied by the strategic leverage of key resources and capabilities, aiming to radically improve an entity* and redefine its value proposition for its stakeholders."

(*An entity could be: an organization, a business network, an industry, or society.)

Hai tác giả này cũng phỏng vấn khoảng 60 chuyên gia quốc tế về CĐS và nhận được những phản hồi tích cực từ những chuyên gia này về định nghĩa thống nhất nêu trên. Tất nhiên, digital transformation là khái niệm tương đối mới, rộng và sẽ khó có thể thống nhất tuyệt đối trong giới nghiên cứu và cộng đồng thực hành.

Với kinh nghiệm tư vấn nhiều năm, chúng tôi (digital transformation strategic investment) thường đưa ra định nghĩa sau đây về CĐS:

"CĐS là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức (mô hình kinh doanh) mới, trong đó công nghệ là động lực, xã hội số (văn hóa doanh nghiệp) là nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng từ vốn tài chính (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital)".

Như thế nội hàm của định nghĩa chúng tôi cũng gần giống định nghĩa thống nhất của hai tác giả bên trên: "cách mạng về nền tảng tư duy" (bản chất) tương ứng với "quá trình thay đổi cơ bản", "hướng tới một hình thái tổ chức mới" (tác động) tương ứng với "cải thiện hoàn toàn thực thể" và "định hình lại đề xuất giá trị cho thực thể", công nghệ là động lực (phương tiện), "vốn dữ liệu" tương ứng với "nguồn lực chính".

Trong bài viết trên VietNamNet gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu bật sự khác nhau giữa hai khái niệm liên quan: CĐS và ứng dụng CNTT. Có nhiều điểm chúng tôi tán đồng nhưng một vài điểm chưa hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, định nghĩa về những vấn đề mới không thể hoàn thiện và đầy đủ ngay được, mà cần mở rộng, lắng nghe các ý kiến góp ý từ cộng đồng để đi đến sự thống nhất cao trong cách hiểu và hành động.

Tài liệu tham khảo

[1]. Gong, C. and Ribiere, V. (2021) "Developing a unified definition of digital transformation," Technovation, 102. Available at: https://doi.org/10.1016/ j.technovation.2020.102217.

[2]. Henriette, E., Feki, M. and Boughzala, I. (2015) The Shape of Digital Transformation: A Systematic Literature Review. Available at: http://aisel.aisnet.org/ mcis2015http://aisel.aisnet.org/mcis2015/10.

[3]. Morakanyane, R., Grace, A. and O'Reilly, P. (2017) "Conceptualizing digital transformation in business organizations: A systematic review of literature," in 30th Bled eConference: Digital Transformation - From Connecting Things to Transforming our Lives, BLED 2017. Association for Information Systems Electronic Library, AISeL, pp. 427–444. Available at: https://doi.org/10.18690/978-961-286-043-1.30.

[4]. Nguyễn Mạnh Hùng (2022) Sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Available at: https://vietnamnet.vn/su-khac-nhau-giua-cong-nghe-thong-tin-va-chuyen-doi-so-2041963.html (Accessed: July 27, 2022)./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số, hiểu cách nào cho đúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO