Chuyển đổi số

Chuyển đổi số hướng tới phục vụ người dân trong kỷ nguyên mới

PGS, TS. Trần Quang Diệu; ThS. Hà Thị Thu Hằng 18/02/2025 09:05

Đất nước ta đang bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên thịnh vượng của dân tộc Việt Nam phát triển, giàu mạnh, kỷ nguyên của sự bứt phá, đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi.

Tóm tắt:
+ Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ để cải tiến quản lý và sản xuất, thúc đẩy hiệu quả và giá trị mới.
+ Được coi là chìa khóa phát triển quốc gia, đẩy mạnh sức mạnh nội sinh.
- Chính sách và chiến lược:
+ Việt Nam triển khai nhiều nghị quyết, quyết định để thúc đẩy chuyển đổi số, như Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2030.
+ Trọng tâm: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và doanh nghiệp công nghệ số.
- Kết quả đạt được:
+ Chỉ số chuyển đổi số tăng mạnh từ năm 2020 đến 2024.
+ Nâng cao hiệu quả dịch vụ công: giảm thời gian xử lý hồ sơ, triển khai căn cước công dân gắn chip, ứng dụng định
danh điện tử (VNeID).
+ Hạ tầng kỹ thuật số được mở rộng với mạng 5G phủ sóng 25,5% dân số.
- Hạn chế và thách thức:
+ Hệ thống pháp luật còn chồng chéo, cải cách hành chính chưa đồng bộ.
+ Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, dữ liệu giữa các cơ quan chưa kết nối thông suốt.
- Giải pháp thúc đẩy:
+ Hoàn thiện pháp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ mới (AI, dữ liệu lớn).
+ Đảm bảo an ninh mạng, quyền riêng tư, và an toàn dữ liệu.
+ Phát triển công dân số, nâng cao nhận thức cộng đồng.
+ Đầu tư vào nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong kỷ nguyên mới, chính phủ hướng tới việc phục vụ nhân dân trên cơ sở xây dựng quốc gia số, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, mạnh mẽ ở mọi mặt, mọi lĩnh vực. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi đề cập đến vấn đề CĐS hướng tới phục vụ người dân của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ hiện nay.

Một số vấn đề về chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới

Về bản chất, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, dựa trên công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động quản lý, thay đổi quy trình và đẩy nhanh tiến trình xử lý công việc của cơ quan và tổ chức. Có nhiều định nghĩa về chuyển đổi số như, theo Gartner: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”, hay theo Microsoft thì “CĐS là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới”. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) định nghĩa: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”.

chuyen-doi-so-3.png

CĐS trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo sát sao với những mục tiêu xác định, chuyển đổi số với trọng tâm là thực hiện cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển, đưa đất nước tận dụng thời cơ nhằm khắc phục những khó khăn, trở ngại và các điểm nghẽn của thể chể. Trong thực tiễn, CĐS quốc gia được khẳng định là chìa khóa, là đòn bẩy và là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển đất nước, thúc đẩy sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết quan trọng về CĐS đã khẳng định: “CĐS không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.

Chính vì thế, có thể hiểu CĐS là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo... để thay đổi phương thức điều hành, quản lý và lãnh đạo cũng như quy trình hoạt động của bất cứ ngành, lĩnh vực nào.

Thông qua CĐS, người dân có thể tiếp cận dễ dàng tới các tiện ích, dịch vụ công, đồng thời CĐS cũng làm cho cơ quan nhà nước phải thay đổi để nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, giảm thời gian xử lý, tiết kiệm tiền bạc của nhà nước cũng như chi phí của người dân trong thực hiện các dịch vụ công (DVC).

Sớm nhận diện được thời cơ và thách thức do cuộc Cách mạng lần thứ tư đem lại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch như Nghị quyết số 50/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020, ban hành Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định CĐS là “chìa khóa” để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2020, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và mới đây là Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tất cả là nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội, giảm thiểu rủi ro mà cuộc CMCN lần thứ tư đem lại phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Chuyển đổi số hướng tới người dân ở Việt Nam hiện nay

Ở nước ta, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chiến lược nhằm thúc đẩy hoạt động CĐS trong khu vực chính phủ. Theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng chính phủ về Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nước ta đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Trong đó, trọng tâm hướng đến là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

CĐS trong khu vực công tập trung vào các dịch vụ của cơ quan nhà nước (CQNN) nhằm phát triển hạ tầng số và dịch vụ số một cách tập trung, thống nhất, thông suốt, đồng thời tạo lập các dữ liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để phục vụ hoạt động điều hành, ra quyết định, hoạch định chính sách, tăng cường trách nhiệm giải trình; tăng cường tính công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế; cung cấp DVC toàn diện đến mọi người dân, hướng tới các DVC phi giấy tờ, không tiếp xúc trên cơ sở phát triển và hoàn thiện chính phủ số.

Trong các năm qua, Việt Nam đã thực hiện các chương trình, chiến lược quốc gia về CĐS, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số một cách toàn diện. Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về phát triển dịch vụ số đều theo các năm, từ năm 2020 đến năm 2024, chỉ số CĐS (DTI) của Việt Nam tăng khoảng 48%, từ 0,48 lên 0,71; năm 2023 và 2024, dự đoán chỉ số tiếp tục tăng, đạt khoảng 0,75 và chúng ta đang nỗ lực đưa chỉ số này lên mức 0,8 và duy trì liên tục nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số năm 2030.

Các năm 2023 - 2024, các bộ, ngành đã cắt, giảm, đơn giản hóa 2.500 quy định kinh doanh, thời gian kết nối, chia sẻ về dữ liệu dân cư thuận lợi hơn, thời gian mỗi lượt xác thực giảm xuống dưới 10 giây, thời gian để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DN từ 16 ngày xuống không quá 6 ngày.

Năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự điều phối, thúc đẩy của các cơ quan chính phủ, CĐS quốc gia đã có những kết quả vượt bậc [1]. Chính phủ cũng đã đặt trọng tâm cho phát triển kinh tê số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT); số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số để tạo động lực cho tăng trường và phát triển xã hội nhanh, bền vững.

Về thể chế, đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn, tạo không gian và động lực cho sự phát triển [2]. Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 3, Ủy ban quốc gia về CĐS đã chỉ rõ: “CĐS là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững. CĐS là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chính vì thế, từ Trung ương đến địa phương đã tập trung xây dựng thể chế, ban hành chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy CĐS quốc gia.

Về các dịch vụ số cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư được triển khai thần tốc đảm bảo liên thông, kết nối dữ liệu cho 18 bộ, 63 địa phương, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, hơn 537 triệu lượt đồng bộ thông tin (tính đến tháng 9/2024). Gần 3.000 danh mục CSDL dùng chung của các bộ, ngành, địa phương đã được ban hành. Đặc biệt, khối CQNN tích cực triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia với mức chia sẻ hơn 81 triệu giao dịch mỗi tháng trong năm 2024.

Đồng thời, ứng dụng định danh điện tử VNeID được triển khai đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân lẫn công tác quản lý nhà nước (QLNN). Hiện đã có hơn 20 triệu lượt sử dụng căn cước điện tử, 8 triệu tài khoản đăng nhập cổng DVC trực tuyến (DVCTT) và hơn 14 triệu thông tin công dân tích hợp vào sổ sức khỏe điện tử.

Tỷ lệ hồ sơ năm 2024, Chính phủ đã giao 5.117 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương với hệ thống cung cấp API kết nối với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 03 bộ và 19 địa phương. Hệ thống họp và xử lý công việc đã phục vụ 23 phiên họp, xử lý 657 phiếu lấy ý kiến thành viên chính phủ, thay thế hơn 250.600 hồ sơ giấy. Tổng cộng, hệ thống đã phục vụ 111 hội nghị, xử lý 2.662 phiếu và thay thế khoảng 953.700 hồ sơ giấy.

Đến nay, cả nước có hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp; 87,08% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; hơn 13 triệu chữ ký số (CKS) đã được cấp, đạt tỷ lệ 25% tổng số người trưởng thành có CKS. 100% người dân sử dụng VNeID để đăng nhập DVCTT với hơn 93,7 triệu lượt truy cập vào cuối tháng 11/2024. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 45%, tăng 28% so với 2023, trong đó khối bộ đạt 62,48%.

chuyen-doi-so-1.png

Cổng DVC quốc gia đã cung cấp 4.475 DVCTT, chiếm 70,8% tổng số thủ tục hành chính và đồng bộ hơn 382 triệu hồ sơ trạng thái xử lý, tăng 82,5 triệu so với năm 2023. Bộ TT&TT đã công bố hơn 150 nền tảng số để tối ưu hóa đầu tư và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cung cấp dịch vụ. Dịch vụ viễn thông 5G đã được các DN viễn thông cung cấp đến 63 địa phương. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G toàn quốc đạt 25,5%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G khu vực thủ phủ tỉnh đạt 93,34%; tăng thêm 1 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

Những kết quả đạt được nêu trên đã tạo những tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy CĐS một cách toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại để CĐS đi vào thực chất như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm:

“(i) Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân.

(ii) Công tác cải cách hành chính, CĐS, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp, dễ nảy sinh tham nhũng vặt, cản trở phát triển. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và CSDL quốc gia chưa thông suốt; nhiều DVCTT chất lượng thấp, tỷ lệ người sử dụng chưa cao; việc tổ chức vận hành bộ phận “một cửa” các cấp ở nhiều nơi chưa hiệu quả” [3].

Những hạn chế này làm ảnh hướng tới tính hiệu năng, hiệu quả của nhiều cơ quan, tổ chức đồng thời gây cản trờ, phiền hà, mất thời gian, công sức của người dân và DN, cản trở sự phát triển của quốc gia. Chính phủ số phải thực sự hướng tới các dịch vụ phục vụ tốt nhất người dân, trên cơ sở các nội dung sau:

Một là, các dịch vụ số của Chính phủ, Nhà nước phải hướng tới nhu cầu thực tế của người dân; tạo môi trường thông thoáng, hạn chế các điểm nghẽn trong thủ tục hành chính (TTHC); CĐS phải hướng tới thực hiện hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý các cấp; giảm thiểu xử lý thủ công, tiết kiệm thời gian, nguồn lực và giảm bớt các khâu trung gian cũng như tối ưu hóa nhân lực trong khu vực công.

Hai là, CĐS trong khu vực công phải đảm bảo tăng cường tính công khai, minh bạch; đảm bảo an toàn an ninh quốc gia; đảm bảo quyền riêng tư; an toàn an ninh mạng; đảm bảo chủ quyền quốc gia; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Ba là, trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, hướng tới hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, chuyển đổi số trong khu vực chính phủ là điều kiện tiên quyết để cải cách thể chế, kiến tạo một quốc gia số an toàn, an ninh, phát triển bền vững.

Bốn là, việc xây dựng chính phủ số sẽ tái cơ cấu và tổ chức lại bộ máy các ngành, các cấp một cách gọn nhẹ, hiệu quả và thay đổi các giá trị cốt lõi của hệ thống phục vụ người dân. Bộ máy chính quyền sẽ dựa trên dữ liệu thay cho tài liệu và các quyết định, quyết sách sẽ được kiểm tra, kiểm chứng và mô hình hóa dựa trên kinh nghiệm của các hoạt động trước đây để hướng tới khách quan, minh bạch, kịp thời và đúng lúc.

Năm là, các hoạt động kiểm tra, giám sát để người dân thực sự là chủ thể, là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. CĐS sẽ thúc đẩy các hoạt động cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thông qua tái cơ cấu, tổ chức lại các đơn vị hành chính theo hướng không chồng chéo, không “dẫm chân lên nhau” trong các hoạt động. Các hoạt động CĐS cũng thúc đẩy phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

chuyen-doi-so-2.png

Một số giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy CĐS hướng tới phục vụ người dân trong kỷ nguyên mới

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, quá trình CĐS đã và đang mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước (QLNN), thay đổi cơ bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội. Để CĐS thực sự đi vào thực chất, vì sự phát triển của đất nước, mỗi người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, DN và người dân cần phải nhận thức đầy đủ, đồng sức, đồng lòng, đồng chí, quyết tâm, có trách nhiệm trong từng hoạt động cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về CĐS, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ CMCN lần thứ tư. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... đảm bảo khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, DN.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng , CĐS toàn diện, mọi mặt trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức để “dọc ngang thông suốt” với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; xây dựng quốc gia số trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo... để hỗ trợ người dân, xác lập hệ giá trị quốc gia trên môi trường số một cách an toàn, bền vững.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thông minh nhân tạo dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại để phục vụ người dân và “hiểu”, “lắng nghe” người dân, đồng thời đánh giá các hiệu quả đạt được của các cấp, các ngành, các lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Thứ ba, đẩy mạnh CĐS gắn với bảo đảm an ninh, an toàn, bảo đảm quyền riêng tư cá nhân và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Kết nối đồng bộ các CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, DN, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách TTHC thực chất. Phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số theo định hướng, với chủ thể thụ hưởng là người dân, lấy nhu cầu của người dân làm tiêu chí để phát triển các hệ thống số, đồng thời thúc đẩy cải cách hành chính, hướng tới một quốc gia số hiệu quả trên không gian mạng.

Thứ tư, xây dựng mạng lưới hệ sinh thái số quốc gia để người dân có thể kết nối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị một cách dễ dàng, đồng thời cũng kết nối với nhau một cách an toàn.

Hệ sinh thái số quốc gia dựa trên hạ tầng số tin cậy, an toàn, dựa trên dịch vụ số hiệu lực, hiệu quả sẽ giúp người dân có thể chia sẻ, sử dụng, kết nối và tham gia vào quá trình quản trị quốc gia. Đồng thời, chính quyền cũng có thể lắng nghe, chia sẻ, học hỏi từ các tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến của người dân trong quản trị xã hội, quản trị quốc gia.

Thứ năm, thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm, bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở ưu tiên phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, phát triển ứng dụng công nghệ mới để xây dựng nhà nước số kiến tạo, với người dân là trọng tâm, là chủ thể được ưu tiên phục vụ.

Thứ sáu, nâng cao nhận thức của người dân về CĐS, đồng thời lôi kéo, thu hút, thúc đẩy sự tham gia của toàn thể nhân dân, xã hội trong các hoạt động CĐS, hướng tới xây dựng nền hành chính số hiệu quả, chuyên nghiệp.

Thứ bảy, thưc hiện các chính sách ưu tiên, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện công tác chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị đủ năng lực, phẩm chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là hoạt động CĐS tại các cơ quan, tổ chức này.

1. Kết quả Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, https://tcnn.vn/news/detail/67519/Ket-qua-Chuyen-doi-so-quoc-gia-nam-2024.html

2. Luật Dữ liệu số 60/2024/QH15; Nghị định số 82/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025 (Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024). Nghị định số 119/2024/NĐ-CP; Nghị định số 137/2024/NĐ-CP; Nghị định số 138/2024/NĐ-CP; Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 09/10/2024 phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1069/QĐ-TTg ngày 02/10/2024 phê duyệt Đề án “Tăng cường CĐS lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030” Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 Mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng’ Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 Ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, https://special.nhandan.vn/
Chuyen_doi_so_luc_luong_san_xuat_quan_he_san_xuat/index.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2 tháng 1+2 năm 2025)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số hướng tới phục vụ người dân trong kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO