Chuyển đổi số phụ thuộc vào người đứng đầu Chính phủ

Thái Khang| 21/10/2021 10:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Lãnh đạo các nước đã nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào người đứng đầu Chính phủ.

Chuyển đổi số phụ thuộc vào người đứng đầu Chính phủ - Ảnh 1.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Bộ trưởng ITU. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Hội nghị Bộ trưởng trong khuôn khổ ITU Digital World 2021 đã thảo luận nhiều vấn đề, đặc biệt nhấn mạnh đến quá trình chuyển đổi số ở các quốc gia và vai trò của Chính phủ.

Thực tế, quá trình chuyển đổi số đã được các quốc gia bắt tay thực hiện từ trước, nhưng dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình khi mọi lĩnh vực đều được đưa lên môi trường số. Dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại, nhưng đó cũng là "sức ép" buộc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Quốc gia nào tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường, đều đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác trước khủng hoảng của dịch Covid-19. Ngược lại, sự chậm trễ khiến các quốc gia dễ bị tổn thương, thậm chí đánh mất cơ hội phát triển.

Tại Hội nghị Bộ trưởng, nhiều lãnh đạo các nước đã chia sẻ cách thức mà quốc gia mình vượt qua đại dịch Covid và tận dụng cơ hội này để thúc đẩy chuyển đổi số. Moldova, Iran, Ba Lan… thúc đẩy phát triển các dịch vụ công trực tuyến để tạo sự minh bạch cho cho hoạt động của Chính phủ, cho phép Chính phủ làm việc hiệu quả hơn. Điều này giúp đẩy nhanh tốc độ giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho người dân.

Đặc biệt, lãnh đạo các nước đã nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào người đứng đầu Chính phủ. Câu chuyện truyền cảm hứng của đất nước Estonia nhỏ bé tiếp tục được kể lại. Quốc gia này đã gặt hái được những quả ngọt chuyển đổi số từ quyết định mạnh mẽ của nhà lãnh đạo. Estonia là một minh chứng hùng hồn về chuyển đổi số là cách một đất nước đi sau đuổi kịp các nước phát triển.

Giống như trường hợp của tất cả các nước đang phát triển, Estonia phải đối mặt với một nghịch lý của Zeno về chàng A-sin nhanh chân phải đuổi kịp con Rùa chậm chạp đã xuất phát trước. Từ năm 1998 – 1999, tất cả trường học tại Estonia đều có phòng máy tính, mở sau giờ học để khuyến khích mọi người đến, sử dụng. Đó là bước đi lớn đầu tiên trong quá trình số hóa Estonia. Trong một xã hội số hóa, tất cả các bước tuần tự đó đều được thực hiện đồng thời. Ví dụ việc sinh con được bệnh viện đăng ký theo phương thức số, tất cả những gì cha mẹ phải làm là nói cho bệnh viện biết tên đứa con của mình. Từ đó, chính quyền sẽ cấp giấy khai sinh, đăng ký nơi cư trú của đứa trẻ, cung cấp bác sĩ, tất cả các dịch vụ xã hội và y tế liên quan sẽ được bắt đầu một cách tự động và cha mẹ cần cho biết người mẹ hay người cha của đứa trẻ sẽ nghỉ phép.

"Đây có lẽ cũng là bài học quan trọng nhất cho các chính phủ và các nhà lãnh đạo của các chính phủ đó vì nó sẽ thay đổi quản trị vĩnh viễn. Hai thập kỷ sau đề xuất của tôi về việc số hóa trường học, bản thân phe đối lập một thời từng chỉ trích tôi đã lên nắm quyền và giờ đây đi khắp thế giới tuyên bố Estonia là “Cộng hòa Số đầu tiên trên thế giới”. Số hóa quản trị không chỉ là “đưa chính phủ lên trực tuyến”. Nó cũng không đơn thuần là biến hồ sơ giấy thành các tệp PDF. Số hóa chính phủ có nghĩa là tư duy lại phương thức vận hành của quản trị…”, Tổng thống Estonia ông Toomas Hendrik Ilves nói.

Một câu hỏi đặt ra là trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra toàn cầu, Việt Nam ở đâu trong tiến trình đó? Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội trăm năm có một để chuyển đổi số quốc gia?

Năm ngoái, Việt Nam đã đưa ra chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Với bản chiến lược này, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đưa ra chiến lược chuyển đổi số. Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chiến lược quốc gia về Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số.

Chia sẻ tại Hội nghị Bộ trưởng của ITU, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chuyển đổi số là một sự thay đổi lớn. Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà là chuyển đổi tư duy. Đối với một công ty, thành công của chuyển đổi số phụ thuộc chủ yếu vào CEO, chứ không phải CIO. Đối với một quốc gia, thành công của chuyển đổi số phụ thuộc chủ yếu vào Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải Bộ trưởng CNTT-TT. Và đây là sự khác biệt rất quan trọng giữa ứng dụng CNTT và chuyển đổi số”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu tại lễ khai mạc ITU Digital World 2021 cũng đã nói rằng: Công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào; và cũng không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số của nhân loại. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một trong quá trình thay đổi sâu, rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, trong mọi tổ chức, sự thành công của chuyển đổi số đều phụ thuộc vào nhà lãnh đạo cao nhất. Nhà lãnh đạo cao nhất là người duy nhất có quyền và khả năng thay đổi mô hình, cách vận hành của tổ chức. Họ được yêu cầu đưa ra nhiều quyết định khó khăn khi tái cấu trúc, thậm chí trong việc phân bổ lại các nguồn lực, bao gồm cả nguồn nhân lực. Nói như Thủ tướng, “Chính phủ các nước cần định hướng, dẫn dắt quá trình này để chuyển đổi số có hiệu quả; phải huy động cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội”.

Digital World mở ra không gian mới cho ITU

Sự kiện ITU Digital World 2021 với chủ đề “Chung tay xây dựng Thế giới số” do Bộ TT&TT phối hợp với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã được tổ chức từ ngày 12 - 14/10 theo hình thức trực tuyến.

Các phiên hội nghị có sự tham gia của 2.400 đại biểu đến từ 160 quốc gia, 90 diễn giả từ các viện nghiên cứu và tập đoàn công nghệ lớn.

Tiền thân của Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021 là Triển lãm Viễn thông Thế giới (ITU Telecom World) được ITU tổ chức lần đầu năm 1971. Sự kiện được đổi tên thành Triển lãm Thế giới Số (ITU Digital World) từ năm 2020 theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại các hội nghị trước đây, chưa bao giờ xuất hiện cụm từ “chuyển đổi số” mà chủ yếu đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như: 5G, băng rộng, Internet. Việc đổi tên thành Digital World mang hàm nghĩa mở ra không gian mới khi có sự hội tụ giữa CNTT với viễn thông và công nghệ số khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số mạnh mẽ.

Đổi tên từ “Telecom World” (Thế giới Viễn thông) thành “Digital World” (Thế giới số) là sự thay đổi mang tính cách mạng của ITU. Sự tích hợp của công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, IoT và AI đã tạo ra một cuộc cách mạng với tên gọi "Chuyển đổi số".

Trên thế giới, công nghệ số tạo ra thay đổi căn bản. Vì những tác động đó rất mạnh mẽ và cả thế giới đang mong chờ ITU có sự tham gia định hướng mạnh mẽ hơn các vấn đề ngoài công nghệ. Rõ ràng, với ITU Digital World, sứ mạng của ITU cũng đã thay đổi rất lớn khi công nghệ số đang đi vào từng ngõ ngách cuộc sống./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số phụ thuộc vào người đứng đầu Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO