Chuyển đổi số thành công không thể thiếu “niềm tin số”
Muốn triển khai hiệu quả chiến lược số hóa quốc gia cần triển khai theo hướng tiếp cận từ trên xuống dưới và phải phù hợp với thực tế, đảm bảo có tầm nhìn rộng trong tương lai.
Đó là quan điểm của ông Li Hai, Giám đốc An ninh Bảo mật, Quan hệ Chính phủ và Truyền thông của Huawei toàn cầu tại sự kiện Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2024 (Vietnam Cyber Security Day 2024) diễn ra sáng nay 21/11.
Xây dựng nền kinh tế số dựa trên 6 trụ cột
Chia sẻ về các sáng kiến thúc đẩy niềm tin số và an ninh mạng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam và ASEAN hiện nay, ông Li Hai cho rằng, những thành quả tích cực đạt được của Việt Nam trong việc thực hiện, triển khai nhiệm vụ CĐS chính là cơ sở thực tế để Việt Nam vững bước trên hành trình phát triển, hiện đại, bền vững.
Đáng mừng trong kết quả tích cực này phải kể đến chính là Việt Nam hiện đang đứng đầu nhóm, quốc gia đã ban hành các Khung Chính sách và Quy định cùng Chỉ số CĐS Toàn cầu mới (GDI). Đồng thời, với đà sức mạnh và những quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, Việt Nam sẽ sớm bước sang giai đoạn chủ động “tiếp nhận” để vận hành bộ máy quản lý nhà nước, chính quyền số, chính quyề điện tử… ổn định, tiềm năng trong xu thế phát triển số mạnh mẽ.
Cũng để nối tiếp, tạo ra nhiều kết quả hơn nữa, Việt Nam có thể tham khảo áp dụng các mô hình, sáng kiến hay, bao gồm GDI và mô hình Digital TRUST. “Khi làm tốt điều này, niềm tin hứa hẹn sẽ chắc chắn mang đến nhiều kinh nghiệm và ứng dụng, góp phần thúc đẩy lộ trình CĐS nhảy vọt, thịnh vượng và bền vững cho quốc gia”, ông Li Hai bày tỏ niềm tin.
Cũng theo ông ông Li Hai, Việt Nam muốn tăng tốc khai phóng, đạt mục tiêu thành công xây dựng nền kinh tế số cần dựa trên tiến trình 6 trụ cột như:
Governance (Quản lý công) giúp hoàn thiện luật pháp và chính sách, tổ chức và mục tiêu, mô hình vận hành và ngân sách;
Digital Culture (Văn hóa số) giúp phát triển hòa nhập, khuyến khích học tập suốt đời, đào tạo và bồi dưỡng nguồn lực nhà khoa học dữ liệu;
Digital Infrastructure (Cơ sở hạ tầng Số) giúp xây dựng mạng, đám mây, nền tảng, chiến lược dữ liệu và trung tâm chia sẻ, an ninh mạng và chủ quyền số;
Digital Services (Dịch vụ Số) giúp phát triển các dịch vụ lấy con người làm trung tâm, cá nhân hóa, kỹ thuật số và thông minh hơn;
Digital Ecosystem (Hệ sinh thái Số) giúp kết nối với các nhà phát triển địa phương, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, cùng nhau đổi mới và cung cấp mọi thứ như một dịch vụ;
Sustainability (Tính bền vững) giúp tối ưu lợi nhuận đầu tư, dịch vụ mới, vận hành và bảo trì hiệu quả, hướng đến lộ trình cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 (Net Zero).
Cần tạo ra niềm tin số
Ở quan điểm chung nói về sự phát triển thực hiện nhiệm vụ CĐS, ông Li Hai cho rằng, chúng ta luôn cần tạo ra giá trị Niềm tin Số (Digital Trust). Đặc biệt cần coi Digital Trust không chỉ là một giá trị đơn lẻ, mà đây là một hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Và cũng để đạt được mục tiêu, hiệu quả trong Digital Trust, Việt Nam và ASEAN cần tập trugn xây dựng nền tảng số đáng tin cậy dựa trên dữ liệu - trí tuệ nhân tạo - năng lượng xanh (Data+AI+Green) và mở khóa tương lai thịnh vượng số cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, ông Li Hai còn cho rằng, cần thúc đẩy, sử dụng các công nghệ ICT mới như 5,5G và AIGC (Ứng dụng AI tạo sinh), vì đây là các công cụ số giúp thúc đẩy mạnh mẽ năng suất và hiệu quả cho các ngành công nghiệp.
Đặc biệt, để bảo vệ thành quả thịnh vượng số này, chính phủ các nước hay mọi ngành nghề, hiệp hội, đối tác và tổ chức cần chung tay xây dựng mô hình Digital TRUST nhằm giải quyết các thách thức phức tạp của GenAI (AI Tạo sinh).
Nói cụ thể hơn về mô hình Digital TRUST, ông Li Hai nhấn mạnh đến 5 yếu tố cốt lõi, giúp cung cấp lộ trình phát triển hiệu quả và hoàn chỉnh hướng đến một tương lai CĐS thịnh vượng, toàn diện và bền vững bao gồm:
Công nghệ và nhân tài (Technology và Talent) bao gồm các công nghệ ICT mới như chuỗi khối (blockchain), quyền riêng tư tăng cường, trí tuệ nhân tạo (AI),… đang góp phần định hình nên một tương lai kỹ thuật số đáng tin cậy. Khởi nguồn của an ninh mạng chính là công nghệ;
Chia sẻ trách nhiệm (shared Responsibilities) gồm các công nghệ ICT mới phát triển nhanh chóng, song cũng cực kỳ phức tạp với nhiều mối đe dọa ngày càng tăng.
Hệ sinh thái chỉ có thể phát triển lành mạnh nếu các vai trò và trách nhiệm được phân định rõ ràng, trên các cấp độ quản lý an ninh mạng: quốc gia, doanh nghiệp (DN), cá nhân, nền tảng hạ tầng và dữ liệu;
Hợp tác đa phương thống nhất (Unified Multi-Stakeholders' Collaboration) gồm việc tăng cường hợp tác giữa chính phủ và DN là yếu tố quan trọng trong việc phát triển giải pháp toàn cầu, chuyển đổi các ngành công nghiệp và quốc gia trở nên số hóa và thông minh hơn;
Chuẩn hóa quốc tế (International Common Standardization) gồm các tiêu chuẩn chung cho cả công nghệ ICT và an ninh mạng được chấp thuận toàn cầu là cần thiết để tạo ra môi trường công bằng và nhất quán, nơi tất cả các bên có thể cùng nhau ứng phó với thách thức.
Chính phủ cần đi đầu trong việc thiết lập khung quản trị an ninh dữ liệu quốc gia theo các tiêu chuẩn chung quốc tế, phù hợp với tình hình trong nước.
Thương mại số công bằng (Fair Digital Trade) gồm thương mại số không chỉ bao gồm hàng hóa, mà còn cả các dịch vụ tài chính, viễn thông, điện toán, giải trí… đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu.
Các Hiệp định kinh tế số (DEAs) giữa đa quốc gia và khu vực cần cập nhật những Tiêu chuẩn Thương mại số nhằm cải thiện hiệu quả, khả năng tương tác và độ tin cậy của dòng chảy thương mại số xuyên biên giới.
Bên cạnh những nội dung nêu trên, ông Li Hai còn đưa ra các ví dụ, góc nhìn phân tích khác mà CĐS cần áp dụng. Nhưng tự chung, quan điểm của ông Li Hai chính là mong muốn được đồng hành cùng các nước thành viên ASEAN để triển khai hiệu quả chiến lược số hóa quốc gia cần triển khai theo hướng tiếp cận từ trên xuống phù hợp với thực tế và có tầm nhìn rộng, xa, phát triển trong tương lai./.