Chuyển đổi số trở thành “chìa khoá vàng” giúp kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng phát triển nhanh, toàn diện
Xác định chuyển đổi số chính là “chìa khoá vàng” giúp phát triển kinh tế - xã hội nhanh và toàn diện, thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để làm tốt công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ.
Cả hệ thống chính quyền vào cuộc
Những năm qua, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên cả 3 trụ cột gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Cao Bằng đã và đang tạo ra được những bước chuyển mình mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và toàn diện.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền, việc đẩy mạnh triển khai các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được đầu tư xây dựng. Dữ liệu số đang từng bước được xây dựng, phát triển nhằm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Các hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể dần được chuyển dịch lên trên môi trường điện tử, chữ ký số chuyên dùng đã được cấp và sử dụng hiệu quả.
Trong năm 2024, với trụ cột chính quyền số, các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh Cao Bằng tiếp tục được duy trì triển khai sử dụng hiệu quả, hoạt động ổn định. Đó là hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai kết nối liên thông 4 cấp, kết nối thông suốt với trục liên thông văn bản quốc gia.
Hiện toàn tỉnh có 1.780 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền, trong đó, cấp tỉnh 1.339 TTHC, cấp huyện 271 TTHC, cấp xã 170 TTHC; đã giải quyết 143.778 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 98%. Cung cấp 1.769 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 74,34%; dịch vụ công trực tuyến có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 50,82%; hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 48,79%; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 82,55%.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực, chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế trong CCHC; quan tâm đến công tác kiểm soát TTHC, đầu tư trang thiết bị, bố trí nhân sự bảo đảm tổ chức hoạt động của bộ phận một cửa các cấp.
Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: "Đối với tỉnh Cao Bằng, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị, bằng sự đổi mới, sáng tạo, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó xã hội số bao gồm: Công dân số, kết nối số và văn hóa số. Bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Chính quyền số ngày càng hoàn thiện, phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Còn kinh tế số có sự chuyển dịch, phát triển".
Hiện nay các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thành lập và kiện toàn hơn 1.460 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 6.680 thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng góp phần quan trọng đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng đầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh Cao Bằng không ngừng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh việc phổ cập Internet, mạng di động hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin.
Hiện toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 1.320 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động đạt 100%; số thuê bao điện thoại toàn mạng đạt hơn 614.500 (trong đó có khoảng 603.000 thuê bao di động); hơn 80.380 thuê bao Internet với trên 52.150 thuê bao truyền hình qua giao thức Internet; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng đạt khoảng 50%.
Có thể nói, việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện CĐS đã giúp tỉnh Cao Bằng thay đổi phương thức quản lý công dân, tạo điều kiện thuận lợi triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền, mang lại cuộc sống tiện ích cho Nhân dân.