Sự kiện là sự tiếp nối tích cực, không ngừng nghỉ của ngành y tế trong việc CĐS hướng đến mục tiêu mang đến cho người dân, cộng đồng những giá trị thụ hưởng, được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, trên các nền tảng, giải pháp công nghệ số tối ưu, hiện đại.
Trong khuôn khổ Hội nghị, tại phiên họp chuyên đề 3 với chủ đề "CĐS trong quản trị y tế", nhiều đại biểu đã đóng góp các bài thảo luận sâu sắc, trong đó nổi bật với các nội dung: Cần thiết phải CĐS y tế trên các giải pháp hệ sinh thái Health Tech Việt Nam; giải pháp hạ tầng số trong bệnh viện; xây dựng trung tâm quản lý điều hành y tế thông minh…
CĐS đang diễn ra không ngừng nghỉ
Trong tham luận "CĐS trong y tế và phát triển hệ sinh thái Health Tech Việt Nam", ông Nguyên Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT cho rằng, CĐS không chỉ là vấn đề công nghệ mà cái chính phải là chuyển đổi nhận thức, thói quen và quy trình làm việc để thay đổi để giúp con người tốt đẹp hơn.
"CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức, theo đó trước tiên cần sự thay đổi của lãnh đạo, người đứng đầu, nếu không làm được điều này sẽ không ai làm được và có thể làm", ông Đường nhấn mạnh.
"Như vậy, CĐS muốn làm tốt, hiệu quả, người đứng đầu phải luôn phải xác định rõ ràng mục tiêu đúng, kiên định với mục tiêu đó", ông Đường nhận định.
Cũng theo ông Đường, dù đang cố gắng hay không cố gắng, CĐS vẫn cứ đang tiếp tục, diễn ra không ngừng nghỉ, và điều chắc chắn luôn đúng nếu chúng ta luôn nỗ lực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, chúng ta sẽ không bị tụt hậu, không bị động, và bị công nghệ mới, tiên tiến số dẫn dắt.
Để CĐS ngành y tế phát triển hiệu quả chăm sóc sức khỏe người bệnh, nhân dân tốt hơn nữa, Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Đường đề xuất: Cần cần xây dựng bệnh viện số; môi trường số y tế; bác sĩ, nhân viên y tế số; quản trị số thông minh.
Trong đó, đối với việc xây dựng bệnh viện số, nơi các nhân viên y tế có thể tiếp xúc mọi hồ sơ thông tin bệnh nhân thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Đồng thời, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như: giảm tối thiểu thời gian nằm viện, tăng tối đa thời gian chăm sóc bệnh nhân vì bỏ được nhiều giấy tờ.
Môi trường số y tế số cần phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên nền tảng công nghệ số, thay đổi cán cân quyền lực, cho bệnh nhân nhiều sự chủ động hơn với quá trình khám chữa bệnh của mình.
Đối với các nhân viên, bác sỹ y tế số luôn cần phải chủ động triển khai các dịch vụ y tế số mới cộng đồng. Cần tham khảo, chia sẻ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và hỗ trợ hội chẩn từ xa để đưa ra quyết định dựa trên thông tin, dữ liệu…
"Cuối cùng ngành y tế muốn CĐS hiệu quả cần vận hành nền quản trị số thông minh, vì điều này không chỉ hỗ trợ người dân tìm kiếm các cơ sở y tế phù hợp, thuận lợi, dễ dàng, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp…", Phó Cục trưởng Đường đề xuất.
CĐS y tế cần sử dụng dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI)
Đồng tình với quan điểm của Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa về sự cần thiết phải CĐS trong ngành Y tế, trong tham luận với chủ đề "Chuyển đổi số y tế - Cơ hội và thách thức", GS. Hồ Tú Bả, Viện nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, CĐS y tế là chuyển đổi các hoạt động của ngành Y lên môi trường số dựa trên việc sử dụng các công nghệ số.
"Để thực hiện tốt mục tiêu CĐS y tế, ngành Y cần chuyển đổi bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời, chuyển đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh cho người dân, cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành Y cũng cần chuyển đổi quản trị y tế lên môi trường số", GS. Bảo nhấn mạnh.
Cũng theo GS Bảo, ngành Y tế cần CĐS y tế trong việc thay đổi cách khám, chữa bệnh và quản lý ngành y trên môi công nghệ số, sử dụng dữ liệu Al là cốt lõi. Hãy nghĩ về cơ hội số ngành y tế với tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh những bài tham luận trình bày của các đại biểu, tại phiên thảo luận còn diễn ra phần hỏi - đáp giữa các chuyên gia với các đại biểu, khách mời.
Với câu hỏi của Bác sĩ Lâm Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, hiện nay các đơn vị y tế các địa phương (tuyến y tế cấp cơ sở) hiện đang xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) riêng lẻ, tính hiệu quả không cao, nên chăng cần xây dựng CSDL y tế tập trung (hệ thống y tế cấp tỉnh)? Việc xây dựng, vận hành hạ tầng CSDL y tế cấp tỉnh nên thuê hay nên mua?
Trả lời câu hỏi này, Phó Cục trưởng Đường cho rằng việc xây dựng CSDL y tế tập trung là cần thiết vì quốc gia đang sử dụng việc chia sẻ dữ liệu tập trung. Tuy nhiên, việc xây dựng CSDL điều quan trọng, cần nhất là phải được chia sẻ đồng bộ trong hệ thống toàn ngành.
Đối với việc thuê hay mua hạ tầng CSDL, theo Phó cục trưởng Đường, chủ trương Chính phủ khuyến khích thuê, vì thuê giúp giảm bớt nhân sự, cán bộ CNTT, bớt những rủi ro từ hệ thống…
"Trong trường hợp nếu mua, không thuê, liệu y tế cơ sở có đảm bảo việc tự vận hành được hệ thống hay không? có gặp những khó khăn về kinh phí", ông Nguyễn TrọngĐường nêu quan điểm.