Chuyên gia huyết học giải đáp: Truyền máu có lây nhiễm Covid-19?

PV| 13/03/2020 14:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Chưa có bất kỳ trường hợp nào lây nhiễm cúm, MERS, SARS hoặc SARS-CoV-2 qua đường truyền máu trong vòng 2 thập kỷ qua.

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp được tôn vinh trong xã hội ngày nay. Nhưng thời gian gần đây, có một số thông tin lan truyền việc hiến máu có thể làm lây truyền virus corona thông qua đường máu. Đây hoàn toàn là thông tin vô căn cứ và chưa có bằng chứng nào đề cập tới vấn đề này.

Mới đây, trang Lá chắn Virus Corona đã làm rõ vấn đề này thông qua những chia sẻ sau.

Chưa có bằng chứng vi rút corona có khả năng lây truyền qua đường máu.

Các tài liệu hiện có liên quan đến dịch bệnh do vi rút corona gây ra như SARS, MERS hay COVID-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các vi rút đường hô hấp này có khả năng lây truyền qua đường máu

Ngoài chủng vi rút corona mới hiện nay là SARS-CoV-2, đã có 6 chủng vi rút corona khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

Trong đó, có một số chủng vi rút corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp như SARS-CoV (gây bệnh SARS), MERS-CoV (gây bệnh MERS) và virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19).

Các tài liệu hiện có liên quan đến dịch bệnh do vi rút corona gây ra như SARS, MERS hay COVID-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các vi rút này có khả năng lây truyền qua đường máu.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2003 chỉ ra rằng không có trường hợp nào lây nhiễm vi rút SARS-CoV do truyền các chế phẩm máu trong đại dịch SARS diễn ra năm 2002 – 2003 ở nhiều quốc gia.

Ngày 1/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy dù đã tìm thấy các đoạn RNA của vi rút SARS-CoV-2 trong máu của các bệnh nhân có triệu chứng mắc COVID-19 nhưng không có nghĩa là có nguy cơ lây nhiễm.

Chưa có bằng chứng vi rút corona có khả năng lây truyền qua đường máu.

Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định các vi rút lây truyền qua đường hô hấp chưa được ghi nhận có khả năng lây truyền qua đường máu.

Bên cạnh các biện pháp sàng lọc thường quy khi khám tuyển người hiến máu để hạn chế các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp hoặc sốt, các trung tâm truyền máu có thể trì hoãn hiến máu đối với những trường hợp được chẩn đoán nhiễm COVID-19 hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19; trì hoãn với những người có tiền sử đi tới vùng dịch COVID-19 tối thiểu 14 ngày kể từ thời điểm rời khỏi vùng dịch.

Chưa có bất kỳ trường hợp nào lây nhiễm cúm, MERS, SARS hoặc SARS-CoV-2 qua đường truyền máu trong vòng 2 thập kỷ qua

Trước đó, vào tháng 1/2020, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) và Hiệp hội các ngân hàng máu Hoa Kỳ (AABB) chỉ khuyến cáo trì hoãn hiến máu 21 ngày đối với những người trở về từ vùng dịch và những người khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 kể từ thời điểm không còn nhiễm vi rút này. Khuyến cáo này cũng tương tự như ECDC và AABB đã áp dụng cho dịch SARS và MERS trước đây.

AABB, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hiện không đưa ra khuyến cáo là cần phải làm xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 giống như chúng ta phải sàng lọc những vi rút khác.

Chưa có bất kỳ trường hợp nào lây nhiễm các loại vi rút đường hô hấp bao gồm cúm, MERS, SARS hoặc SARS-CoV2 qua đường truyền máu trong vòng 2 thập kỷ qua. Mặc dù vậy, một số cơ sở truyền máu ở Hoa Kỳ cũng đã áp dụng trì hoãn 28 ngày với những người có tiền sử đi tới vùng dịch COVID-19 kể từ thời điểm rời khỏi vùng dịch.

Kêu gọi khẩn cấp những người dân khỏe mạnh, đủ điều kiện sức khỏe giữ lịch hẹn hiến máu

Vào thứ 3 tuần trước (ngày 3/3/2020), Nhóm Đặc trách liên ngành của AABB về ứng phó thảm họa và khủng bố đã kêu gọi khẩn cấp những người dân khỏe mạnh, đủ điều kiện sức khỏe giữ lịch hẹn hiến máu để đảm bảo nguồn máu cung cấp cho người bệnh.

Tuyên bố này được đưa ra trong tình trạng nhiều cơ sở truyền máu ở Hoa Kỳ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm máu, máu dự trữ chỉ đáp ứng được từ 3 đến 5 ngày. Hàng chục lịch hiến máu đã bị hủy, nhiều người dân đã hẹn nhưng không đến hiến máu, đặc biệt ở bang Washington và California – nơi dịch bệnh đang lan rộng và các nhà chức trách đang kêu gọi người dân hạn chế tụ tập đông người.

Đại diện Trung tâm máu Vitalant cho biết họ chỉ có thể đảm bảo cung cấp máu cho những người bệnh thật sự cần trong vòng 4 ngày; nhiều nhóm máu chỉ đáp ứng dưới 50% so với nhu cầu.

Tuyên bố của AABB cũng nhấn mạnh người khỏe mạnh không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua việc hiến máu hoặc truyền máu. AABB sẽ phối hợp chặt chẽ với FDA và CDC để tăng cường các biện pháp đảm bảo nguồn cung cấp máu trong thời gian tới.

Ngày 12/3, Bộ Y tế phối hợp với Viện Huyết học truyền máu Trung ương, tổ chức chương trình hiến máu trong cán bộ, công chức, người lao động.

Ông Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giai đoạn 2, cùng với sự vắng vẻ nơi công cộng, các điểm hiến máu cũng thưa người đến. Nhiều đơn vị đã có kế hoạch tổ chức hiến máu trong tháng 3 đều đã thông báo hoãn lịch. Đây là lần đầu tiên có nguy cơ thiếu máu phục vụ người bệnh trong tháng Thanh niên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19.

"Với phương châm Hiến máu an toàn, đừng ngại Covid, Viện sẽ đảm bảo tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A: An toàn cho người hiến máu – An toàn cho bệnh nhân – An toàn cho nhân viên y tế", ông Khánh nói.

Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, người trực tiếp hiến máu sáng 12/3: "Trong thời điểm phòng chống dịch, rất cần phải bảo vệ sức khỏe bản thân, nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến sức khỏe cộng đồng bằng việc tham gia hiến máu. Đây là lần đầu tiên có nguy cơ thiếu máu phục vụ người bệnh trong tháng Thanh niên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19. Chúng tôi hi vọng nguồn máu của người hiến máu được sử dụng hiệu quả, góp phần cứu chữa người bệnh".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia huyết học giải đáp: Truyền máu có lây nhiễm Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO