Đổi mã vùng cố định là việc cần thiết
Lý do tại sao xây dựng Quy hoạch kho số viễn thông mới, trong đó có việc thay đổi mã vùng cố định đã được Bộ TT&TT giải thích khá rõ ngay tại thời điểm Quy hoạch mới được ban hành. Vì vậy, tại thời điểm ban hành chính thức lộ trình chuyển đổi mã vùng, không còn nhiều ý kiến về việc tại sao phải chuyển đổi nữa.
Việt Nam xây dựng và ban hành kho số lần đầu vào năm 2006, sau khi thực hiện mở cửa, xóa độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Tại thời điểm đó, điện thoại cố định còn phổ biến và được dành tới 7 đầu số (02, 03, 04, 05, 06, 07, 08) để đánh mã vùng còn di động thì chỉ được dành cho 01 đầu số (09).
Trong quá trình chia tách, hợp nhất tỉnh, thành phố, độ dài mà vùng của Việt Nam không nhất quán. Tỉnh thì có mã vùng dài 3 chữ số (ví dụ như Hải Dương 0320, Hưng Yên 0321…), tỉnh khác lại chỉ có một hoặc 2 chữ số nên khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến số cố định, lúc thì quay 10 số, lúc lại quay 11 số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ. Điều này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
59/63 tỉnh thành sẽ thay đổi mã vùng
Thêm vào đó, thị trường viễn thông Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm qua. Số lượng thuê bao cố định giảm dần trong khi số lượng thuê bao di động tăng mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2014, Việt Nam có 136 triệu thuê bao di động, trong khi chỉ có khoảng hơn 10 triệu thuê bao điện thoại cố định. Quy hoạch kho số viễn thông bắt đầu thể hiện những bất cập - đầu số cấp phát cho cố định quá nhiều không dùng hết trong khi di động thì lại thiếu, phải sử dụng tới dải 11 số.
Thêm vào đó, trong giai đoạn 10 - 20 năm tới đây, theo xu hướng thế giới, IoT sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với một lượng lớn thiết bị cần được kết nối. Mạng di động sẽ cần hàng trăm triệu số định danh cho các thiết bị này nên việc quy mã vùng cố định về một đầu số (02) để dành các đầu số còn lại cho di động là việc cần phải thực hiện để chuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ này.
Người dùng: Bất tiện trước mắt song về lâu dài được hưởng lợi
Mặc dù hiện đối tượng sử dụng dịch vụ cố định chủ yếu là các doanh nghiệp, khối cơ quan, tổ chức song có thể thấy, trước mặt người dân sẽ ít nhiều gặp phải sự bất tiện trong khoảng thời gian đầu đổi số mã vùng, ví dụ dễ thấy nhất là phải quay lại số theo mã vùng mới. Tất nhiên, sự bất tiện này cũng chỉ trong thời gian đầu mới đổi số và cũng không gây quá nhiều phiền hà bởi trước đó người dân sẽ được truyền thông về việc đổi số, được nhà cung cấp dịch vụ báo âm nhắc khi quay sai số.
Với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thì có thể sẽ còn phát sinh thêm một số khoản chi phí liên quan tới việc tổ chức in ấn lại thông tin về số điện thoại liên hệ trên các ấn phẩm truyền thông, quảng cáo cho sản phẩm, trên card visit cho nhân viên.
Tuy nhiên, về lâu dài người dùng lại hưởng lợi. Theo các giai đoạn được đưa ra để hoàn thành quy hoạch mới về Kho số viễn thông, sau khi thực hiện đổi mã vùng, tiến tới sẽ chia 63 tỉnh thành phố trên cả nước thành các vùng (khoảng 10 vùng, ví dụ nhóm mã vùng 20x là các tỉnh Đông Bắc). Theo đó, thuê bao cố định thuộc các tỉnh trong cùng một vùng dù gọi liên tỉnh song cước vẫn được tính như cước nội hạt.
Thêm vào đó, sau khi chuyển xong mã vùng cố định sẽ chuyển đổi các số thuê bao di động về hết dải 10 số, góp phần cùng với các giải pháp khác để hạn chế tình trạng sim rác (theo thống kê của các nhà mạng di động thì phần lớn sim rác là các sim 11 số), từ đó giảm thiểu tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Hiện nay số lượng thuê bao dùng đầu 10 số và đầu 11 số đang tương đương nhau (50% - 50%).
Nhà cung cấp dịch vụ: đã sẵn sàng để thực hiện
Đứng ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ, sẽ có rất nhiều việc phải làm để đảm bảo việc chuyển đổi diễn ra suôn sẻ. VNPT - đơn vị đang chiếm tới 90% thị phần thuê bao điện thoại cố định hiện nay cho biết để đảm bảo việc chuyển mã vùng theo quy định của Bộ TT&TT, VNPT phải lên nhiều phương án kỹ thuật, ví dụ như: Phương án đổi mã đối với thuê bao cố định, thuê bao Gphone, Phương án định tuyến trên các tổng đài liên tỉnh, các công quốc tế, cổng di động; Xây dựng và thử nghiệm hệ thống âm thông báo quay lại số mới khi khách hàng quay chưa đúng mã vùng mới ở từng tỉnh…; Thực hiện thử nghiệm phương án kỹ thuật trên các hệ thống tổng đài cố định, di động, trên hệ thống tính cước….
Để giảm thiểu tối đa sự bất tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ việc chuyển đổi sẽ được bố trí thực hiện vào ban đêm và diễn ra trong thời gian rất ngắn. Trong 30 ngày đầu khách hàng có thể sử dụng song song số cũ và số mới. Trong 30 ngày tiếp theo, khi bấm vào số cũ khách hàng sẽ được thông báo mã vùng mới để thực hiện bấm số lại.
VNPT sẽ thực hiện đổi số vào ban đêm để không ảnh hưởng tới khách hàng.
VNPT cũng cho biết lưu lượng thoại đến mạng cố định chắc chắn sẽ giảm, đặc biệt là chiều từ nước ngoài gọi về, doanh thu phần nào đấy sẽ bị ảnh hưởng. Lượng thuê bao điện thoại cố định, nhất là các thuê bao cá nhân khả năng rời mạng khá cao.
Có thể nói, việc đổi mã vùng cố định là việc cần thiết phải thực hiện để sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên kho số viễn thông, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai của ngành. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Quy hoạch đã ban hành từ cuối năm 2014, nếu cơ quan quản lý ban hành sớm lộ trình đổi số thì các doanh nghiệp sẽ có sự điều chỉnh kịp thời kế hoạch in ấn bao bì, nhãn mác hàng hóa của mình, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Hoàng Vũ (Tạp chí XHTT)