Cơ hội phát triển
Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện báo cáo thường niên cuối năm của Galen Growth cho biết tổng tài trợ cho công nghệ y tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên 5 tỷ USD bao gồm 340 hợp đồng. Đứng đầu là các thị trường Ấn Độ (32%), Trung Quốc (22%), Singapore (11%), Nhật Bản (8%) và Úc (8%). Indonesia nắm giữ 5% thị phần và Malaysia, Philippines và Việt Nam có chưa đến 2% thị phần. Tuy nhiên, số lượng công ty khởi động về công nghệ y tế tại Việt Nam ngày càng tăng và đã được rót vốn 7 triệu USD trong giai đoạn này.
Hai năm qua, sự hoành hành của coronavirus đã thiết lập lại các xu thế khám, chữa bệnh cho người dân và tạo điều kiện cho các công ty chuyên về công nghệ y tế tại Đông Nam Á và trên toàn cầu khởi động. Họ sẽ đưa vào thị trường các công nghệ mới đang giúp các bác sĩ kết nối với bệnh nhân một cách dễ dàng hơn và nhiều nền tảng cung cấp dịch vụ phân phối thuốc thuận tiện mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Theo khảo sát mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức độ chi tiêu của người dân Đông Nam Á cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã có sức mạnh trong những năm qua. Trong vòng 5 năm tới, các quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Philippines và Indonesia có thể sẽ tăng tổng chi tiêu lên gần đến 800 tỷ USD.
Nếu như chi tiêu cho công nghệ y tế khu vực ASEAN đã vượt mốc 115 tỷ USD vào năm 2020. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, những công nghệ mới được đầu tư trong những năm qua chủ yếu nằm ở mảng quản lý hệ thống, tại các cơ sở y tế việc đầu tư chiều sâu mua sắm thiết bị y tế hiện đại vẫn còn là những bước đi ban đầu. Một trong những khó khăn khiến cho việc phát triển công nghệ y tế gặp khó khăn vì lĩnh vực này rất đa dạng về hình thức hoạt động, có rất nhiều đối tượng tham gia, rất nhiều loại kỹ thuật và đối tượng bệnh nhân vừa đông vừa đa dạng.
Để tham gia vào các dự án công nghệ y tế đòi hỏi phải có kiến thức về y khoa lâm sàng, tổ chức y tế, kỹ thuật y tế và công nghệ thông tin. Nên hiện nay ở Việt Nam chỉ có một vài công ty phần mềm do bác sĩ đứng ra thành lập là đi đúng hướng, hầu hết là công ty phần mềm đều không có kiến thức về y tế. Các công ty CNTT này xem lập trình quản lý dữ liệu y tế như thể quản lý doanh nghiệp, nên trong đại dịch Covid-19 mới có tình trạng “nhà nhà làm App, người người làm App” nhưng rốt cuộc không có được một phần mềm nào đáp ứng được yêu cầu.
Thực trạng công nghệ y tế Việt Nam
Khi nói về công nghệ y tế, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều phân ra 2 loại công nghệ: Một là các kỹ thuật ứng dụng vào thiết bị y tế và hai là công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế. Các bệnh viện quốc tế đã được trang bị các máy xét nghiệm hiện đại mà có thể từ một mẫu máu nhỏ có thể cho hàng trăm thông số sinh hóa, huyết học, miễn dịch trong 7 phút. Công nghệ mổ cận thị bằng phương pháp laser không đụng dao kéo vào cơ thể nhưng hiệu quả thì rất cao. Nhờ có công nghệ mổ nội soi, mổ robot mà việc mổ xẻ trên cơ thể bệnh nhân chính xác hơn, thời gian rút ngắn, ít nhiễm trùng, ít gây biến chứng sau mổ.
Hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân và gần đây là các cơ sở y tế nhà nước cấp tỉnh, thành đều đang mua sắm khá nhiều các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cao cấp, xét nghiệm cao mới để phục vụ cho khám chữa bệnh. Những hệ thống máy xét nghiệm tự động, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cao cấp, các robot phẫu thuật được nhập khẩu từ nước ngoài đã giúp y tế Việt Nam phát triển đáng kể.
Tuy nhiên, với các bệnh viện công phần lớn chưa được giao quyền tự chủ tài chính để đầu tư mua sắm thiết bị kỹ thuật mới, thủ tục đấu thầu khá mất nhiều thời gian, trong khi vòng đời thiết bị khá ngắn, có thiết bị chỉ 4 - 5 năm đã lạc hậu. Nên việc đầu tư máy móc kỹ thuật cao có thể là một rủi ro cao, các bệnh viện công có xu hướng thích liên kết ăn chia với đối tác hơn là đầu tư chiều sâu.
Đối với công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế phần lớn vẫn đang tập trung vào chức năng tính viện phí mà chưa tạo ra được bộ bệnh án điện tử. Trong y tế hiện đại hiện nay bệnh án điện tử là kho tàng quý báu không chỉ chăm lo sức khỏe cho người dân mà còn phục vụ cho nghiên cứu y học.
Số hóa bệnh án, lưu trữ và khai thác thông tin hồ sơ bệnh nhân một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả đang là tiêu chí để đánh giá các bệnh viện. Tất cả các khoa chuyên môn trong bệnh viện đều phải số hóa và chuyển thông tin liên hoàn cho nhau, thậm chí còn liên thông với các cơ sở y tế cùng hệ thống. Điều này tiết kiệm giấy tờ, thời gian và cho kết quả tuyệt đối chính xác.
Vài khó khăn, trở ngại
Theo báo cáo Startup Health Insights về thị trường vốn các startup y tế trên thế giới, quý I/2020 ghi nhận mức đầu tư kỷ lục lên tới 4,5 tỷ USD. Nhưng tại Việt Nam, số lượng startup trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn, chỉ dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại châu Á. Nổi lên vài thương hiệu eDoctor, Mosia, Jio Health, BuyMed, Bsgiadinh… Trong đó, eDoctor và Bsgiadinh hướng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, gồm khám sức khỏe tổng quát, các xét nghiệm như chức năng gan và tuyến giáp, tầm soát ung thư và thậm chí là một cuộc kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể. Khách hàng có thể xem kết quả khám bệnh bất cứ lúc nào trên trang cá nhân của mình, đặt câu hỏi trực tuyến và nhận dịch vụ tư vấn miễn phí.
BuyMed ra đời năm 2018 với sứ mệnh đơn giản hóa ngành phân phối dược phẩm tại Việt Nam và trên toàn Đông Nam Á. Với 2.000 phòng khám và nhà thuốc thành công thì BuyMed đang cố gắng phát triển rộng ra thị trường Hà Nội.
Việc triển khai HealthTech tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á vẫn đang còn gặp một vài trở ngại lớn như thiếu những quy định đồng bộ với thế giới, khả năng quản trị, năng lực tin học y tế các quốc gia yếu, hệ thống thông tin bị phân mảnh. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống nhận dạng bệnh nhân duy nhất, chuẩn mực để phát triển bệnh án điện tử. Ngoài ra tại Việt Nam hiện tại chưa có các nhà máy sản xuất thiết bị y tế cao cấp, do đó lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật vào máy móc y tế cao cấp chưa thể phát triển tương xứng.
Nhưng với sự phát triển của internet, sự bùng nổ smartphone nhu cầu đa dạng trong các lĩnh vực hệ thống thông tin y tế, khám bệnh từ xa, theo dõi và chăm sóc tại nhà, quản lý và phân phối dược phẩm, trang thiết bị y tế thì công nghệ y tế sau đại dịch Covid-19 đang có đất phát triển. Với quốc gia đã xây dựng được chương trình chuyển đổi số quốc gia như Việt Nam trong đó có ưu tiên lĩnh vực y tế, nếu chậm chân, các công ty Việt có thể thua ngay trên sân nhà.
Xu thế khu vực Đông Nam Á và châu lục, trong lĩnh vực HealthTech thứ tự ưu tiên phát triển, đứng đầu là quản lý dữ liệu y tế (lịch sử khám chữa bệnh) rồi lần lượt là chuẩn đoán (khám bệnh), nền tảng mua bán (sản phẩm y tế), sức khỏe (lối sống), giải pháp quản lý (theo dõi sức khỏe) và cuối cùng là nghiên cứu khoa học. Các công ty Việt startup trong lĩnh vực công nghệ y tế chắc chắn cũng phải bám theo hướng này để nắm bắt cơ hội vàng. Ngành y tế rất rộng lớn, phức tạp, đa dạng, đa hình, muốn khai thác được mảng công nghệ y tế đòi hỏi phải có kiến thức về y khoa. Nhưng hiện nay, người ta đang có xu hướng giao trách nhiệm phát triển phần mềm ngành y tế cho những tập đoàn chuyên về viễn thông như VNPT, Viettel không có nền tảng kiến thức y tế là hướng đi khác các quốc gia đang phát triển về lĩnh vực này. Việc này có làm cạn đi động lực phát triển công nghệ thông tin y tế của các công ty cỡ vừa và nhỏ hay không thì chúng ta đã tự có câu trả lời. |