Cơ hội để phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Hữu Tuấn| 11/07/2021 15:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ yêu cầu chuyển đổi số nhanh đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Năm 2020, đã có 13.000 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập.

Theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Riêng Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu cao hơn, đến năm 2025 sẽ đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và khởi xướng, phát động chương trình Make in Việt Nam, xem đó là điểm tựa để phát triển lực lượng doanh nghiệp số. Theo đó, từ năm 2020 - 2025, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 6.000 doanh nghiệp số mới.

“Trọng tâm của Chiến lược Phát triển doanh nghiệp công nghệ số là tinh thần Make in Việt Nam, là chuyển đổi Việt Nam thành quốc gia số, là giải các bài toán Việt Nam bằng công nghệ, là phát triển các nền tảng chuyển đổi số, là làm chủ công nghệ qua việc đẩy mạnh ứng dụng và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025 là mục tiêu của chúng ta", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Kết thúc năm 2020, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Con số này đã khiến nhiều người kỳ vọng sẽ cán đích sớm hơn dự kiến.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến hết tháng 5/2021, tổng số doanh nghiệp công nghệ thông tin khoảng 46.654, tăng 2.122 doanh nghiệp so với cuối năm 2020, với lực lượng lao động khoảng 1,05 triệu người. Sự tăng trưởng số lượng doanh nghiệp công nghệ số tạm chững lại, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng số lượng doanh nghiệp số thành lập mới sẽ sớm tăng trưởng mạnh trở lại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc Chính phủ yêu cầu chuyển đổi số nhanh đang tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Chính thời Covid-19 này có thể tạo ra các doanh nghiệp công nghệ xuất sắc do có nhiều việc để làm, do được làm việc khó, được làm việc trong tình trạng khẩn cấp.

“Việt Nam thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số, có một số doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh, có cả những doanh nghiệp thành công thương mại, nay chuyển sang làm công nghệ, có thể phát triển sản phẩm, mang công nghệ tới mọi tỉnh, mọi xã, có thể thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Không nhiều nước có lợi thế này. Người Việt Nam rất phù hợp với công nghệ số, rất đa dạng, thông minh, thích ứng nhanh và linh hoạt, có thể may đo công nghệ và sản phẩm phù hợp mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh, rất phù hợp với Cách mạng công nghiệp 4.0, là cuộc cách mạng về cá thể hóa, có thể sản xuất ra cái áo duy nhất cho một người. Thành công ở Việt Nam thì chúng ta có thể đi ra toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Tại Hội nghị giao ban Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Bộ đã “đặt hàng” doanh nghiệp công nghệ số các bài toán lớn.

Thứ nhất, là xây dựng mạng xã hội thế hệ mới từ mô hình tập trung dữ liệu sang phân tán, tiến tới người sử dụng làm chủ dữ liệu của mình, thay vì tất cả dữ liệu người dùng thuộc về nhà mạng.

Thứ hai, là công cụ tìm kiếm thế hệ mới.

Thứ ba, là hướng đến xây dựng bảo tàng cá nhân trên môi trường số và tiến tới phiên bản con người số bất tử có thể tương tác với người sống.

Thứ tư, là các nền tảng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề nghị, Nhà nước cần có chính sách thu hút các công ty công nghệ của thế giới xây dựng trung tâm công nghệ tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới, nguồn tri thức và kinh nghiệm của các công ty công nghệ lớn trên thế giới. Đồng thời, Nhà nước xây dựng chính sách thúc đẩy sử dụng thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước sản xuất, chấp nhận những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu, dùng các chuẩn mực chung (sandbox) trong phát triển hạ tầng số, kinh tế số.

Còn ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phát huy lợi thế am hiểu thị trường nội địa, nhu cầu khách hàng, am hiểu văn hóa bản địa và chủ động sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp theo nhu cầu. Doanh nghiệp cũng cần tích cực khai thác, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số mới, nhằm làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để giải quyết "bài toán Việt Nam", đặc biệt là ứng dụng các công nghệ mới nổi như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), đi từ ứng dụng đến làm chủ công nghệ lõi và tiến tới đóng góp công nghệ cho thế giới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội để phát triển doanh nghiệp công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO