Đời sống xã hội

Có thể bạn chưa biết: Các triều đại phong kiến PCCC như thế nào?

Ngọc Anh 09/12/2023 10:07

Sử sách còn ghi lại, vào cuối triều Lý, đầu thế kỷ 13, có những vụ cháy làm cho cung điện trong khu Hoàng Thành bị thiêu hủy gần hết.

Cổng Đoan Môn của thành Thăng Long xưa.

Những vụ cháy lớn trong lịch sử kinh thành Thăng Long

Đến nỗi, năm 1214, cung thất nhiều nơi bị đốt, vua và Hoàng gia phải trú ở nhà tranh gần cầu Thái Hòa. Đến năm 1216, “thảo điện” (làm bằng tranh , tre, nứa , lá) phải dựng ở Tây Phù Liệt (nay là làng Sét ở quận Hoàng Mai).

Từ đầu năm 1225, nhà Trần lên ngôi đã bắt tay vào sửa sang xây dựng khu vực Hoàng Thành. Năm 1230 xây dựng nơi thiết triều gồm một số cung điện, lầu gác. Còn khu vực kinh thành của dân cư thì dưới triều Trần không có gì khác so với thời Lý. Cuối đời Trần, kinh đô Thăng Long lại tiếp tục bị giặc giã cướp phá, thiêu đốt, đổ nát tan hoang.

Đến thế kỷ 18, ngày mồng Tám tháng Chạp năm Bính Ngọ (đầu năm 1787), Lê Chiêu Thống sai người phóng hỏa đốt hết Phủ Chúa, đám cháy kéo dài trên 10 ngày chưa tắt. Cung điện xây dựng trong mấy trăm năm bỗng chốc hóa thành bãi đất cháy đen (theo “Hoàng Lê nhất thống chí”).

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại các vụ cháy lớn như sau:

Năm 1156, mùa Đông, tháng 12, ngày Đinh Mùi, ban đêm kho Ngự cháy.

Năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ I (1434), tháng 5, ngày 11, Kinh thành bị cháy, lửa lan ra thiêu mất vài trăm nhà, nhiều người chết cháy.

Tháng 3, năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), gác cửa Tây bị cháy.

Năm Kỷ Hợi, đời vua Hồng Đức thứ 10 (1479), mùa Đông, tháng 10, giờ Dậu có hoả tai, lửa cháy lan đến kho thuốc súng của Vệ Thiên uy ở cửa Đoan Môn. Cháy sạch cả khu nhà túc trực của các vệ Thần tý, Tráng sĩ, Điện tiền ở phía Tây.

Tháng Chạp năm Canh Thân (1500), phủ Phụng Thiên bị cháy.

Năm Tân Dậu, đời vua Cảnh Thống thứ 4 (1501), tháng 12, phủ Phụng Thiên bị cháy.

Năm Quý Hợi, đời vua Cảnh Thống thứ 6 (1503), tháng 9, ngày mùng 10, cháy lớn ở chợ Đông, phố xá bị thiêu trụi.

Năm Bính Tuất, đời vua Quang Hưng thứ 9 (1586) tháng 8 ngày 17, dinh Yên Trường cháy lớn. Khi ấy, gió to, lửa mạnh, cháy lan cả phủ dinh, trại quân, giải vũ, phố xá đến vài nghìn nhà. Mây sắc đỏ che kín mặt trời, khói đen đầy trời, từ giờ Ngọ đến giờ Thân lửa mới tắt. Bà Phi của Thái vương là Nguyễn Thị Ngọc Bảo bị chết cháy, Tiết chế Trịnh Tùng ở lánh chỗ khác để tang.

Năm Kỷ Mùi, đời vua Hoằng Định thứ 20 (1619), mùa Xuân tháng Giêng, ngày 16, giờ Mùi, cháy lớn bắt đầu từ cửa Vương phủ, sau lan ra phố phường hai bên, cháy vào đến lầu cửa Đoan Môn của Triều đường và các nhà trực hai bên tả hữu đều cháy hết sạch.

Năm Tân Mùi, đời vua Đức Long năm thứ 3 (1631), tháng 6, Vương thân ngự ở Đông Lâu, sai đào sông cho thuyền đánh nhau và tập bắn. Bấy giờ có lửa cháy từ đầu sông, cháy lan đến cửa tả Vương phủ, phố phường hai bên và các nhà Triều Nguyên, Triều Đường trong thành nội. Vua tránh ra nhà Hoa Dương Hầu, 4 ngày sau mới về cung.

Một góc thành Thăng Long xưa.

Trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, các vụ cháy lớn trong lịch sử nước ta cũng được ghi chép khá chi tiết:

Năm Bính Tý 1156, tháng 12 mùa Đông, kho tàng của vua bị cháy.

Năm Quý Sửu 1313, theo phép cũ, phàm cung điện, miếu đường hoặc lăng vũ bị cháy, có lễ cầu đảo và lễ tạ. Lúc ấy, sét đánh vào Viện Tam ty bị cháy, người Viện lại là Lương Lang bị chết, nhà vua sai quan sửa lễ cúng tế để khu trừ tai nạn.

Năm Kỷ Mùi 1619, lửa bốc lên từ trong thành, nhà cửa bị cháy thành tro, cháy lan đến lầu Đoan Môn.

Trong “Quốc sử biên niên” ghi lại vụ cháy xảy ra vào ngày 27 tháng 3 năm Mậu Tý (1828): “Cháy to, bắt đầu cháy từ phố Hàng Mũ, sau đến Kho Gạo, cháy lan vài trăm nhà, người và súc vật phần nhiều bị thương, người bị chết đều được cấp cho tiền tuất và vải trắng”. Gây thiệt hại rất lớn là vụ cháy nhà xảy ra năm Đinh Dậu (1837), lửa lan khắp 27 phường ở Thăng Long, đốt cháy 1430 căn nhà gây rất nhiều thiệt hại gây chấn động cả nước, quan lại Bắc Thành khi đó phải dâng sớ xin chịu tội…

Giáo sỹ người Ý – Giuliano Baldinotti khi đến Thăng Long để xin triều đình cho truyền đạo, trong tác phẩm “Bản tường trình Đàng Ngoài năm 1626”, ông nhắc đến tình trạng hỏa hoạn như sau: “Trong kinh thành có nhiều ao, vũng nước lớn, cho phép người ta có thể dập tắt ngay đám lửa khi nó cháy bén vào các nhà. Có nhiều đám cháy thiêu hủy 5, 6 nghìn nóc nhà”.

Hầu hết các vụ cháy lớn đều được sử sách ghi chép lại tỉ mỉ, chi tiết, ngay cả việc xử lý các tình huống, hình phạt và ban thưởng đối với công tác chữa cháy của các vị vua anh minh lúc bấy giờ cũng rất được coi trọng.

“Đại việt sử ký toàn thư” ghi lại: Năm 1278, hồi đó, nhà dân ở Kinh thành thường bị cháy vào ban đêm. Vua Trần Thánh Tông đang ngủ say, nghe tin, tức tốc vùng dậy cùng với nội thị chạy ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội Thư gia Đoàn Khung đi theo. Đám cháy được dập tắt, vua sai điểm xem người nào đến chữa cháy và kiểm xem ai đến trước. Khung ấn đầu từng người một bảo ngồi xuống để đếm, đếm xong tâu rõ người nào đến trước, người nào đến sau. Những người đến sớm và hăng hái nhất để chữa cháy đã được vua ban thưởng.

Năm 1837, một vụ cháy khủng khiếp thiêu rụi 1.430 căn nhà, làm rất nhiều người dân thiệt mạng và bị thương. Quan Tổng đốc Bắc Thành cũng suýt chết cháy, hàng nghìn gia đình mất sạch cơ nghiệp. Quan lại Bắc Thành khi đó phải dâng sớ xin chịu tội. Vua Minh Mạng đã lệnh cho Bộ Hộ chẩn cấp cho mỗi nhà 3 quan tiền, 2 hộc thóc, người chết mỗi người 1 lạng bạc, 1 tấm vải, 2 quan tiền, người bị thương mỗi người 2 quan tiền, cấp thêm cho nhà đông người mỗi nhà 3 hộc thóc, nhà hạng trung 2 hộc, nhà hạng nhỏ 1 hộc thóc, đồng thời cũng cho truy xét kẻ gây hỏa hoạn để trị tội…

Luật xử phạt khi để xảy ra hoả hoạn

Nhận thức rất rõ hậu quả khủng khiếp do hỏa hoạn gây ra nên các triều đình phong kiến đã có những quy định cụ thể để xử phạt những ai gây ra hỏa hoạn khiến lương dân thống khổ. Từ thời nhà Lê, luật pháp quy định xử phạt các hành vi gây hỏa hoạn rất nghiêm khắc.

Thành Thăng Long xưa.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1467, thuận lời tâu của Thượng thư Bộ Hộ, vua Lê Thánh Tông ban lệnh “cấm không được dùng diêm tiêu làm trò chơi đốt pháo bông”.

Sau khi Bộ Luật Hồng Đức ra đời, tội gây hỏa hoạn được quy định chi tiết. Điều 87 quy định ai gây hỏa hoạn trong sơn lăng, mồ mả vua thì bị lưu đày. Làm cháy đến cây cối thì bị xử nghiêm một bậc, phải bồi thường các tổn hại ấy.

Điều 610 quy định: “Thấy lửa bốc cháy nên báo mà không báo, chạy đến cứu mà không làm thì xử tội nhẹ hơn kẻ gây hỏa hoạn hai bậc. Quan quân canh giữ cung điện, kho lẫm, coi tù đều không được rời vị trí đi cứu hỏa, trái luật thì đánh 80 trượng”.

Điều 617 quy định: “Ở kinh thành để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà mình thì bị phạt 80 trượng, nếu để cháy lan sang nhà người khác thì phạt 80 trượng và đem bêu riếu trước công chúng 3 ngày, phạt 10 quan tiền sung công; để cháy ở hương thôn thì giảm một bậc tội. Trong cấm thành nếu làm cháy lan đến nhà tông miếu, cung điện và các kho tàng thì xử tội lưu… Thưởng cho người bắt kẻ gây hỏa hoạn như việc thưởng cho kẻ bắt được trộm cướp”.

Một văn bản pháp luật khác là “Lê triều hội điển” ở phần Hình thuộc có lệ phạt trượng đối với việc gây hỏa hoạn như sau: “Phàm các nơi phố xá, quân phòng trong kinh thành bị hỏa hoạn, tự làm cháy nhà mình, phạt 80 trượng. Làm cháy lây sang nhà người khác, phạt 80 trượng, chịu tội 3 ngày, phạt 10 quan tiền quý. Nếu bị kẻ gian phóng hỏa thì được xá tội”

Đến thời Nguyễn, nhiều văn bản pháp luật được ban hành, quan trọng nhất là bộ “Hoàng Việt luật lệ” (còn gọi là Luật Gia Long) cũng có điều luật quy định có xử phạt tội gây hỏa hoạn.

Mặt khác một số quy định có liên quan tiếp tục được ban hành, thí dụ vào tháng Giêng năm Tân Mão (1831) vua Minh Mạng định lệ cấm trong việc phòng hỏa ở kinh thành, “người gây hỏa hoạn chỉ cháy nhà mình bị đánh 100 trượng, nếu cháy sang nhà khác thì bị phạt tù, đóng gông…”.

Trong sử sách ghi chép, phố phường Hà Nội dân cư đông đúc, đường xá chật hẹp, nhà cửa làm toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá… dễ gây hỏa hoạn. Mỗi lần như thế, Tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hòa lại cưỡi voi, đốc thúc binh lính và nhân dân đi dập lửa. Chữa cháy xong, ông còn cứu trợ ngay cho gia đình bị nạn, để họ sớm ổn định cuộc sống.

Thậm chí có một số trường hợp đích thân vua xử lý kẻ gây hỏa hoạn, thí dụ như câu chuyện về vua Khải Định. Sách “Khải Định chính yếu sơ tập” cho biết, tháng 6 năm Đinh Tị (1917) có viên quan giữ chức Thủ hộ Phó sứ tên là Hồng Ích để xảy ra hỏa hoạn, lửa cháy lan cả vào khu cấm nội, khi báo cáo lại cố ý gian dối giảm bớt thiệt hại.

Sau khi tra xét lại, vua Khải Định đã ban lệnh giáng chức của Hồng Ích xuống 4 cấp, các viên quan chức có liên quan người thì bị giáng chức theo bậc khác nhau, người thì bị phạt bổng lộc, lại bị ghi lỗi vào lý lịch.

Khi người Pháp chiếm Hà Nội, cháy vẫn xảy ra, ngày 20/01/1886, cháy lớn ở phố Hàng Mắm thiêu rụi hoàn toàn 70 ngôi nhà. Ngày 25/01/1891, cháy lớn ở Cầu Gỗ, Lò Sũ, Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Mắm… thiệt hại 208 ngôi nhà và 4 ngôi chùa, làm chết nhiều người, trong đó có 1 người Pháp.

Lấy cớ nhà tranh dễ cháy vào mùa hanh khô, ngày 17/02/1891, Thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định cấm làm nhà lá ở Hà Nội, ai vi phạm sẽ bị xử theo Luật Hình sự của nước Pháp. Tuy nhiên, do mức đền bù không thỏa đáng nên dân cư quanh khu vực Hồ Gươm không chịu di dời cho đến khi có một vụ phóng hỏa vào ban đêm, hậu quả là nhiều phố quanh hồ Gươm bị thiêu rụi hoàn toàn./.

Bài liên quan
  • Hà Nội nhân rộng Mô hình “Tổ Liên gia an toàn PCCC”
    Việc xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào “Toàn dân PCCC”, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); đảm bảo làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý, cứu chữa kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan tỏa
    Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng: "Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả".
  • "Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ"
    Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh: Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
  • Thủ tướng: "Thần tốc táo bạo" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
    Thủ tướng đánh giá thời gian qua, đất nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực về sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp.
  • Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng
    Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.
  • 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Những truyền thống vẻ vang
    Cách đây 75 năm, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
  • Báo chí trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và chuyển đổi số
    Báo chí là một trong những loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Các tác phẩm, sản phẩm báo chí luôn phải mang đến công chúng những giá trị thông tin thời sự, chân thật, khách quan về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Dù trong bối cảnh phát triển nào thì các loại hình báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng là phương tiện truyền thông chủ lực, thiết yếu dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
  • Duy trì cam kết với cổ đông, VPBank năm thứ 3 liên tiếp trả cổ tức tiền mặt
    Năm thứ 3 liên tiếp, VPBank dự kiến duy trì chính sách cổ tức tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, chiến lược tăng trưởng hợp lý và cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông.
  • Cảnh báo lợi dụng hình thức "xe ôm công nghệ" để lừa đảo
    Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng do các đối tác tài xế xe công nghệ thực hiện.
  • Xuất bản Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sớm trở thành công nghiệp xuất bản
    Ngành xuất bản Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết giúp ngành xuất bản phát triển bền vững và tiệm cận với mô hình công nghiệp xuất bản hiện đại.
  • Chuyển đổi số - liều vắc-xin hiệu quả
    Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được kỳ vọng là chiếc "đũa thần" giải quyết bài toán tăng trưởng chậm và năng suất thấp. Ở nhiều quốc gia, đó cũng là công cụ quan trọng để xử lý tình trạng lãng phí nguồn lực - căn bệnh kinh niên của khu vực công.
Có thể bạn chưa biết: Các triều đại phong kiến PCCC như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO