Tăng cường tiềm lực và sức mạnh của lực lượng cảnh sát PCCC
10 tháng của năm 2023, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy cho thấy cần nhanh chóng tăng cường tiềm lực và sức mạnh của lực lượng cảnh sát PCCC.
Hiện đại hóa thiết bị chứa cháy
Theo số liệu thống kê trong 10 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó: 1.616 vụ cháy, 1.311 vụ sự cố cháy), làm chết 134 người, bị thương 101 người, ước tính thiệt hại tài sản 230 tỷ đồng và 207 ha rừng.
Qua phân tích, 66% vụ cháy xảy ra ở thành thị; cháy nhà dân chiếm 33,3%, cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 8,2%, cháy chung cư chiếm 1,3%, cháy chợ chiếm 1,3%, cháy vũ trường, bar, karaoke chiếm 0,4%. Hầu hết các vụ cháy xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 62%), do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (chiếm 17,%), do vi phạm quy định an toàn PCCC chiếm 0,9%.
Theo phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, phương hướng, mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ phát triển hệ thống phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Đáng chú ý, theo bản quy hoạch có đưa ra danh mục ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy chữa cháy đến năm 2030 là việc phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và hệ thống trung tâm chỉ huy điều hành bay phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển và cháy rừng.
Trong đó, Chính phủ cũng ưu tiên việc đầu tư trang bị máy bay chữa cháy cho Trung tâm huấn luyện, ứng phó PCCC-CHCN của Bộ Công an và nhấn mạnh, đây là một trong những danh mục dự án "bắt buộc phải làm".
Việc ưu tiên trang bị máy bay chữa cháy cho lực lượng cảnh sát nằm trong bối cảnh, thời gian qua, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM xảy ra nhiều vụ cháy ở khu dân cư trong ngõ nhỏ, lực lượng chữa cháy khó tiếp cận, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhiều người tử vong thương tâm. Chủ trương nêu trên nhằm khắc phục những bất cập này. Trong đó, máy bay sẽ tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển và cháy rừng.
Bước đầu, Trung tâm Huấn luyện và Ứng phó khẩn cấp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), công an một số tỉnh thành được ưu tiên đầu tư bãi đỗ và trung tâm chỉ huy điều hành bay.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu quy hoạch điểm cung cấp nước cho máy bay chữa cháy.
Trước đó, Thông tư 60 của Bộ Công an quy định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn quốc gia được trang bị định mức 1-2 trực thăng chữa cháy và cứu hộ; địa phương loại đô thị đặc biệt được trang bị 1-2 chiếc và phải có niên hạn sử dụng trong 15 năm...
Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy chữa cháy toàn quốc đến năm 2030 dự kiến hơn 89.300 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn địa phương.
Hiện nay, trực thăng Mi-172 là dòng máy bay được nâng cấp tính năng chữa cháy tại Việt Nam. Những chiếc Mi-172 được cải tiến thiết kế để cẩu thêm gàu nước nặng 4 tấn. Khi bay đến đám cháy, phi công sẽ căn chỉnh quán tính, hướng gió để thả "quả bom nước" trúng khu vực có lửa.
Trong các năm từ 2016 tới 2017, Công ty Trực thăng Miền Nam đã sử dụng trực thăng Mi-172 cải tiến để cung cấp dịch vụ bay cứu hỏa quốc tế cho một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Trực thăng Mi-172 có ưu thế về tốc độ, thời gian cũng như khả năng tiếp cận những địa hình phức tạp để hỗ trợ việc kiểm soát những đám cháy trên khu vực rộng như rừng, các khu công nghiệp… Công ty Trực thăng miền Nam (Binh đoàn 18) đã tham gia hoạt động bay chữa cháy rừng tại Indonesia từ năm 2016 đến nay.
Xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ
Công tác PCCC và CNCH luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy đòi hỏi cần phải xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và CNCH trong tình hình mới. Chủ trương hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Hiện nay về hạ tầng giao thông phục vụ chữa cháy và nguồn nước chữa cháy nhiều nơi còn chưa đáp ứng được cho lực lượng PCCC và CNCH triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận đám cháy và tổ chức chữa cháy CNCH.
Thực hiện theo đúng tinh thần Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH trên cả nước đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của toàn xã hội.
Công an thành phố Hà Nội đã có những trang thiết bị, phương tiện hiện đại nhất đã được đưa vào sử dụng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy. Điển hình như hệ thống các xe chữa cháy công nghệ cao, xe thang có thể vươn cao hàng chục mét, các loại quần áo cách nhiệt chống hóa chất, đặc biệt là robot chữa cháy.
Robot chữa cháy có thể thay thế các khu vực nguy hiểm mà các chiến sĩ cảnh sát không có khả năng tiếp cận. Robot được trang bị hệ thống camera nhiệt, hệ thống cảm biến để đo nồng độ khí nguy hiểm đồng thơi trang bị loa phun cỡ lớn điều này góp phần giảm bớt gánh nặng, nguy hiểm cho cán bộ chiến sĩ.
Tuy nhiên, để có thể vận hành các trang thiết bị một cách hiệu quả nhất đòi hỏi cán bộ chiến sĩ đều phải thuần thục, hiểu rõ từng tính năng, tác dụng của trang thiết bị. Bởi vậy yếu tố con người vẫn là trọng tâm.
Vì vậy, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong giai đoạn hiện nay phải hướng đến mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật, giỏi về nghiệp vụ; một bộ phận cán bộ đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế.
Năm 2023, Bộ Công an đã ban hành Đề án "Xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, đảm bảo biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Đề án đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đặc biệt tinh nhuệ tại các địa phương trung tâm, trọng điểm của 06 vùng kinh tế, xã hội để xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố đặc biệt phức tạp và thực hiện nhiệm vụ quốc tế khi có yêu cầu.
Để hướng tới các mục tiêu này hiện nay trường Đại học Cảnh sát PCCC cũng đang hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tăng cường thực hành, thực tế; nghiên cứu, xây dựng các mô hình mô phỏng sát với thực tiễn để phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện.
Tất cả các tình huống sẽ có trong thực tế hoặc cập nhật ở các nước trên thế giới được đưa ra từ đó hướng dẫn cho các học viên trên các hiện trường giả lập giống với thực tế nhất giúp học viên tiếp thu được kiến thực dễ dàng vận dụng vào quá trình chiến đấu của thực tế…
Đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục đào tạo, tạo dựng, bổ sung đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Có thể coi đây chính là chìa khóa để tăng cường tiềm lực, sức mạnh cho lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH./.