NFT (Non-Fungible Token) hay token không thể thay thế là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain - công nghệ sử dụng chữ ký số để xác nhận tác phẩm gốc và người sở hữu tác phẩm. Nhờ đặc tính này, NFT trở thành loại tài sản độc nhất vô nhị, không thể sao chép hay làm nhái.
Vài tháng qua, nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền "khủng" lên đến hàng chục triệu USD để sở hữu các vật phẩm NFT. "Cơn sốt" này không chỉ khuấy động cộng đồng đầu tư, mà còn lan rộng sang giới công nghệ.
Trong một bức thư mới được công bố ngày 25/1, CEO YouTube bà Susan Wojcicki cho biết công ty đang tìm kiếm cách thức tiến vào NFT trong tương lai như một nguồn doanh thu mới cho các nhà sáng tạo nội dung.
"Chúng tôi luôn tập trung vào việc mở rộng hệ sinh thái YouTube để giúp người sáng tạo tận dụng các công nghệ mới nổi, bao gồm cả NFT, đồng thời tiếp tục củng cố và nâng cao trải nghiệm mà người sáng tạo và người hâm mộ có được từ YouTube", bà Susan Wojcicki cho biết.
Đây là một phần trong bức thư mới nhất của bà Wojcicki gửi tới cộng đồng YouTube, chứa nhiều kế hoạch về các lĩnh vực mà công ty dự định đầu tư trong tương lai, như game và mua sắm, cũng như cách thức hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung.
Tuy nhiên, YouTube chưa cung cấp thêm bất cứ thông tin chi tiết gì về các tính năng liên quan đến NFT mà công ty sẽ triển khai.
Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường DappRadar, doanh số bán hàng của NFT đạt khoảng 25 tỷ USD vào năm 2021, mặc dù có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại vào cuối năm nay.
Mới đây, Twitter đã tung ra tính năng mới cho phép một số người dùng có thể sử dụng NFT để làm hình ảnh đại diện. Theo đó, hình ảnh đại diện NFT sẽ hiển thị dưới dạng hình lục giác, thay vì hình tròn và người dùng có thể nhấp vào chúng để xem thêm các thông tin về tác phẩm NFT đó.
Trong khi đó, theo tờ Financial Times, các mạng xã hội đang chạy đua để xây dựng các tính năng liên quan đến NFT. Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng được cho là đang tìm cách cho phép người dùng tạo và bán NFT trên hai nền tảng mạng xã hội của họ là Facebook và Instagram. Công ty cũng đang phát triển một công cụ cho phép người dùng tự tạo NFT của riêng họ trên nền tảng Meta. Vào tháng 12/2021 giám đốc Instagram - Adam Mosseri - cũng chia sẻ rằng công ty đang phát triển NFT.
Trước đó, ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok đã tham gia vào cơn sốt này với việc công bố ra mắt loạt NFT đầu tiên "TikTok Top Moments" vào hồi tháng 9/2021. Sự gia nhập của TikTok vào lĩnh vực NFT sẽ không chỉ tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho người sáng tạo và nghệ sĩ NFT mà còn tạo điều kiện cho mối quan hệ gắn kết tốt hơn giữa khán giả và những người biểu diễn trên nền tảng.
Không chỉ NFT, bà Wojcicki còn cho biết YouTube đang xem web 3.0 "như một nguồn cảm hứng", đặc biệt nhấn mạnh đến các cơ hội về tiền mã hóa, các tổ chức phi tập trung (DAO).
Với 2,3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, hơn 31 triệu kênh và 30 triệu người đăng ký trả phí, YouTube có thể là mảnh đất màu mỡ cho một sự bùng nổ NFT khác. Một số người sáng tạo trên YouTube đã phát triển sự nghiệp của mình và kiếm lợi bằng cách đăng video về tiền điện tử và công nghệ liên quan.
Những người ủng hộ web 3.0 thường coi NFT và các dự án sử dụng tiền điện tử khác như những lựa chọn thay thế để giúp những người sáng tạo kiếm tiền tốt hơn các nền tảng quảng cáo như YouTube và Instagram, vốn kiểm soát việc phân phối nội dung của họ cũng như cách họ được thanh toán.
Tuy nhiên, thị trường NFT vẫn còn non trẻ và đầy biến động. Trong tuần qua, tiền điện tử, phương thức chính được sử dụng để mua và giao dịch NFT, đã tiếp tục tuột dốc và được dự báo có thể khó phục hồi trở lại trong nhiều năm./.