Truyền thông

Công bố Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024

Hồng Nhung 09/11/2024 22:23

Ngày 08/11/2024, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024.

Những doanh nghiệp chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam

Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 18 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường, vượt qua cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Bảng xếp hạng VNR500 cũng góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024.

Theo đó, Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024 gồm: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Vingroup - Công ty CP; Ngân hàng NN&PTNTViệt Nam (Agribank); Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV); Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn; Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam.

anh-vinfast.jpg
VinFast là công ty thuộc Tập đoàn Vingroup - Công ty CP có tốc độ gia tăng giá trị thương hiệu lớn.

Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024.

Theo đó Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024 gồm: Tập đoàn Vingroup - Công ty CP; Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Công ty cổ phần Tập đoàn Masan; Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý Doji; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Những con số biết nói

Kết quả thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2024 cho thấy, ngành Công nghiệp – Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế với số lượng doanh nghiệp áp đảo, dù tổng doanh thu có sự giảm nhẹ (-0,7%) so với năm trước. Trong khi đó, ở nhóm ngành Dịch vụ tổng doanh thu được cải thiện tăng 13,7% so với năm trước, đóng góp lớn vào kết quả trên phải kể đến doanh thu từ các doanh nghiệp Tài chính với mức tăng trưởng hơn 23,1% tổng doanh thu so với cùng kỳ.

Còn với nhóm ngành Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản do phải đối mặt với những diễn biến khó khăn chưa có đơn hàng mới trong năm 2023 dẫn đến tổng doanh thu cuối năm có sự suy giảm nhẹ (-7,8%) so với năm trước.

Về tổng doanh thu một số ngành chính trong bảng xếp hạng, ghi nhận sự gia tăng tổng doanh thu các nhóm ngành Tài chính (+23,1%), Cơ khí (+16,1%), Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (+6,6%), Xây dựng (+6,4%) so với năm trước. Ở chiều ngược lại, sau một năm đạt kết quả ấn tượng thì các nhóm ngành như Bán lẻ (-7,5%), Hóa chất (-7,4%), Khoáng sản (-5,2%), Điện (-4,6%) lại ghi nhận doanh thu không mấy lạc quan trong năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng yếu đi, xuất khẩu hàng hóa chững lại.

Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 2024, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) có chiều hướng giảm, lần lượt giảm 0,7% và 2,0% so với năm trước xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng. Trong đó, khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt hơn so với hai khu vực còn lại. Cùng chung xu hướng với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,2% xét trên tổng thể, trong đó khu vực Nhà nước và Tư nhân có chung xu hướng giảm lần lượt 1,9%, và 2,4%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,1% so với năm trước.

Năm 2024 được coi là năm bản lề quan trọng cho mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn từ kinh tế tăng trưởng chậm, bất ổn địa chính trị, và lạm phát leo thang sau thời gian dài dịch bệnh… Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang pha phục hồi trong năm 2024, nhưng trên thế giới vẫn còn những bất ổn. Cả Nga và Trung Đông hiện là trung tâm sản xuất dầu mỏ, khí đốt của thế giới và những bất ổn do xung đột vũ trang đều ảnh hưởng tới giá năng lượng.

Chuỗi cung ứng quốc tế cũng mới có thời gian ngắn phục hồi sau đại dịch và giờ lại bị gián đoạn bởi những lệnh cấm vận, gián đoạn những tuyến đường vận chuyển qua khu vực biển Đỏ, khiến các chuyến tàu phải định lại hải trình qua mũi Hảo Vọng, kéo dài thời gian và đẩy giá cước vận chuyển lên cao.

Trải qua thời gian lạm phát toàn cầu kéo dài đã đưa giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất kinh doanh lên mức cao, kết hợp những vấn đề về chuỗi cung ứng, yếu tố giá nguyên vật liệu vẫn duy trì trong top 5 khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, yếu tố giá cả sẽ trở lại trạng thái cân bằng khi cả Việt Nam và các quốc gia khác đều nỗ lực kiềm chế lạm phát. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2024 được dự báo sẽ giảm xuống mức 5,8%, từ mức 6,7% của năm 2023, và Việt Nam vẫn luôn ổn định ở mức thấp dưới 4%.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Bỏ qua mức nền thấp của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong báo cáo tháng 10/2024, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu tương đối phẳng – giảm từ 3,3% trong năm 2023 xuống 3,2% trong năm 2024 và 2025. Với mức tăng trưởng toàn cầu chưa bứt phá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khó có thể kiến tạo mức tăng lớn hàng năm.

Những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng cả ở mức độ tác động và tần suất. Gần đây, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, làm hư hại cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại ước tính hơn 80 nghìn tỷ đồng. Với những rủi ro tiềm tàng do thiên tai, các doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu cụ thể hơn cho các giải pháp quản trị từ bảo hiểm vật chất, mối quan hệ với các bên và hình ảnh thương hiệu cũng như uy tín với các bên cung ứng, khách hàng và nhà đầu tư./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Công bố Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO