Công cụ quan trọng đánh giá công tác phòng chống thiên tai

Bình Minh| 12/05/2022 13:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng như các chuyên gia nhận định, Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh là một công cụ quan trọng giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai cho Chính phủ, cho Ban Chỉ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, lãnh đạo Bộ ngành, địa phương.

Công cụ quan trọng đánh giá thống nhất công tác phòng chống thiên tai từ Trung ương tới địa phương - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ người dân PCTT. Ảnh: Bình Minh

10 tỉnh, thành phố có kết quả tốt nhất

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 247/TB-VPCP ngày 16/7/2019 về việc xây dựng "Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp tỉnh", Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức xây dựng và ban hành Bộ chỉ số PCTT cấp tỉnh tại Quyết định Số 01/QĐ-TWPCTT ngày 08/02/2021 và Quyết định số 12/QĐ-TWPCTT ngày 13/7/2021 về kế hoạch triển khai đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 để thực hiện trong trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh gồm 4 nhóm tiêu chí (Nhóm 1: Tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban chỉ huy; Nhóm 2. Phòng ngừa thiên tai; Nhóm 3. Ứng phó thiên tai; Nhóm 4. Khắc phục hậu quả thiên tai, với 24 tiêu chí chính và 52 tiêu chí thành phần.

Theo Báo cáo kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh năm 2021 vừa công bố ngày 11/5/2022, việc đánh giá công tác PCTT năm 2021 theo Bộ chỉ số của 63 tỉnh, thành phố đã có những kết quả ban đầu.

Cụ thể, qua kết quả đánh giá cho thấy: Điểm số thuộc nhóm Ứng phó và nhóm Khắc phục hậu quả thiên tai có số điểm cao, cho thấy nội dung này được các địa phương quan tâm và triển khai có hiệu quả; Điểm số thuộc nhóm Phòng ngừa có số điểm không cao, cho thấy nội dung này cần phải được quan tâm hơn nữa và có giải pháp cụ thể để cải thiện điểm số; Điểm số thuộc nhóm Tổ chức Bộ máy cũng có điểm số không cao, các địa phương cũng đã nỗ lực (thông qua một số điểm chi tiết) nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần phải có sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương.

Đáng chú ý, các địa phương đã chủ động trong công tác PCTT (không có tỉnh nào có số điểm dưới 50 – không đạt). Tổng số điểm trung bình của tất cả các tỉnh/TP trong cả nước đạt xấp xỉ 80 điểm/100 điểm. 10 tỉnh, thành phố có kết quả tốt nhất gồm: Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Phòng, Đắk Lắk, An Giang, Cà Mau, Quảng Nam. Tuy nhiên, cũng còn địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCTT, nhất là báo cáo, do đó kết quả đánh giá chưa thể hiện hết kết quả PCTT của địa phương. Song vì một số lý do nên việc công bố điểm số của Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh chưa được công bố điểm số chi tiết của từng tình năm 2021.

Đánh giá mang tính độc lập, khách quan gắn thực tiễn quản lý

Theo đó, trên cơ sở hai báo cáo, đánh giá độc lập của các đơn vị tư vấn, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT (Văn phòng thường trực) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức rà soát, phân tích đánh giá, kết hợp thực tiễn quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống thiên tai đối với từng địa phương để thống nhất điểm số tổng hợp cuối cùng.

Dự thảo báo cáo tổng hợp và điểm số cuối cùng đã được Văn phòng thường trực gửi xin ý kiến góp ý của các đơn vị quản lý nhà nước về công tác PCTT tại Tổng cục PCTT. Các đơn vị quản lý nhà nước đều thống nhất phương pháp đánh giá và cung cấp một số thông tin, phục vụ làm rõ về dự thảo kết quả đánh giá giúp đơn vị tư vấn điều chỉnh kết quả.

Văn phòng thường trực đã phối hợp với UNDP tổ chức 03 cuộc hội thảo với các địa phương để trao đổi về kết quả đánh giá năm 2021 và bàn các giải pháp nâng cao công tác PCTT của các địa phương.

Tiếp đó, Văn phòng thường trực tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị quản lý và địa phương, kết quả cuối cùng về đánh giá công tác PCTT theo Bộ chỉ số năm 2021 trình Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác phòng chống thiên tai theo Bộ chỉ số.

Trong khi đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã thành lập Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác PCTT theo Bộ chỉ số năm 2021 với các thành viên là lãnh đạo và một số thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, tổ chức thẩm định kết quả đánh giá. Văn phòng thường trực đã phối hợp với UNDP hoàn thiện báo cáo kết quả đánh giá theo ý kiến của Hội đồng.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, việc tự đánh giá công tác PCTT trong năm của mình là cơ hội thuận lợi để các địa phương nhìn nhận lại việc làm được, chưa làm được của các cơ quan quản lý nhà nước về PCTT địa phương và những người có trách nhiệm.

Qua báo cáo tự đánh giá của các địa phương gửi về Ban Chỉ đạo cho thấy, đa số địa phương chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác PCTT của địa phương mình, cũng cho thấy một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác PCTT.

Đáng chú ý, qua các buổi hội thảo, đa số các địa phương đều đánh giá cao việc ban hành Bộ chỉ số, giúp địa phương hệ thống hóa các quy định của pháp luật về PCTT bắt buộc phải thực hiện và thống nhất: Thứ nhất, kết quả đánh giá Bộ chỉ số giúp địa phương nhìn nhận lại hoạt động trong năm, biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình nhằm phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu ở năm tiếp theo. Thứ hai, thống nhất phương pháp đánh giá và kết quả đánh giá công tác PCTT theo Bộ chỉ số năm 2021 do các đơn vị tư vấn thực hiện.

Hoạt động đánh giá trên cũng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng thường trực và UNDP, đặc biệt là tư vấn tốt, có nhiều sáng tạo, các chuyên gia tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai,…

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra, năm 2021, do điều kiện thời gian và nguồn kinh phí hạn hẹp, việc đánh giá về cơ bản dựa trên cơ sở báo cáo của địa phương (ngoại trừ 13 tỉnh đi thực tế), lại do dịch Covid-19 bùng phát nên việc đi thực địa trong phạm vi và đối tượng hạn chế, chưa tiếp cận được nhiều các doanh nghiệp, người dân (đối tượng bị ảnh hưởng thiên tai trực tiếp), vì vậy kết quả đánh giá chưa toàn diện. Quá trình đánh giá phát hiện: một số tiêu chí không định lượng được, gây khó khăn trong quá trình đánh giá.

Chưa kể, đối với các địa phương năm 2021 không xảy ra thiên tai hoặc thiên tai không đáng kể thì không đánh giá các tiêu chí không phải thực hiện; đã xử lý bằng điểm quy đổi = (điểm đánh giá đạt được/điểm tối đa các tiêu chí đánh giá) x 100%, tuy nhiên vẫn có lợi thế hơn điểm quy đổi của các địa phương xảy ra nhiều thiên tai.

Thời gian đánh giá quá ngắn nên các chuyên gia chưa đánh giá hết chất lượng thực hiện từng tiêu chí mà mới chỉ thực hiện được việc kiểm tra việc thực hiện tiêu chí đủ yêu cầu hay không đủ.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương còn lúng túng khi xây dựng báo cáo và tự đánh giá (nội dung chưa bám sát theo các chỉ số, còn thiếu nhiều tài liệu kiểm chứng) dẫn đến báo cáo còn sơ sài, chưa đầy đủ. Vì vậy kết quả đánh giá cuối cùng chưa phản ánh hết năng lực thực tế của các địa phương...

Các địa phương chủ động trong công tác ứng phó và khắc phục thiên tai

Hội đồng thẩm định thống nhất đánh giá, Bộ chỉ số là một công cụ quan trọng giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành công tác PCTT, cho Chính phủ, cho Ban Chỉ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, lãnh đạo Bộ ngành, địa phương.

Trong các nhóm tiêu chí, nhóm tiêu chí về công tác phòng ngừa có kết quả thấp hơn, đây là vấn đề quan trọng đặt ra mà thời gian tới cần được quan tâm, xem xét.

Nhóm tiêu chí tổ chức Bộ máy, các địa phương cũng đã rất nỗ lực nhưng thứ hạng chỉ đứng thứ 3 trong 4 nhóm tiêu chí, trong quá trình đánh giá cần xem xét thêm yếu tố thực tiễn.

Công tác ứng phó và khắc phục được đánh giá rất cao, cho thấy các địa phương rất chủ động trong công tác ứng phó và khắc phục nhưng cũng có lý do khách quan là năm 2021 thiên tai ít xảy ra, thiên tai ở Việt Nam không khốc liệt, công tác ứng phó và khắc phục thuận lợi hơn.

Do lần đầu thực hiện, địa phương còn chưa quen với cách đánh giá, một số tiêu chí khó định lượng, …Vì vậy cần nghiên cứu cách thức công bố phù hợp: Báo cáo cuối cùng gửi địa phương, xếp hạng tốp 10, tốp 10 cuối, tốp các tiêu chí thành phần. Nghiên cứu chỉnh sửa Bộ chỉ số, cố gắng theo kết quả thực tiễn, phân tích Bộ chỉ số cũ để tìm ra nội dung chưa hợp lý một số tiêu chí, tiêu chí thành phần.

Mục tiêu của Bộ chỉ số nhằm xác định chỉ số PCTT để theo dõi, đánh giá, một các thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm của cấp tỉnh. Đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ PCTT trong tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả bằng định lượng thông qua điểm số; trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm giữa các tỉnh, thành phố. Thông qua chỉ số PCTT xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác PCTT, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác PCTT hàng năm./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công cụ quan trọng đánh giá công tác phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO