Công nghệ thông tin và truyền thông làm thay đổi thế giới

04/11/2015 07:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Các phương tiện thông tin và truyền thông (TT&TT) mới đã và đang làm thay đổi thế giới, thay đổi cả cách tư duy của mỗi con người. Bản thân mỗi người chúng ta cũng không thể thấy hết khả năng vô cùng của nó.

Nguyễn Long


Thế giới đang được thay đổi

Các phương tiện thông tin và truyền thông (TT&TT) mới đã và đang làm thay đổi thế giới, thay đổi cả cách tư duy của mỗi con người. Bản thân mỗi người chúng ta cũng không thể thấy hết khả năng vô cùng của nó.

Thế giới đang dần trở nên “phẳng”.

Khái niệm "phẳng" ở đây đồng nghĩa với "sự kết nối". Những rào cản được gỡ bỏ cùng với những tiến bộ vượt bậc của cách mạng số đang làm cho thế giới "phẳng ra" và không còn nhiều trở ngại về địa lý như trước. Trong một thời gian tương đối ngắn, những tác động của các phương tiện TT&TT mới đã tạo ra những biến đổi về văn hóa - xã hội sâu sắc ở mọi ngõ ngách của trái đất nơi chúng ta đang sống. Dù đó là những vùng đô thị sầm uất hay nông thôn hẻo lánh thì các phương tiện TT&TT mới đang đem lại cho con người những cơ hội để có một cuộc sống thuận tiện hơn và thách thức cũng lớn hơn. Điều này mở ra cho các quốc gia những phương thức sản xuất kinh doanh, những tình thế địa chính trị và địa kinh tế hoàn toàn mới.

Công nghệ TT&TT làm thay đổi thế giới

Các phương tiện TT&TT mới là một trong những thành tựu quan trọng nhất mà loài người đạt được trong vòng vài thập kỷ trở lại đây. Khi một công nghệ mới ra nhập xã hội, nó luôn va chạm tới hàng loạt các chuẩn mực văn hoá. Sự ra đời của bất kỳ một công nghệ nào cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với văn hóa - xã hội, tuy nhiên, sự xuất hiện của các phương tiện TT&TT mới trong thời gian vừa qua đã tạo nên những thay đổi văn hóa - xã hội sâu sắc. Những thay đổi ấy không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài xã hội hay con người, mà nó còn thấm sâu, làm thay đổi bản chất của xã hội cũng như chính đời sống tâm lý, thói quen của mỗi con người. Nó khiến cho xã hội chuyển động với một tốc độ nhanh hơn và các khoảng cách xã hội được thu hẹp hơn rất nhiều. Những giá trị xã hội cũng đang trong quá trình biến đổi.

Khi bàn về sự thay đổi của thế giới trong thời gian vừa qua, tác giả của cuốn “Thế giới phẳng”, Thomas L.Friedman đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các phương tiện TT&TT mới như là một trong những yếu tố căn bản nhất góp phần làm cho thế giới trở nên "phẳng" thông qua các kết nối Interrnet, điện thoại di động (ĐTDĐ), và các hình thức hỗ trợ kỹ thuật số khác.

Toàn cầu hóa là chủ đề vốn phức tạp và thu hút sự quan tâm của dư luận, với không ít những ý kiến trái ngược nhau, thông điệp mà T.L.Friedman chuyển tải không xa lạ đối với nhiều bạn độc giả. Toàn cầu hoá là hiện tượng khách quan, từng được biểu hiện lẻ tẻ có khi như một trạng huống, một tiến trình, nhưng giờ đây được nhìn nhận rõ nét và khái quát hơn, khi nó trỗi dậy trở thành một hệ thống quốc tế. Toàn cầu hoá thực chất đang ở vào giai đoạn tăng tốc, nó làm cho thế giới chuyển từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ và đồng thời san phẳng thế giới. Điều mà mọi người cần biết và cần nhớ đó là: Chúng ta đang sống trong một Thế giới Phẳng và Nóng và Chật.

Trong thế giới này, không chỉ các quốc gia, những tập đoàn kinh tế lớn như Dell, IBM, Wal-Mart... mà các cá nhân ở khắp mọi nơi trên hành tinh này, chỉ cần kết nối Internet và tiếp cận các công cụ của thế giới mới, là có thể cộng tác với nhau trong những chuỗi cung toàn cầu để tạo ra những giá trị gia tăng lớn hơn. Chiếc "bánh" toàn cầu ngày càng trở nên to hơn nhưng đồng thời cũng khó chia hơn....

Hàng triệu người ưa thích môi trường truyền thông đang dùng blog, wiki, chat room, và việc quảng bá cá nhân để góp tiếng nói của mình vào một dòng chảy đối thoại và tranh luận náo nhiệt được gọi là “bầu khí quyển blog” (Blogosphere). Wikinomics được hình thành. Các cá nhân tăng hiệu quả làm việc bằng cách cộng tác với đồng nghiệp bên ngoài giới hạn của tổ chức, tạo ra môi trường làm việc kiểu “wiki workplace” hay “nơi làm việc kiểu wiki”. Khách hàng trở thành những “người tiêu dùng chuyên nghiệp” bằng cách đồng sáng tạo ra hàng hóa và dịch vụ thay vì chỉ đơn giản là tiêu thụ sản phẩm đầu cuối. Ngày nay, từ bách khoa toàn thư, máy bay phản lực, hệ điều hành, cho đến các quỹ tương trợ và nhiều thứ khác, đang được tạo dựng bằng nhiều tập thể có số lượng hàng nghìn hay thậm chí hàng triệu, đó là những cộng đồng trực tuyến khổng lồ. Những chuỗi cung cấp hoạt động hiệu quả hơn và khả năng hoàn tất các dự án chính, bao gồm cả các sản phẩm phức tạp như máy tính, máy bay... được phân phối xuyên qua các mạng toàn cầu của các đối tác đang làm việc bình đẳng ngang hàng. Những công ty khôn ngoan có thể khai thác nguồn năng lực và tài trí tập thể này để thúc đẩy phát triển, tăng trưởng và thành công.

Môi trường làm việc hàng ngày đã vượt hẳn ra khỏi khuôn khổ những bức tường, các cuộc họp được tiến hành từ xa thông qua các phương tiện hội nghị truyền hình đã trở nên quen thuộc. Chỉ trong vài năm qua, việc cộng tác theo kiểu truyền thống – trong phòng họp, hội nghị, thậm chí trung tâm hội thảo – đã bị thay thế bằng kiểu cộng tác trên quy mô cực đại.

Tiến trình toàn cầu hoá không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế, chính trị, mà cả lĩnh vực văn hoá. Nó liên quan đến sự chung sống giữa các nền văn hoá trên quy mô toàn cầu.Trên thế giới không có "văn hoá thiểu số”, cũng không có "bản sắc văn hoá nhỏ"; những người dân trên thế giới càng nắm được nhiều thông tin thì họ càng có cách ứng xử tốt hơn trước các ngành văn hoá. Như vậy, họ trở thành những tác nhân hoàn chỉnh của toàn cầu hoá truyền thông và từng bước trở thành những tác nhân hoàn chỉnh trong trật tự xã hội.

Công nghệ là công nghệ ?

Mặc dù các phương tiện TT&TT là do con người phát minh ra, nhưng những công nghệ này đang có xu hướng chi phối luôn cả bản thân con người cùng những thói quen sinh hoạt.

Các thiết bị TT&TT di động không chỉ là một thiết bị liên lạc mà còn là một phương tiện quản lý cuộc sống, giải trí và ngày càng có thêm nhiều chức năng khác, Internet đã khiến cho các khái niệm không gian và thời gian trở nên tương đối cũng như trở thành một bước ngoặt trong mọi giao tiếp xã hội. Chính điều này đã khiến cho người sử dụng không thể rời xa các phương tiện TT&TT.

Dù biết rằng, công nghệ luôn luôn là công nghệ, nó không hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu, mà chỉ giúp con người trở nên thuận tiện hơn trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên, các phương tiện TT&TT mới đã khiến nhân loại lo lắng về một khả năng con người trở thành nạn nhân của máy móc. Những ví dụ diễn ra trên khắp thể giới đã cho chúng ta thấy chúng ta phụ thuộc vàoInternet và điện thoại di động đến mức như thế nào.

Tuy nhiên, câu chuyện không xảy ra một chiều như vậy. Công nghệ luôn mang tính chất trung tính, và việc con người sử dụng các công nghệ này đến đâu sẽ quyết định hiệu quả và ảnh hưởng của các công nghệ đối đối với xã hội mỗi nước.

Công nghệ TT&TT tạo nênkhông gian tương tác tối đa trong mọi mối quan hệ xã hội, các khoảng cách không gian và thời gian trở nên tương đối, một thế giới ảo dường như đang tồn tại và đan xen với thế giới thực, tất cả đã khiến các phương tiện TT&TT mới trở thành một công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ khi xuất hiện loài người.

Đối với các phương tiện TT&TT mới, sự thay đổi diễn ra vô cùng nhanh chóng. Thuật ngữ thế hệ giờ đây được tính toán theo các thế hệ công nghệ. Thế hệ công nghệ không còn là 10 hay 20 năm năm mà chỉ diễn ra trong vòng 1-2 năm, thậm chí chỉ vài tháng. Mọi tính toán cho tương lai 10 năm giờ trở nên khó khăn cho bất cứ ai trong lĩnh vực này. Xã hội cũng hình thành những thế hệ tương ứng với các thế hệ công nghệ TT&TT mới.

Bên cạnh những thuận lợi, các phương tiện TT&TT mới cũng đặt ra nhiều thách thức cho xã hội. Khoảng cách số vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện nay do những khác biệt về vùng miền, thu nhập, tuổi tác, giới tính và các khả năng khác nhau trong việc tiếp cận với các phương tiện TT&TT mới.

Thế giới phẳng là bộ mặt mới nhất của toàn cầu hóa cũng như những thành công và cả những nỗi bất bình mà nó mang lại. Với lập luận trung tâm về quá trình "trở nên phẳng" của thế giới, con người cần nhìn nhận mọi thứ theo một nhãn quan mới, và xét theo tiêu chí này.

Xu hướng nghiên cứu phát triển

Nghiên cứu về công nghệ và các phương tiện thông tin truyền thông mới là một xu hướng đang phát triển hiện nay. Đây là một trào lưu nghiên cứu rất được quan tâm.

Có rất nhiều lý do khiến cho hướng nghiên cứu này trở thành một trào lưu được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Đó là tầm quan trọng của TT&TT đối với những thay đổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội, văn hoá, chính trị, biến đổi trong cách thức hoạt động kinh tế của cộng đồng tới những thay đổi trong tâm lý và nhận thức của cá nhân; sự hẫp dẫn của bản thân các phương tiện TT&TT mới. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các tập đoàn sản xuất và các nhà cung cấp các dịch vụ TT&TT mới.

Sự phát triển của phương tiện TT&TT không phải bao giờ cũng nằm trong tầm kiểm soát của các nhà kỹ thuật. Một ví dụ là: Các nhà kỹ thuật đãđặt kỳ vọng khá nhiều vào điện thoại thấy hình, tuy nhiên công nghệ này có thể xem là đã thất bại khi đưa ra thị trường. Trong khi đó dịch vụ nhắn tin trên điện thoại lại trở nên thành công ngoài sự mong đợi. Đó là những bài học thực tế cho các nhà kỹ thuật, các công ty sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ TT&TT khiến họ phải tìm hiểu xem các phương tiện TT&TT đã được sử dụng ra sao.

Một đặc điểm quan trọng trong việc nghiên cứu về các phương tiện TT&TT mới có liên quan đến các tài trợ cho nghiên cứu. Phải nói rõ ràng rằng, đằng sau bản chất lý thú của các phương tiện TT&TT mới như tính mới mẻ, chưa được nghiên cứu nhiều, tác động sâu sắc đến xã hội, thì chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của các công ty, hãng truyền thông, sản xuất điện thoại lớn trên thế giới có tác động đến các nghiên cứu, các cuộc hội thảo được tiến hành về các chủ đề này.

Trên thực tế, việc nghiên cứu về các phương tiện TT&TT mới trên thế giới đã bao gồm một số khuynh hướng:

- Một số các nghiên cứu tập trung vào việc trả lời các câu hỏi ai là người sử dụng các phương tiện TT&TT mới, họ sử dụng với tần suất như thế nào và mục đích sử dụng ra sao cũng như ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của việc sử dụng các phương tiện TT&TT mới đó hoặc tiến hành các nghiên cứu, so sánh việc sử dụng giữa các quốc gia với nhau.

- Một số các nghiên cứu khác được đặc trưng bởi những giải thích về việc sử dụng các phương tiện TT&TT mới thông qua các lý thuyết hoặc phát triển lý thuyết thông qua các phân tích về các phương tiện TT&TT mới.

Kết luận

Thế giới đang thay đổi là câu chuyện có thật.

Những tiến bộ vượt bậc, nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ TT&TT đã nối liền mọi người trên thế giới lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Thế giới đang dần trở nên “phẳng” hơn và “hẹp” hơn, có nhiều cơ hội để con người đến gần với nhau hơn. Đó là thời cơ lớn cho sự hợp tác vàphát triển.

Những thành tựu của công nghệ đã tạo nên những biến động lớn diễn ra trong thời đại của chúng ta, giúp cho một số quốc gia trở nên phồn thịnh và đòi hỏi chúng ta phải tiến nhanh hơn nếu không muốn bị tụt hậu.

Tài liệu tham khảo

[1]. Thomas L.Friedman, “Chiếc Lexus và Cây Ôliu”, “Thế Giới Phẳng”, “Nóng, Phẳng, Chật”, NXB Trẻ, 2005, 2006, 2009.

[2]. Anthony D. Williams. Don Tapscott,Sự cộng tác đại chúng đã làm thay đổi thế giới như thế nào, NXB Văn hóa Thông tin, 2008.

[3]. Toàn cầu hóa văn hóa,Tạp chí Triết học, 2007.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ thông tin và truyền thông làm thay đổi thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO