Chuyển động ICT

Công nghệ và câu chuyện truyền cảm hứng của chàng trai "người điếc”

Anh Minh 07/11/2024 16:40

Cơn bạo bệnh ngày bé đã khiến Phạm Minh Chiến từ một cậu bé bình thường trở thành “người điếc”. Không đầu hàng số phận, Chiến nỗ lực học tập, rồi bén duyên với công nghệ.

Sau khóa học tại AWS, Chiến trở thành nhân viên của TechX, với ước mơ hỗ trợ cộng đồng điếc, khiếm thính.

Từ “code” đã dẫn lối đưa Chiến đến với công nghệ

Sinh ra là một cậu bé bình thường như bao em bé khác, nhưng đến năm 1-3 tuổi, Phạm Minh Chiến bị ốm, cơn sốt đã ảnh hưởng đến sức khỏe của em, rồi từ đó Chiến không nghe được nữa.

Chiến chia sẻ, tốt nghiệp cấp 3, đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn một con đường sự nghiệp cho mình, bạn đã rất băn khoăn trước hai ngã rẽ: học ngành kinh doanh hay ngành công nghệ. Thế rồi, rất tình cờ, Chiến đã đến với ngành công nghệ qua từ “code”.

“Em gặp từ code, em không hiểu đó là gì. Thế rồi em quyết tâm tìm hiểu, để rồi sau khi hiểu code là gì thì ngay lập tức, em chọn theo đuổi ngành công nghệ luôn”, Chiến nói.

minh-chien2.png
Phạm Minh Chiến tại TechX (ảnh do nhân vật cung cấp).

Khởi đầu chỉ đơn giản như vậy thôi, nhưng giờ đây Chiến đã tốt nghiệp trường Đại học Nguyễn Tất Thành ở TP.HCM, chuyên ngành công nghệ thông tin. Chiến đã trưởng thành và là một Data Steward (chuyên viên quy trình và chính sách quản trị dữ liệu) tại TechX.

Trong hành trình học tập và ra trường làm việc của mình, Chiến cho biết giao tiếp là một trong những khó khăn lớn nhất. Điều này cũng dễ hiểu khi Chiến là một người điếc - tiếng mẹ đẻ ngôn ngữ ký hiệu từ bé.

Nhưng công nghệ đã giúp Chiến vượt qua rào cản giao tiếp, bạn đã sử dụng tin nhắn, phần mềm chuyển đổi từ giọng nói sang văn bản và cả nhờ người phiên dịch để trao đổi với mọi người.

“Khi hòa nhập và làm việc chung với mọi người, em cảm thấy rất thú vị và luôn muốn cố gắng học hỏi thêm. Thực sự, học lập trình rất khó nhưng em muốn học và vượt qua thử thách, khó khăn để mọi người biết rằng người điếc có thể làm được”, Chiến tâm sự.

Chiến bắt đầu học AWS qua chương trình First Cloud Journey, với sự hỗ trợ tận tình của “sư phụ Gia Hưng”. Theo lời kể của Chiến, thầy Gia Hưng đã cho Chiến biết “AWS chấp nhận người điếc, khiếm thính”. Vì thế, Chiến đã nộp đơn và xin gia nhập vào chương trình AWS First Cloud Journey, trở thành thành viên của cộng đồng AWS Study Group. Anh Gia Hưng đã hỗ trợ, hướng dẫn và Chiến gọi anh bằng cái tên thân mật “sư phụ Gia Hưng”.

“Thầy Gia Hưng là trưởng bộ phận kiến trúc sư điện toán đám mây của AWS. Thầy và các bạn trong nhóm First Cloud Journey như Hoàng Kha, Thanh Hiệp, Hạnh Phạm và Bảo Châu đã hướng dẫn em và đồng hành hỗ trợ em rất nhiệt tình suốt gần 1 năm, giúp đỡ em tiến bộ rất nhiều từ thái độ, tác phong làm việc đến kiến thức chuyên môn. Em thật sự rất biết ơn thầy Gia Hưng , thầy không bao giờ nói em tệ hay trách mắng, thầy luôn có những cách nói động viên tích cực để em vượt qua khó khăn và tiến bộ hơn”, Chiến kể.

minh-chien.png
“Sư phụ Gia Hưng” (bên phải), Phạm Minh Chiến (ở giữa) và Kha (bên trái).

AWS Hoa Kỳ đã chấp nhận những người điếc, khiếm thính hoặc những người khuyết tật. Và bây giờ, những chương trình hỗ trợ người điếc, khiếm thính đang được mở rộng tại Việt Nam. “Điều quan trọng là các bạn điếc, khiếm thính muốn học và muốn làm”, Chiến nói. Chiến là người điếc đầu tiên tham gia chương trình AWS First Cloud Journey ở Việt Nam.

Ông Ngô Mạnh Hà, CTO kiêm đồng CEO của TechX, cũng là “sếp của Chiến”, cho biết trải qua 5 năm thành lập, TechX đã từng bước phát triển và muốn làm một điều gì đó khác biệt với thị trường, một điều mà trước giờ chưa ai làm. Đó là dùng công nghệ để thay đổi trải nghiệm và thói quen của người dùng ở Việt Nam.

Theo ông Hà, TechX luôn nỗ lực để xây dựng một môi trường làm việc khuyến khích sự khác biệt, giúp các bạn trẻ phát huy tối đa sở trường và các kỹ năng cá nhân. Văn hóa tại TechX đề cao bản sắc cá nhân, khích lệ mỗi thành viên tự do thể hiện cá tính mà không sợ gò bó. Nhờ sứ mệnh này, TechX đã thu hút nhiều bạn trẻ tiềm năng với năng lượng và kỹ năng đa dạng.

Câu chuyện về Chiến là minh chứng cho sự trưởng thành của TechX, cho thấy TechX ngày càng chuyên nghiệp và sẵn sàng đón nhận những cá nhân có sự khác biệt lớn hơn. “Trường hợp của Chiến cũng là trường hợp đầu tiên để xem liệu TechX, hay công nghệ, làm được gì cho những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như Chiến”, đồng CEO TechX chia sẻ.

Ước mơ dùng công nghệ để hỗ trợ cộng đồng người điếc, khiếm thính

Trở lại với Chiến, bạn cho biết trước khi tốt nghiệp vẫn chưa có ước mơ gì rõ ràng, cũng không nghĩ nhiều đến tương lai. “Nhưng đi làm và tiếp xúc với công nghệ, em bắt đầu nảy ra ý tưởng: tại sao mình không tạo ra một ứng dụng dành cho cộng đồng người Điếc, người Khiếm thính?”, Chiến nói.

Chiến cho biết thêm: “Em mong muốn ứng dụng AI vào những công cụ như Zoom hoặc các nền tảng video để tạo phụ đề hoặc hiển thị thông tin giúp cộng đồng người điếc, khiếm thính có thể đọc và tiếp cận dễ dàng hơn”. Đây là mục tiêu của Phạm Minh Chiến trong 5 năm tới.

“Cộng đồng người Điếc thường gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, việc nhờ người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đôi khi cũng gặp trở ngại do thiếu nguồn lực phiên dịch viên hoặc liên quan đến những vấn đề cần sự bảo mật thông tin, như các giao dịch ngân hàng, và đặc biệt là người điếc sẽ không thể chủ động trong mọi tình huống của cuộc sống. Vì vậy, một ứng dụng có thể chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản sẽ giúp người điếc tự chủ hơn, cho phép họ dễ dàng giao tiếp và tự giải quyết vấn đề mà không cần qua trung gian”, Phạm Minh Chiến cho biết.

Hiện tại, với Chiến, hạnh phúc nhất là được hỗ trợ cộng đồng người điếc và khiếm thính mỗi ngày, được phát biểu, được chia sẻ cho tất cả các bạn cùng học hỏi. Chiến mong muốn có thể xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi hơn cho người khuyết tật, đặc biệt là người điếc.

“Công nghệ sẽ giúp cuộc sống của những người khuyết tật trở nên dễ dàng và tốt đẹp hơn nhiều”, Chiến chia sẻ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Hợp nhất để hiện thực hóa cuộc cách mạng chuyển đổi số
    Việc Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ hợp nhất là một bước hiện thực hóa cuộc cách mạng chuyển đổi số cũng như cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
  • ‏VINASA ra mắt Ủy ban Đạo đức AI
    ‏Ngày 5/12, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã công bố thành lập Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo (AI) . Ủy ban này ra đời nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu của AI và bảo vệ các giá trị xã hội.‏
  • ‏"Bố già" AI thế giới: Không nên thiết kế “bản năng sinh tồn” cho AI‏
    Nguyên tắc quan trọng được GS. Yoshua Bengio - người được mệnh danh như một "bố già" AI trên thế giới, nên tránh thiết kế "bản năng sinh tồn" cho các hệ thống AI, để tránh trở thành những AI lừa đảo.
  • Chính sách giáo dục có lợi cho nhà giáo
    Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2024.
  • Giữ vững nguyên tắc chiến lược trong quan hệ đối ngoại thời kỳ hội nhập
    Những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ và câu chuyện truyền cảm hứng của chàng trai "người điếc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO