Công tác ngoại giao kinh tế bám sát nhu cầu trong nước và định hướng của Đảng, Chính phủ

TC| 30/11/2022 15:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Những nỗ lực và hành động của công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp lớn vào các kết quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo phát biểu của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tại Hội nghị giao ban về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong năm 2022, công tác ngoại giao kinh tế đã bám sát các nhu cầu trong nước, các định hướng lớn về đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Từ trọng tâm là ngoại giao vaccine để phục vụ phòng, chống dịch bệnh hồi đầu năm, công tác ngoại giao kinh tế đã kịp thời chuyển theo hướng thúc đẩy phục hồi và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả. Những nỗ lực và hành động của công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp lớn vào các kết quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong năm.

Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định công tác ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng đánh giá cao các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện đã nỗ lực đóng góp vào các kết quả phục hồi kinh tế - xã hội trong 10 tháng đầu năm 2022. Công tác ngoại giao kinh tế đã bước vào giai đoạn phát triển mới, có nhiều yêu cầu hơn và được kỳ vọng nhiều hơn.

Ba chủ đề trọng tâm đã được các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện và Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế trao đổi tại Hội nghị. Đó là hoạt động đánh giá triển vọng và những vấn đề lớn đặt ra đối với kinh tế thế giới, chia sẻ thông tin về tình hình sở tại và kinh nghiệm xử lý của các nước đối với các thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư và tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Và vấn đề trọng tâm thứ ba là các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng và đa dạng hóa thị trường.

Hội nghị giao ban về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển dự kiến sẽ được Bộ Ngoại giao tổ chức định kỳ hàng tháng, với mục đích đưa ra cái nhìn rõ nét hơn về những diễn biến trên thế giới và khu vực, cũng như nhìn nhận về công tác ngoại giao kinh tế, tình hình triển khai nhằm phục vụ phát triển. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có những tham mưu, đề xuất về phương hướng triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới, theo sát nhu cầu trong nước cũng như những chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Những vấn đề của kinh tế thế giới như nguy cơ suy thoái, rủi ro lạm phát toàn cầu và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đang đặt ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế đang phát triển và có độ mở lớn như Việt Nam, đặc biệt khi công tác dự báo khó khăn trước các diễn biến bất thường. Vì thế, công tác ngoại giao kinh tế đang được Chính phủ kỳ vọng sẽ ngày càng tăng cường hơn nữa vai trò tham mưu chính sách, phương hướng phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước./.

Bài liên quan
  • Hải Dương tích cực triển khai công tác ngoại giao kinh tế
    Hải Dương đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp và Bỉ, với sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công tác ngoại giao kinh tế bám sát nhu cầu trong nước và định hướng của Đảng, Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO