Cú hích cho doanh nghiệp chuyển mình
Các doanh nghiệp Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong 9 tháng của năm 2024. Đặc biệt là sức ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng gần ngang với con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đầu năm 2024 là 121.898 doanh nghiệp, tăng 3,42% cùng kỳ năm 2023; số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.158.536 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023; số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 735.097 lao động, giảm 3,37% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 9/2024, có 11.216 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 92.818 tỷ đồng, giảm 5,03% về số doanh nghiệp và giảm 5,81% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 2.310.525 tỷ đồng (giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023). Quy mô vốn đăng ký bình quân/một doanh nghiệp đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 9 tháng đầu năm trong 5 năm 2019-2023 (12 tỷ đồng).
Số liệu cũng cho thấy, các vùng chịu thiệt hại trực tiếp từ cơn bão Yagi có số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9 giảm so với tháng trước đó là Đồng bằng Sông Hồng (giảm 16,7%), Trung du và miền núi phía Bắc (giảm 33,3%). Trong đó, các địa phương có mức giảm mạnh so với tháng 8 là Thái Nguyên (giảm 41,2%), Bắc Giang (giảm 36,5%), Vĩnh Phúc (giảm 36,0%), Quảng Ninh (giảm 31,5%), Tuyên Quang (giảm 28,6%) và Lào Cai (giảm 28,3%).
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2024 có 163.761 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 53,1%). Tính riêng tháng 9 có 13.248 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chủ yếu tập trung vào tháng 1/2024 (doanh nghiệp thường lựa chọn thời gian tạm ngừng vào thời điểm đầu năm tài chính). Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng của năm 2024 là 86.904 doanh nghiệp. Phần lớn là doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 36.753 doanh nghiệp (chiếm 42,3%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 77.745 doanh nghiệp (chiếm 89,5%). Riêng trong tháng 9/2024 có 4.233 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 20,6% so với tháng 8/2024.
Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể trong 9 tháng của năm 2024 là 61.491 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 53.378 doanh nghiệp (chiếm 86,8%). Riêng trong tháng 9/2024 có 7.410 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 43,6% so với tháng 8/2024.
Số doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng đầu năm 2024 là 15.366 doanh nghiệp, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 14/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 10.326 doanh nghiệp (chiếm 67,2%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 13.482 doanh nghiệp (chiếm 87,7%, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023). Riêng trong tháng 9 có 1.605 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự kiến, quý cuối cùng của năm 2024 sẽ có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên so với quý III/2024; 40,4% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất với 84,8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý trước; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 81,7% và 81,1%.
Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), trong nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025 vẫn có nhiều biến số trong khi nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do dịch Covid-19, lạm phát năm 2023 và gần đây là ảnh hưởng của bão Yagi.
Vì vậy, sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân và doanh nghiệp và cần được liên tục duy trì, lan tỏa đến các cấp cơ sở để đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi.
Về định hướng chính sách, Thủ tướng Chính phủ không chỉ cần tập trung vào các doanh nghiệp lớn “hiện hữu”, mà cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt. Việc đặt ra các bài toán lớn quốc gia theo cơ chế “đặt hàng” với yêu cầu “liên kết chuỗi giá trị nội địa”, đồng thời với các cơ chế minh bạch và đảm bảo sự công bằng, không phân biệt giữa các doanh nghiệp khu vực nhà nước với khu vực tư nhân là xu hướng được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng.
Bên cạnh việc Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo…, Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh các cơ chế hợp lực công - tư. Đặc biệt, với việc Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 7/10, được kỳ vọng sẽ kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển.