Truyền thông

Cửa khẩu thông minh – “chìa khóa vàng” giúp kinh tế Lạng Sơn cất cánh

Đỗ Thêu 20/06/2024 10:51

Chuyển đổi số trong hoạt động cửa khẩu được tỉnh Lạng Sơn xác định là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế quan trọng. Năm 2024, với việc triển khai xây dựng đề án thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nước nhà.

anh-2.1.jpg
Năm 2024, Lạng Sơn triển khai xây dựng đề án thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh.

Địa phương tiên phong chuyển đổi số tại cửa khẩu

Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số để quản lý hoạt động cửa khẩu.

Việc triển khai, ứng dụng thành công nền tảng cửa khẩu số đã giúp Lạng Sơn nhận được giải thưởng Vietsolutions 2022 hạng mục bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương. Tới năm 2023, Lạng Sơn tiếp tục được vinh dự là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”.

Mang trong mình vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là cầu nối khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc và Hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, tỉnh Lạng Sơn có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện Lạng Sơn có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và chín cửa khẩu phụ với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan tổ chức, xây dựng một nền tảng số dùng chung duy nhất tại khu vực cửa khẩu.

Theo đó, tỉnh đã chọn cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) và cửa khẩu phụ Tân Thanh (huyện Văn Lãng) để triển khai nền tảng cửa khẩu số. Kết quả từ tháng 7/2021 đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lạng Sơn đã tạo ra một nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: AI, Bigdata, Cloud và bảo đảm về an toàn thông tin, giúp các lực lượng chức năng và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất.

Theo thống kê, đến nay 100% các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và các xe chở hàng đều được khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Nói về vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động cửa khẩu, lãnh đạo Cục hải quan Lạng Sơn cho biết, trước đây, trung bình doanh nghiệp phải khai báo năm loại giấy tờ cho mỗi xe, mất nhiều thời gian và phải di chuyển xa. Các cơ quan chức năng căn cứ tờ khai tiến hành nhập vào phần mềm riêng để phục vụ thống kê và việc nhập liệu chậm dẫn tới tình trạng ùn tắc tại các cổng.

Thời gian vừa qua, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chống vượt tuyến trong toàn bộ các hoạt động của cửa khẩu, hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của con người, các dữ liệu được công khai, giúp ngăn ngừa những tiêu cực phát sinh. Bên cạnh đó, nhờ chuyển đổi số trong hoạt động cửa khẩu, mà thuế, phí sẽ được thu đúng, thu đủ, không thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Quyết tâm xây dựng cửa khẩu thông minh

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, năm 2024, UBND tỉnh Lạng Sơn triển khai xây dựng đề án thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh, áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và khu vực mốc 1088/2-1089 từ 4 làn xe lên 8 làn xe.

Trước mắt, lực lượng chức năng lựa chọn mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử xuất khẩu của Trung Quốc để thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh.

Về mô hình quản lý, vận hành khai thác, sẽ xây dựng một Trung tâm chỉ huy điều hành tại các cửa khẩu. Lộ trình thực hiện, đề án được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ quý II/2024 đến hết quý II/2026 (giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng) và giai đoạn 2 từ quý III/2026 đến hết quý III/2029 (giai đoạn thực hiện thí điểm), dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là 7.968 tỷ đồng.

Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh là phù hợp chủ trương, định hướng của Chính phủ cũng như của tỉnh Lạng Sơn. Mô hình đi vào hoạt động sẽ giúp cho việc thông quan hàng hóa được diễn ra nhanh chóng, không tiếp xúc, không bị gián đoạn, nâng cao hiệu suất và giải quyết được vấn đề ùn tắc, nhất là trong thời gian cao điểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân.

Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu Tân Thanh đóng vai trò là “Trung tâm thương mại nông nghiệp”, là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh.

anh-2.2.jpg
Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”.

Tuyến liên vận đường sắt quốc tế ga Đồng Đăng sẽ trở thành tuyến vận tải đường dài có tính cạnh tranh cao dựa trên dịch vụ logistics và dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại, tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN. Hiện, tỉnh đang xây dựng cơ chế thu hút, huy động khoảng 14.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư các dự án trong khu kinh tế cửa khẩu, phấn đấu đến năm 2030, phát triển khu kinh tế cửa khẩu thành Trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, xanh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cửa khẩu thông minh – “chìa khóa vàng” giúp kinh tế Lạng Sơn cất cánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO