Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí
Chương trình phối hợp nâng cao hiệu quản lý nhà nước về báo chí và đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giai đoạn 2020 - 2025 giữa Cục Báo chí (Bộ TT&TT) và Sở TT&TT Hà Nội vừa được ký kết chiều ngày 11/9.
Mục đích của chương trình là bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền trong giai đoạn 2020 - 2025. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực thi cơ chế chính sách, quy định của pháp luật về báo chí.
Chương trình cũng nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu liên quan đến hoạt động báo chí, thông tin báo chí phản ánh các vấn đề kinh tế - xã hội và sự kiện chính trị để phát huy khả năng, thế mạnh của mỗi bên trong công tác quản lý.
Theo nội dung chương trình, Cục Báo chí và Sở TT&TT Hà Nội sẽ phối hợp trong các công tác: tham mưu xây dựng chính sách và quản lý nhà nước về báo chí; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về báo chí; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trong xây dựng, chia sẻ thông tin dữ liệu và báo chí.
Cụ thể, với công tác tham mưu xây dựng chính sách và quản lý nhà nước về báo chí, Cục Báo chí sẽ chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện; chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm xây dựng, triển khai các quy định pháp luật về báo chí.
Cục Báo chí cũng hỗ trợ, hướng dẫn Sở TT&TT Hà Nội trong triển khai quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng Trung tâm báo chí Thành phố; tháo gỡ vướng mắc trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí trên địa bàn…
Về phía Sở TT&TT Hà Nội, sẽ tăng cường khảo sát, đánh giá tình hình thực thi pháp luật về báo chí. Trên cơ sở đó, kịp thời nêu ra những bất cập trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về báo chí.
Đồng thời, phối hợp đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về báo chí; tích cực góp ý xây dựng các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật do Cục Báo chí chủ trì xây dựng, soạn thảo.
Với các nhiệm vụ công tác về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và chia sẻ thông tin dữ liệu về báo chí, hai đơn vị thống nhất phối hợp chặt chẽ trong quá trình xử lý vi phạm và chia sẻ thông tin về dấu hiệu vi phạm thuộc lĩnh vực báo chí; trao đổi các dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí...
Sẽ tăng quyền thực thi pháp luật về báo chí cho Sở TT&TT
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định, chương trình phối hợp giữa Cục Báo chí và Sở TT&TT Hà Nội thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ TT&TT và thành phố Hà Nội.
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, công tác báo chí Thủ đô còn gặp một số khó khăn như: việc hỗ trợ, đặt hàng tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành phố với các cơ quan báo chí còn chậm; công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí có lúc, có nơi chưa kịp thời dẫn đến còn một số vấn đề "nóng" khiến dư luận quan tâm; tính định hướng, tác động đến dư luận xã hội của các cơ quan báo chí Hà Nội còn hạn chế, chưa tương xứng với vị thế của báo chí Thủ đô...
"Qua chương trình phối hợp, Sở TT&TT mong muốn Cục Báo chí sẽ có những hướng dẫn, phối hợp kịp thời và cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về báo chí, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn Hà Nội", ông Liêm chia sẻ.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, nội dung chương trình phối hợp bản chất là nhằm phục vụ tốt công tác quản lý báo chí và phát triển báo chí trên địa bàn.
Theo ông Lâm, bên cạnh việc phải hoàn thành quy hoạch báo chí ở Trung ương và địa phương ngay trong tháng 9/2020, một việc lớn nữa từ nay đến cuối năm 2020 là cấp đổi thẻ nhà báo. "Bộ TT&TT vừa có hướng dẫn cấp đổi thẻ nhà báo và lần đầu tiên việc này được thực hiện online, dù vẫn nhận bản cứng để kiểm tra. Các Sở TT&TT sẽ được cấp tài khoản để theo dõi, có ý kiến", ông Lâm cho biết.
Lý giải rõ hơn về vai trò của Sở TT&TT, người đứng đầu Cục Báo chí nêu, việc cấp đổi thẻ nhà báo trong năm nay và sau này là cấp mới sẽ tham vấn ý kiến của Sở TT&TT địa phương ở 2 vấn đề: một là đúng đối tượng, hai là quá trình hoạt động báo chí có vấn đề gì hay không.
"Lần đầu tiên Sở TT&TT địa phương có quyền tham vấn về các cơ quan báo chí Trung ương nhưng hoạt động thường trú tại địa bàn. Cũng về quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đang kiến nghị Chính phủ chuyển mạnh theo hướng tăng quyền lực thực thi pháp luật về quản lý báo chí cho các Sở TT&TT", ông Lâm thông tin thêm.
Các lĩnh vực trọng tâm sẽ được tăng cường phối hợp:
- Theo dõi thông tin đăng trên báo chí; phối hợp xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về báo chí. Thiết lập kênh trao đổi, xử lý nhanh các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực báo chí trên địa bàn Hà Nội.
- Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo, bản quyền tác giả trong lĩnh vực thông tin báo chí.
- Phối hợp trong việc tăng cường sử dụng số liệu báo chí lưu chiểu, đo kiểm, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền của cơ quan báo chí.
- Phối hợp trong hoạt động rà soát, xử lý thông tin sai sự thật tại địa phương.
- Phối hợp quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thuộc các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú độc lập của các cơ quan báo chí Trung ương hoặc báo chí của các địa phương khác tại Hà Nội.
- Phối hợp trong thông tin, tuyên truyền về các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn Hà Nội cũng như những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.