Cuộc cách mạng công nghệ qua góc nhìn đa chiều trong “Bàn cờ mới”
Cuốn sách "Bàn cờ mới: Tương lai quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên AI" do TS. Vũ Lê Thái Hoàng chủ biên phân tích tác động của AI đến trật tự toàn cầu, đồng thời chỉ ra cơ hội và thách thức cho Việt Nam trên hành trình trở thành trung tâm AI khu vực.
.jpg)
Tác phẩm tập hợp 10 bài viết chuyên sâu từ các chuyên gia hàng đầu, mổ xẻ mối quan hệ đa chiều giữa AI và quan hệ quốc tế.
Mở đầu bằng việc phân tích tác động tổng thể của AI đến môi trường đối ngoại và cấu trúc quyền lực, sách đi sâu vào vai trò của công nghệ này trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, cũng như những hệ lụy đối với an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của cuốn sách là phân tích về tương lai xung đột vũ trang trong kỷ nguyên AI. Các tác giả chỉ ra cách công nghệ này đang thay đổi bản chất chiến tranh, từ vũ khí tự động đến chiến dịch tác chiến mạng.
Đồng thời, sách cũng dành nhiều trang thảo luận về những thách thức mới nổi như bảo vệ chủ quyền dữ liệu, ứng phó với chiến dịch thao túng thông tin và mối đe dọa từ công nghệ Deepfake.
Cuốn sách có bố cục bao gồm: (1). Tổng quan về trí tuệ nhân tạo và các vấn đề đặt ra; (2). Tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế; (3). Cạnh tranh nước lớn trong thời đại trí tuệ nhân tạo; (4). Trí tuệ nhân tạo và tương lai của xung đột vũ trang; (5). Phát triển kinh tế trong thời đại của trí tuệ nhân tạo; (6). Trí tuệ nhân tạo và các vấn đề toàn cầu; (7). AI tạo sinh và vấn đề chủ quyền quốc gia về dữ liệu trong quan hệ quốc tế hiện đại; (8). Tác động của Deepfake tới an ninh thông tin quốc gia trong thời đại AI; (9). Quản trị trí tuệ nhân tạo - thách thức và giải pháp; (10). Triển vọng của trí tuệ nhân tạo và hàm ý cho Việt Nam.
Không chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh, "Bàn cờ mới" còn mở rộng phân tích sang lĩnh vực kinh tế và phát triển bền vững. Nhóm tác giả đánh giá cả cơ hội lẫn rủi ro khi AI trở thành động lực tăng trưởng, đồng thời chỉ ra những lỗ hổng trong quản trị toàn cầu đối với công nghệ này.
Đặc biệt, cuốn sách dành sự quan tâm đặc biệt đến vị thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng AI. Các chuyên gia phân tích kỹ lưỡng những lợi thế và điểm yếu của quốc gia, từ đó đề xuất các chính sách cụ thể để Việt Nam có thể vươn lên trở thành trung tâm AI của khu vực, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ những mặt trái của công nghệ.
Với cách tiếp cận đa ngành và hệ thống, "Bàn cờ mới" không chỉ là tài liệu tham khảo quý giá cho giới hoạch định chính sách, mà còn mở ra những góc nhìn mới mẻ cho độc giả quan tâm đến tương lai của quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên số./.