Cuộc chiến phòng chống thiên tai đòi hỏi sự bền bỉ, không ngừng nghỉ
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có một chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường. Chính vì vậy, chúng ta không được lơ là, chủ quan. Và cuộc chiến chống lại thiên tai phải bền bỉ và không ngừng nghỉ.
Thiên tai luôn là loại hình gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của một quốc gia nhiều hơn bất cứ loại hình nào.
Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở nước ta, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD.
Năm 2016, thiên tai làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng. Năm 2017 tăng lên 386 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng. Năm 2018 có 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Năm 2019, thiên tai làm 133 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng. Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, với tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ đã làm 267 người chết và gây thiệt hại 35.800 tỷ đồng.
Năm 2021, thiên tai làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng. Đây là năm có số thiệt hại về thiên tai thấp nhất trong vòng 20 năm qua trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động, trong đó có hoạt động phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn
Cần chiến lược toàn diện
Trước những diễn biến ngày càng bất thường của tình hình thiên tai, để có giải pháp hoàn chỉnh cả trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, đối với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, khu vực chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác.
Về vấn đề này, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai khu vực này, cần tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Cùng đó, nhanh chóng hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã.
Đồng thời phải triển khai thực hiện hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai, kịch bản phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai, đề xuất, kiến nghị trang thiết bị phòng, chống thiên tai...
Các bộ, ngành, địa phương liên quan cần quan tâm chỉ đạo các công tác về hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hồ chứa, đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, nhà ở an toàn trước thiên tai, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của cộng đồng, nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai…
Trên cơ sở kế thừa Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, tiếp tục thực hiện chủ tương, chính sách và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống thiên tai, góp phần từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu là chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, tổ chức lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Thêm vào đó, 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai…
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, để thực hiện được các mục tiêu trong công tác phòng, chống thiên tai cả trước mắt và lâu dài các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nguồn lực thực hiện.
Cần nhiều mô hình phù hợp từng địa phương
Đặc biệt, nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho từng vùng, miền cần cụ thể hóa, tương ứng với các loại hình thiên tai điển hình bao gồm: Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vùng miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ; vùng duyên hải miền trung; vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; trên biển và hải đảo và các đô thị lớn.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sẽ phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; xây dựng khung giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược hàng năm.
Nhận định đúng diễn biến của thiên tai, đề ra những giải pháp sát thực đã hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Từ thực tiễn và tổng kết đánh giá từ địa phương, thời gian qua đã có một số mô hình điển hình về phòng chống thiên tai đã và đang phát huy hiệu quả.
Trong đó, phải kể đến mô hình phòng, chống thiên tai tại cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Đây là khu vực “rốn lũ” điển hình của miền Trung với khoảng 200 hộ dân hàng năm đều bị ngập sâu.
Đến nay đã có khoảng 50% các hộ dân đều có nhà vượt lũ với tầng trên có thể đảm bảo vượt mức lũ lịch sử cao nhất; mỗi hộ có 1-2 chiếc thuyền để đi lại trong lũ. Các hộ dân đều dự trữ lương thực, thuốc men, chất đốt, nước sạch; vật nuôi được di chuyển lên núi khi có cảnh báo ngập lụt; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ cho phù hợp với tình hình thiên tai.
Hay tại xã Tân Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) là khu vực “rốn lũ” với 150 hộ dân. Khi có cảnh báo về mưa lũ, người dân đã chủ động chuẩn bị ứng phó từ sớm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; các hộ dân đều xây dựng nhà phao để chống lũ.
Do vậy, trong các đợt mưa lũ vừa qua, hai địa phương nêu trên đều không bị thiệt hại về người mặc dù ngập sâu trong thời gian kéo dài./.