Bức tranh đất nước Tây Ban Nha
Tác phẩm gồm 6 truyện ngắn, 5 truyện đầu, dù không mang yếu tố Tây Ban Nha, thể hiện bức tranh đa chiều về tội lỗi con người và cái chết. Truyện ngắn cuối cùng được đặt đúng như tên của tuyển tập, chiếm gần một nửa tổng số trang, được viết dưới dạng những bức thư Mérimée viết cho giám đốc Tạp chí Paris từ năm 1830 - 1833. Truyện đã được tái bản vô số lần tại Pháp nhưng lại không được nhiều người biết đến, có lẽ vì sự độc đáo lạ thường của câu chuyện khiến độc giả bất ngờ lẫn hoang mang.
Chủ đề về cái chết và tội lỗi của con người xuất hiện nhiều trong các câu chuyện. Mérimée viết về tội lỗi dưới muôn hình vạn trạng, cả dưới góc độ Kitô lẫn thế tục. Trong đó tội lỗi của con người vẫn còn tính người, là những tội lỗi mà một lúc nào đó, bất cứ người nào cũng có thể thoáng thấy nơi bản thân mình. Tội lỗi ở đây khá đa dạng, có khi nhân vật chính là hiện thân của tội lỗi (chàng Federigo mê bài bạc, Saint-Clair hay ghen tuông), có khi cả câu chuyện là tội lỗi (chiến tranh trong truyện Hạ đồn, hành quyết phạm nhân trong Một cuộc hành quyết).
Với Mérimée, chiến tranh, giết chóc là những điều nên bị loại bỏ khắp nơi trên thế giới, còn tội lỗi của các nhân vật có thể gây ra bất hạnh cho người khác, nhưng cũng có thể không, và Mérimée không đóng vai công tố viên tố cáo hay phê phán họ. Chính vì lẽ đó mà cho những tội lỗi của những con người ấy lại dễ chịu, dễ tha thứ, đôi khi còn hài hước trong truyện ngắn của Mérimée.
Điểm nổi bật trong tác phẩm này phải nói đến bức tranh Tây Ban Nha lãng mạn mà hiện thực ở truyện ngắn cuối cùng, gồm bốn bức thư của Prosper Mérimée. Được viết ở Madrid, Valencia và Andalousia, các truyện ngắn viết về Tây Ban Nha với những trận đấu bò, những tên cướp, phạm nhân và cả phù thủy.
Ông nói về tình yêu với đất nước này một cách độc đáo: "Tôi không biết liệu lòng ái quốc của ngài có dung thứ cho sự thiên vị của tôi đối với đất nước Tây Ban Nha hay không. Bởi lẽ chúng ta đang ở chương bàn về tử hình, nên tôi sẽ nói với ngài rằng, nếu tôi ưa những cuộc hành quyết ở Tây Ban Nha hơn ở xứ ta thì tôi cũng thích các nhà ngục của họ hơn nhiều [...]." và ở Tây Ban Nha, "thà đối xử tốt với một tên vô lại còn hơn thiếu tôn trọng một người lịch thiệp".
Một tác giả đặc biệt
Nhắc đến những nhà văn tiểu biểu của nền văn học Pháp thế kỷ 19, ta thường nghĩ đến Victor Hugo, Honoré de Balzac, Gustave Flaubert hay học trò của ông là Guy de Maupassant - bậc thầy truyện ngắn. Tuy vậy, không nhiều độc giả Việt Nam biết đến một tác giả truyện ngắn khác đóng vai trò quan trọng không kém, đó là Prosper Mérimée.
Là nhà văn theo chủ nghĩa lãng mạn, Mérimée không chua chát như Voltaire, không lên án tố cáo như Balzac, cũng không lạc quan như Hugo, ông thường viết với tâm thế cảm thông, châm biếm mà nhẹ nhàng, êm ả, lặng lẽ.
Cho đến giờ, độc giả Việt Nam mới biết đến Mérimée qua cuốn "Carmen". Tây Ban Nha trong truyện ngắn của Mérimée là đất nước của con người, của ánh mặt trời chói chang, của những con đường đầy bụi bặm và của cả những đam mê nơi mỗi người.
Về phong cách, các truyện ngắn của Mérimée không thiếu những lời châm biếm lạnh lùng mà hài hước khi nói về bản tính của con người. Dẫu đôi khi bị chê là bàng bạc, đến nỗi Victor Hugo phải thốt lên "Khung cảnh phẳng lặng như Mérimée", thì những truyện ngắn của ông vẫn luôn êm ả, lặng lẽ dù dửng dưng, lạnh lùng.
Với văn phong gọn ghẽ, chính xác và gợi hình, Prosper Mérimée đã tạo ra những vũ trụ đẹp như tranh, tô điểm cho các câu chuyện của mình bằng những suy ngẫm về ngôn ngữ hay lịch sử một dân tộc. Song chủ nghĩa hiện thực ở ông không chỉ mang tính tài liệu thuần túy mà trở thành phông nền cho các sự kiện kỳ lạ, có thể khiến người đọc bối rối. Ở điểm này, Mérimée quả thực xứng với danh hiệu bậc thầy nghệ thuật truyện ngắn.
Prosper Mérimée (1803-1870) là nhà văn, kịch tác gia, sử gia và nhà khảo cổ người Pháp. Xuất thân trong một gia đình tư sản có truyền thống nghệ thuật, Prosper Mérimée học luật trước khi hướng sự quan tâm của mình đến văn chương và bắt đầu xuất bản tác phẩm đầu tiên vào năm 1825.
Các sáng tác của Mérimée, đặc biệt là các truyện ngắn (trong số đó có lẽ được biết đến nhiều nhất là Carmen, tác phẩm được Georges Bizet chuyển thể thành vở opera nổi tiếng cùng tên), đã làm nên tên tuổi ông và đưa ông trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp năm 1844./.