Truyền thông

Cuốn sách dành cho người yêu thích mỹ thuật

AD 15/10/2024 11:16

Đọc những lời Trịnh Lữ viết, xem tranh Trịnh Lữ vẽ, bạn đọc hẳn bao giờ cũng sẽ có cảm giác ngồi xuống, uống trà, xem tranh, trò chuyện thân tình…

“Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ” - là 70 đoạn ghi chép kèm theo gần 70 bức tranh phong cảnh được in màu toàn bộ trên giấy C120 của Họa Sĩ Trịnh Lữ trong hơn 100 ngày đạp xe đi vẽ phong cảnh trên đất Mỹ.

di-ve(1).jpg

Trong buổi triển lãm tranh năm 2015 tại Hà Nội, họa sĩ Trịnh Lữ đã giới thiệu về nội dung cuốn sách của mình bằng một loạt câu hỏi sâu sắc về hội họa:

Phong cảnh là gì?

Là hình tượng của Trời, Đất, và Đời.

Vẽ phong cảnh là đi tìm những hình tượng ấy chăng?

Cũng không hẳn thế.

Vậy thì vẽ gì?

Vẽ cái hữu duyên chợt nhìn thấy, nhận ra.

Gọi là gì?

Là cái “giao cảm” riêng tư giữa mình với cảnh.

Khi mình cũng đang là khóm cây, ngọn cỏ, vệt nắng, vẩn mây

Đang cùng thầm hát theo tiếng nhạc đời trầm lắng...

Những tự vấn ấy len lỏi vào lời, vào tranh, lời nào, tranh nào cũng đầy bồi hồi, tha thiết. Từ mối “giao cảm” của tác giả với cảnh, mà ta nghe ra mối giao cảm của ta với tác giả. Vậy nên, cuốn sách này của họa sĩ Trịnh Lữ, vẽ cảnh nước người mà cái tâm tình thì gần gũi...

Cuốn sách được Phương Nam và Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn xuất bản lần đầu vào năm 2015. Tuy nhiên, ở lần xuất bản này, sau 10 năm, Omega+ đã có những thay đổi để nâng cao trải nghiệm cho độc giả như khổ sách, cỡ chữ trong nội dung và tranh đều to hơn mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm đọc và xem tranh tốt hơn; Bổ sung, phần thêm là những “sự kiện tốt lành khác” có được sau hơn 100 ngày đạp xe đi vẽ của tác giả trong năm 2014, như ông đã chia sẻ trong sách này.

Cùng với đó là bìa sách với hình ảnh “cái ba lô liền ghế và chiếc xe đạp làm plein air studio” - đồ nghề đi vẽ khi ấy của tác giả - một bức ảnh do tác giả chụp.

Cuốn sách này dành cho tất cả độc giả yêu thích Trịnh Lữ, yêu thích mỹ thuật, yêu thích tản văn nhẹ nhàng…, “bạn đọc có lòng với cuộc đời và hội họa”, như Phạm Long viết.

Ông Phạm Long (sinh năm 1960 tại Hà Nội) là Tiến sĩ Vật lý, từng tham gia chuyển ngữ một vài cuốn sách nghệ thuật như Về cái Tinh thần trong Nghệ thuật (Kandinsky), Điêu khắc Ngày nay (Judith Collins), Lê Quảng Hà: Kỳ hình Dị tướng (Shireen Naziree), Francis Bacon: Họa sĩ thì phải vẽ (Michel Archimbaud), Trò chuyện với Dali (Alain Bosquet)... song phần lớn đều không xuất bản mà chỉ chia sẻ cho bạn bè đọc chơi. Ông cũng tham gia viết tự do cho các tạp chí Mỹ thuật, Nghiên cứu Mỹ thuật, Mỹ thuật Nhiếp ảnh, và vài tờ báo mạng và được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Nói về cuốn sách được xuất bản lần này, ông Phạm Long, người chủ trương giới thiệu cuốn sách đánh giá: “Càng xem tranh ông, đọc các ghi chép đi vẽ hằng ngày của ông, người mê tranh, mê chữ như được đồng thỏa niềm khát. Bảng màu của ông dung dị mà sang trọng, bút pháp hàn lâm, thâm hậu, ấn tượng và biểu cảm. Giọng văn ông gần gũi, nhẹ nhàng, giàu thi tính, khiến người đọc thấy như đang được rong ruổi xe đạp cùng ông, dựng giá vẽ bên lối mòn trong rừng hay ngồi phệt xuống đâu đó bên vệ cỏ một chiều ẩm ướt, nghe ông thủ thỉ chuyện đời trong khi chứng kiến những nét thiên nhiên hiện dần lên dưới tay bút kỳ tài.

Tranh ông vẽ đất khách người dưng mà sao không thấy xa lạ cảnh sắc hay cách trở nhân tình. Thế giới phẳng bây giờ đâu cũng là nhà chăng? Bài ký nào, bức họa nào cũng mộc như cái tình chân thành của người nghệ sĩ yêu đất, yêu trời, yêu đời, yêu người, rủ rỉ một mình, mà sao khiến người đọc dễ lây đến thế cái an nhiên tự tại”.

Họa sĩ Trịnh Lữ (sinh năm Đinh Hợi tại Hà Nội) - Kỹ sư Xây dựng Mỏ (ĐH Mỏ - Địa chất), Thạc sỹ Khoa học Truyền thông (ĐH Cornell).

Ông cũng là chuyên gia Truyền thông Phát triển của Liên hợp quốc; tư vấn độc lập về chiến lược và truyền thông phát triển (Việt Nam và Mỹ); Dịch và viết sách văn học, hội họa, nhiếp ảnh, tham gia podcast và làm diễn giả trong nhiều sự kiện của thanh thiếu niên sinh viên hiện nay. Ông đã có nhiều triển lãm cá nhân cũng như tham gia triển lãm nhóm tại Mỹ và Việt Nam./.

Bài liên quan
  • Hoàn thiện khung chính sách quốc gia và thúc đẩy đổi mới dịch vụ công trực tuyến
    Một trong những khuyến nghị của các chuyên gia nhằm giúp Việt Nam nâng cấp chất lượng các dịch vụ công trực tuyến là phát huy những cách làm sáng tạo, như tổ chức cuộc thi Hackathon để thu hút sáng kiến từ giới trẻ. Điều này không chỉ cải thiện dịch vụ mà còn thu hút sự chú ý của cộng đồng đối với dịch vụ công trực tuyến.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cuốn sách dành cho người yêu thích mỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO