Đại biểu Quốc hội lo lắng vấn đề cải thiện năng suất lao động

PV| 30/10/2022 08:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong hai ngày 27-28/10/2022 của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Rất nhiều đại biểu bày tỏ vui mừng trước sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, với dự kiến năm 2022 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến lo ngại về nghịch lý đang diễn ra: đó là năng suất lao động chưa cao, trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng tăng.

Tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách

Cho rằng cải thiện năng suất lao động là trọng tâm, cốt lõi để nâng cấp trình độ sản xuất quốc gia, nâng cao năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ phải giải quyết được các yếu tố đầu vào của việc tăng năng suất lao động. Đó là chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, môi trường sản xuất, chuyển đổi số… coi đây là điểm đột phá để thay đổi phương thức hoạt động của các doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất bổ sung mục tiêu cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất bổ sung mục tiêu cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chỉ rõ: Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt trong năm 2022, thậm chí thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021. Trong khi đó, Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ nguyên nhân vì sao không đạt chỉ tiêu này.

Trong phát biểu thảo luận, đại biểu này một lần nữa khẳng định: Năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng, thông qua đó đánh giá hiệu suất làm việc của lao động - yếu tố cơ bản thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế. Trong khi đó, theo đại biểu, chúng ta đang đối mặt với thực tế chất lượng lao động còn thấp, ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt. Mặc dù, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất lao động, nhưng chỉ số tăng năng suất lao động lại tỷ lệ nghịch với những nỗ lực của chúng ta. 

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, năng suất lao động tăng bình quân là 5,8%/năm. Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, GDP chỉ tăng 2,8%, năng suất lao động tăng 4,71%; sang năm 2022, GDP ước tăng 8% thì năng suất lao động chỉ ước tăng từ 3,8 - 4,3%.

Cùng tâm tư này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) thẳng thắn có ý kiến, tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách, cần làm ngay, không thể chậm trễ. Tăng năng suất lao động 1% sẽ gúp GDP tăng 0,94 điểm phần trăm, tăng lợi nhuận doanh nghiệp và tăng thu nhập cho chính người lao động.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để thúc đẩy năng suất lao động. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để thúc đẩy năng suất lao động. Ảnh: quochoi.vn

Bà Trần Thị Hồng Thanh cũng lo ngại trước việc năng suất lao động chưa có sự bứt phá, năm lên cao, năm xuống thấp.

Nguyên nhân, theo đại biểu này, là do quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa tính đến phát triển nhân lực. Tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động. Cụ thể, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp như Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng lại là nơi dân số ít, phụ thuộc vào lao động nhập cư.

Bên cạnh đó là sự chênh lệch giữa ngành, nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường. Các ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics là những ngành thu hút FDI lớn, tạo giá trị gia tăng cao, song tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 20% - 25%, năng suất lao động thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, bất động sản. Tay nghề lao động, kỹ năng số, trình độ công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề chỉ chiếm 11%, tỷ lệ lao động giản đơn, trình độ thấp chiếm tới 38%, chỉ có 35% nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức còn lớn, chiếm tới 48% lực lượng lao động...

Đại biểu đề xuất giải pháp tăng năng suất lao động

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải có giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn để giải quyết câu chuyện tăng năng suất lao động. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề xuất, Chính phủ sớm xem xét thành lập Ủy ban năng suất quốc gia để hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam. Tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch của thông tin, dữ liệu về năng suất lao động.

Hiện nay, năng suất lao động chỉ được thống kê chung ở cấp độ quốc gia, còn thiếu thông tin, dữ liệu về năng suất lao động tại các địa phương, năng suất lao động theo loại hình doanh nghiệp, theo các ngành nghề, vì vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, nên sớm rà soát, hoàn thiện dữ liệu thống kê; hoàn thiện bức tranh tổng thể về năng suất lao động Việt Nam, là cơ sở để so sánh thi đua, tăng năng suất lao động.

Mặt khác, đại biểu Hồng Thanh đề nghị, đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Với khoảng 60% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu và tỷ lệ đầu tư khoa học công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP năm 2021 thì đổi mới khoa học, công nghệ là giải pháp quan trọng nhất để tăng năng suất lao động của doanh nghiệp và các ngành. Việc cần làm, theo đại biểu là phải "khơi thông thị trường vốn, hỗ trợ ưu đãi về tài chính đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, đầu tư đổi mới công nghệ. Chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ như Đảng và Nhà nước đã đề ra. Tiếp tục thực hiện các giải pháp gắn kết đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…". 

Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc cải thiện năng suất chất lượng. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc cải thiện năng suất chất lượng. Ảnh: quochoi.vn

Cải thiện năng suất lao động là trọng tâm, cốt lõi để nâng cấp trình độ sản xuất quốc gia, từ đó thoát bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế. Do đó, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị, Chính phủ phải giải quyết được các yếu tố đầu vào của việc tăng năng suất lao động đó là chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, môi trường sản xuất, chuyển đổi số… Coi đây là điểm đột phá để thay đổi phương thức hoạt động của các doanh nghiệp.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, năm 2022, dự kiến tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Tới đây, Bộ sẽ xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động và nỗ lực hơn nữa để cải thiện tình trạng này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội lo lắng vấn đề cải thiện năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO