Đài Phát thanh Na Uy sử dụng AI để tiếp cận thính giả trẻ tuổi như thế nào?
Đài Phát thanh Na Uy (NRK) đã mở ra một hướng đi mới trong việc thu hút khán giả trẻ bằng cách triển khai các bản tóm tắt bài viết được tạo bởi trí tuệ nhân tạo.
Những tóm tắt này không chỉ giúp tăng lượt nhấp mà còn giữ chân họ ở lại lâu hơn để đọc nội dung - đặc biệt là trong nhóm khán giả trẻ, vốn đang dần rời xa các phương tiện truyền thông truyền thống.
Thay đổi để thích nghi với thói quen mới
Bối cảnh tiêu thụ truyền thông tại Na Uy đang chứng kiến sự chuyển dịch lớn. Theo số liệu từ Cục Thống kê Na Uy, việc sử dụng các phương tiện truyền thông như báo in, truyền hình và radio đang suy giảm liên tục.
Việc tiêu thụ báo in ở Na Uy trong độ tuổi từ 16 - 24 hiện ở mức rất thấp, chỉ chiếm 3%, so với 17% của toàn bộ dân số. Cùng với đó, việc sử dụng TV và radio cũng đang giảm, trong khi các phương tiện video và âm thanh như podcast lại ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt trong nhóm người trẻ tuổi.
Đây là phân khúc khán giả mà các phương tiện truyền thông truyền thống mong muốn tiếp cận, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của họ.
Để giải quyết tình trạng này, NRK đã phát triển một số nguyên tắc, sau khi thu thập thông tin từ nhóm đối tượng mục tiêu trong độ tuổi từ 19 - 29.
Theo đó, NRK đã áp dụng nguyên tắc chia nhỏ nội dung - một yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhanh chóng của thính giả trẻ. Các bản tóm tắt bài viết được hiển thị dưới dạng ô màu xanh nhạt, xuất hiện ngay dưới tiêu đề cùng ảnh minh họa. Cách trình bày ngắn gọn, dễ tiếp cận này cho phép độc giả xem nhanh các điểm chính của bài viết và quyết định có tiếp tục đọc hay không.
Đặc biệt, NRK hoàn toàn minh bạch trong việc sử dụng AI khi thêm thông báo dưới mỗi tóm tắt: “Bản tóm tắt này được tạo bởi dịch vụ AI từ OpenAI. Nội dung đã được các nhà báo của NRK xem xét trước khi xuất bản”. Điều này không chỉ tăng tính tin cậy mà còn giảm thiểu lo ngại về sai sót trong quá trình sử dụng AI.
Thomas Nikolai Blekeli, người đồng phát triển công cụ tóm tắt của NRK, nhấn mạnh: AI có thể giúp chúng ta hoàn thành những nhiệm vụ khó hoặc tốn thời gian. Thay vì mất nhiều giờ để biên soạn, giờ đây các nhà báo chỉ cần kiểm tra và chỉnh sửa nội dung do AI tạo ra.
Giải quyết các thách thức
Với quy mô lớn của NRK, quá trình đổi mới không tránh khỏi những khó khăn, từ thủ tục chuyển đổi đến thuyết phục các phòng ban nội bộ. Knut Sætre, đồng phát triển công cụ tóm tắt của NRK thừa nhận: “Chúng tôi mất nhiều thời gian để vượt qua các quy trình nội bộ”. Ông cùng Thomas Nikolai Blekeli đã phải thuyết phục và trình bày ý tưởng với nhiều nhóm khác nhau trong tổ chức.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn khác khi áp dụng AI là vấn đề sai sót trong các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT hay Gemini của Google.
Thomas Nikolai Blekeli nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng khả năng xảy ra sai sót là có thể xảy ra. Do đó, chúng tôi đã xây dựng các hướng dẫn nghiêm ngặt để đảm bảo rằng mọi tóm tắt được tạo bởi AI đều phải được xem xét kỹ lưỡng, từng dòng một, trước khi xuất bản”.
Điều này đảm bảo rằng việc áp dụng AI trong công tác biên tập không làm ảnh hưởng đến tính trung thực, minh bạch và chất lượng nội dung mà NRK cam kết mang lại cho khán giả.
Blekeli cũng lưu ý rằng các phóng viên không nên coi AI là công cụ kiểm tra sự thật, nhưng nó sẽ là trợ thủ đắc lực giúp các bài viết dễ tiếp cận hơn với độc giả trẻ.
Công cụ hoạt động như thế nào trong thực tế
Các phóng viên tại NRK có thể lựa chọn sử dụng hệ thống AI để tạo tóm tắt bài viết hoặc tự viết tóm tắt nếu thấy phù hợp hơn. Theo Knut Sætre, những phóng viên muốn tận dụng AI chỉ cần sao chép URL của bài viết và đưa vào hệ thống trước khi xuất bản.
Hệ thống này, dựa trên công nghệ của OpenAI, sẽ phân tích nội dung bài viết và tạo ra một bản tóm tắt cùng ba gợi ý tiêu đề: một tiêu đề thông thường, một tiêu đề tối ưu hóa cho SEO, và một tiêu đề hấp dẫn để hiển thị trên trang chủ. Sau khi kiểm tra và chỉnh sửa, các phóng viên sẽ sao chép nội dung tóm tắt và đưa vào Hệ thống Quản lý Nội dung (CMS) để hoàn thiện bài viết.
Theo dữ liệu từ NRK, các bài viết phức tạp như bài phân tích về các chính sách, thỏa thuận chính quyền thành phố có thể đạt tỷ lệ mở tóm tắt gần 60%. Ô tóm tắt đã thành công trong việc trình bày rõ ràng những thay đổi về chính sách và tác động thực tế đến đời sống người dân, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận thông tin quan trọng.
Dữ liệu cũng chỉ ra rằng những độc giả mở rộng ô tóm tắt thường dành nhiều thời gian hơn trên trang. Thời gian trung bình của họ là 49 giây, gần gấp đôi so với 25 giây của những người không mở bảng tóm tắt. Ngoài ra, độc giả dưới 50 tuổi có xu hướng tương tác với ô tóm tắt cao hơn, tỷ lệ người đọc sử dụng tính năng này cao nhất là những người dưới 30 tuổi, cho thấy hiệu quả của công cụ trong việc tiếp cận nhóm khán giả mục tiêu trẻ tuổi.
Mặc dù hệ thống đã hoạt động hiệu quả, đội ngũ của NRK vẫn không ngừng khám phá các sáng kiến mới. Knut Sætre và Thomas Nikolai Blekeli hiện là thành viên của một nhóm đa ngành, bao gồm các nhà phát triển, biên tập viên và phóng viên, với mục tiêu mở rộng ứng dụng AI trong quy trình làm việc.
Họ đang thử nghiệm công cụ phiên âm tự động cho các cuộc họp báo và phiên tòa, cho phép đưa tin trực tiếp một cách nhanh chóng. Một dự án khác là công cụ dịch thuật để chuyển nội dung sang tiếng Sámi, ngôn ngữ của cộng đồng thiểu số bản địa tại Na Uy. Đồng thời, nhóm còn nghiên cứu khả năng sử dụng các hệ thống AI tạo sinh để phân tích lượng lớn dữ liệu, giúp phát hiện các mẫu và hỗ trợ báo chí điều tra.
Blekeli chia sẻ: “Chúng tôi mới ở giai đoạn đầu và đang thử nghiệm những khả năng khác nhau để tự động hóa các tác vụ lặp lại, tiết kiệm thời gian và cải thiện chất lượng nội dung”./.