Chuyển đổi số

Đắk Lắk: Chuyển đổi số để bứt phá phát triển KT-XH và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn

Đỗ Thêu 28/03/2023 12:36

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện công cuộc CĐS trong giai đoạn tiếp theo.

fe0e571fd64a0a14535b.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng của các đơn vị công nghệ - viễn thông nhân ngày hội CĐS của tỉnh Đắk Lắk.

Kế hoạch CĐS của tỉnh Đắk Lắk đặt ra chỉ tiêu cụ thể cho giai đọan 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung cơ bản là: Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước (CQNN); Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số; Phát triển đô thị thông minh. Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 chỉ số CĐS của tỉnh sẽ trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để thực hiện kế hoạch CĐS giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk đã dự kiến bố trí khoảng 330 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, đồng thời mỗi năm bố trí khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai nhiệm vụ CĐS. Bên cạnh việc xây dựng chính sách và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tỉnh Đắk Lắk còn đặt ra hai nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, đó là: đào tạo phát triển nhân lực số; thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư.

Trên cơ sở đó, các nhiệm vụ trọng tâm về CĐS đã được tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong lĩnh vực chính quyền số, đến nay 100% các CQNN các cấp của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 95%; cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 16 điểm cầu được duy trì hoạt động ổn định, trong đó: có 01 điểm cầu trung tâm đặt tại Văn phòng UBND tỉnh; 15 điểm cầu tại UBND các huyện, thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh được triển khai đồng bộ...

Cùng với đó, ứng dụng chứng thư số, chữ ký số (CKS) được triển khai đến 100% CQNN của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát 6.598 bộ chứng thư số cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó 999 chứng thư số cho tổ chức, 5.599 chứng thư số cho cá nhân và 723 SIM PKI cho lãnh đạo của các sở, ban, ngành tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả CKS được cấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của cơ quan trong việc bảo đảm xác thực và bảo mật thông tin, trên 95% văn bản điện tử gửi đi được thực hiện ký số, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí, tạo được môi trường làm việc hiện đại, góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành công việc…

a852e6446711bb4fe200.jpg
UBND tỉnh Đắk Lắk và VNPT ký kết hợp tác xây dựng chính quyền điện tử.

Trong lĩnh vực kinh tế số, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác, triển khai các nội dung CĐS, phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về CNTT như FPT, VNPT, Viettel,... để thực hiện thu hút, kêu gọi đầu tư, thành lập DN trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hai tập đoàn lớn VNPT, Viettel có chi nhánh đặt trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên hợp tác, triển khai các hoạt động kinh tế số với các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.

Nhờ vậy, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 DN thành lập mới, tăng 42,72% so với năm 2021. Nhiều DN đã chủ động thích ứng, chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý, điều hành DN như: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty CP Đầu tư Phát triển An Thái, Công ty CP Bia Sài gòn Miền Trung,… Từ đó góp phần tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động cho DN.

Cùng với đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 18/3/2022 hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đến ngày 20/02/2023, Đắk Lắk có 1.659 sản phẩm trên sàn TMĐT; có 42.895 giao dịch trên sàn TMĐT, đứng thứ 05 toàn quốc; Số hộ Sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 252.205 hộ, đạt 43%.

Đến nay đã có nhiều DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Êđê Cafe (huyện Krông Ana), Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc), HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), Công ty TNHH Coffee G20 Việt Nam (TP. Buôn Ma Thuột)… đã bán sản phẩm thường xuyên trên sàn TMĐT sendo.vn; voso.vn…

Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến ở huyện Huyện Krông Pắk cho biết, từ sự hỗ trợ của các sở, ngành, sản phẩm của HTX cũng đã bán trên các sàn TMĐT. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình cũng như DN, HTX về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc…

Đối với lĩnh vực xã hội số, mạng lưới viễn thông đã được đầu tư, phát triển rộng khắp đến các khu vực trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng điện thoại 2G, 3G, 4G đến thôn, buôn; tỷ lệ người dân sử dụng Internet là hơn 60%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh khoảng 57,07%. Các cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý trường vào dạy và học; các trạm y tế cấp xã đã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa; lập hồ sơ sức khỏe điện tử…

Đồng thời, tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, TMĐT, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường) ngày một tăng. Toàn tỉnh cũng đã thành lập 1.163 tổ công nghệ số cộng đồng, với 7.228 thành viên để hướng dẫn người dân, DN sử dụng các nền tảng số thiết yếu phục vụ người dân và DN…

Nói về công tác CĐS của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định: Xác định thời cơ và thách thức trong bối cảnh nhu cầu CĐS ngày càng cao và thay đổi hàng ngày như hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk quyết tâm chọn CĐS để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.

Trong những năm tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai công tác CĐS theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra. Từ đó, tạo tiền đề cũng là thời cơ để Đắk Lắk bắt kịp, vươn lên, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần tạo cơ hội để tỉnh bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Chuyển đổi số để bứt phá phát triển KT-XH và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO