Việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu là giải pháp đảm bảo vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình . Ảnh Trường Giang
Theo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2020 là số người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95% (trong đó có 70% đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế).
Đồng thời, 75% số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% số trường học và trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh và công trình nước sạch; Bảo đảm phần lớn các trạm y tế ở khu vực có nhà tiêu hợp vệ sinh, có đủ hệ thống cấp nước và trang thiết bị rửa tay.
Theo đó, tỉnh Hòa Bình đã vận dụng nhiều nguồn lực để triển khai, trong đó, trọng tâm là nguồn lực từ chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng thế giới, giai đoạn 2016 - 2020. Với tổng số kinh phí của chương trình trong cả giai đoạn là 279.695 triệu đồng, tỉnh Hòa Bình đã đầu tư thực hiện một số hợp phần chính như: Cấp nước nông thôn; Vệ sinh môi trường nông thôn; Nâng cao năng lực, truyền thông…
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ bao phủ nhà tiêu ở tất cả các huyện của tỉnh Hòa Bình đang ở mức cao, đạt trên 95%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 73%; tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh 80,9%; tỷ lệ trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh 90,1%...
Cũng như chương trình trên, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới triển khai trên địa bàn tỉnh đã và đang xác định rõ trọng tâm đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thông qua việc đạt được tiêu chí số 17 về môi trường một cách bền vững.
Ghi nhận tại huyện Mai Sơn cho thấy, thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sống khu vực nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cụ thể, huyện đã thực hiện lồng ghép, sử dụng mọi nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình như: Chương trình 135, Dự án Giảm nghèo, các chương trình hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội… và xã hội hóa để đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh...
Theo đó, Mai Sơn đã đầu tư xây mới và nâng cấp 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; huy động xã hội hóa hàng chục triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 83 nhà vệ sinh tại xã Chiềng Sung; hướng dẫn các hộ dân có nhu cầu vay 17,3 tỷ đồng từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, xây dựng 2.632 nhà tiêu, chuồng trại và bể chứa nước hợp vệ sinh. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có có 5/21 xã đạt tiêu chí môi trường.
Tương tự, tại huyện Mai Châu, việc lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã đem lại kết quả khả quan trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Đến nay, 90% hộ dân trong huyện có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, 75% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 95% hộ đã di dời chuồng trại xa nhà ở, 265 hộ hội viên xây hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường nông thôn…
Qua đó, có thể khẳng định, việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu là giải pháp hết sức hiệu quả trong việc đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn bền vững. Trong đó, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn.