Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để có thể hoàn thành sơ bộ trong năm 2017 đang bị trì hoãn nghiêm trọng bởi Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và cũng lớn thứ 3 trong số các nền kinh tế đàm phán RCEP.
Quá trình đàm phán RCEP đã được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) và đặt mục tiêu hoàn tất trước khi hết năm 2015. Tuy nhiên, hạn chót này đã bị bỏ lỡ và các cuộc đàm phán dự kiến được bổ sung trong năm 2017, hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong năm nay. Các thành viên tham gia đàm phán RCEP bao gồm: 10 nước thành viên ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia), thêm 3 thành viên của ASEAN 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Ấn Độ, Australia, New Zealand. Các nền kinh tế RCEP chiếm hơn 3,5 tỷ người và đóng góp khoảng 40% GDP toàn cầu.
Đây được xem như một thỏa thuận thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng và điểm đặc biệt là sự tương thích với nhiều loại hình và quy mô có sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế ở châu Á, từ những nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Nhật Bản cho đến những nền kinh tế nhỏ và đang phát triển như Lào và Campuchia. Tuy nhiên, điều này có vẻ như không thực sự đúng trong trường hợp của Ấn Độ.
Ấn Độ, có mức thâm hụt thương mại trên 50 tỷ USD với Trung Quốc, do đó nước này lo ngại việc cắt bỏ thuế quan mạnh mẽ sẽ càng làm giảm doanh thu và sức cạnh tranh, dẫn tới thị trường trong nước bị áp đảo và tràn ngập bởi hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Điều đó khiến cho Ấn Độ trở thành vật cản trong quá trình thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán RCEP được dẫn dắt bởi Trung Quốc.
Tại vòng đàm phán thứ 19 bắt đầu từ ngày 17/7 và kết thúc vào ngày 28/7 diễn ra tại Hyderabad, Ấn Độ, kết quả các cuộc đàm phán cho thấy RCEP có thể sẽ không hoàn tất vào thời hạn dự kiến cuối năm.
Theo ông Rajiv Bhatia, cựu đại sứ Ấn Độ, Trung Quốc có một vị thế lớn trong các cuộc đàm phán RCEP vì đây là quốc gia thương mại lớn nhất trong nhóm và có FTA tiên tiến với các nước ASEAN. “Ấn Độ không thể đưa ra các ưu đãi thương mại tự do và mở cửa hoàn toàn cho các nước khác, do e ngại rằng nó sẽ làm tổn hại đến ngành công nghiệp nội địa”, ông Bhatia, Nguyên Tổng giám đốc của Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (Indian Council of World Affairs), cho biết.
Ngoài ra, RCEP có các điều khoản nhằm đảm bảo quyền tự do di chuyển lớn hơn, nhưng đây nhiều khả năng sẽ là một trong những điểm các bên khó đạt được đồng thuận trong quá trình đàm phán. Ấn Độ hiện đang thúc đẩy một thỏa thuận trong lĩnh vực dịch vụ, nhằm cho phép tự do hoá các dịch vụ và tự do di chuyển đối với các chuyên gia. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trong lĩnh vực này vẫn chưa kết thúc.
Theo chuyên gia thương mại quốc tế T.S. Vishwanath, yếu tố đang cản trở các đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ là các nước trong khối ASEAN cũng như Hàn Quốc và Australia “không mở cửa đối với một số yêu cầu”.
Sau vòng đàm phán tại Hyderabad, các thành viên tham gia đàm phán RCEP hy vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực trong vòng đàm phán thứ 20 sẽ được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc vào tháng 10 tới.