PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản sách và cũng có thời gian dài nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa đọc của nước ngoài cũng như trong nước, bà có thể khái quát về văn hóa đọc sách trong giới trẻ hiện nay?
ThS. Lê Hoài Thu: Giới trẻ đọc rất nhiều, nhưng các bạn trẻ, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, cùng với nhịp sống nhanh, thường sẽ chỉ đọc những tin tức ngắn, mang tính cập nhật thông tin, giải trí, chứ không dành nhiều thời gian cho việc đọc sách như những thế hệ trước. Chính vì vậy, như các bạn đã biết, Quốc hội khóa XIV đã quy định ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, với hy vọng là có thể đưa văn hóa đọc sách trở lại gần gũi hơn với các bạn trẻ.
PV: Trong khoảng gần 3 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc sách của giới trẻ. Bà có thể chia sẻ làm thế nào để đưa những nội dung khô khan trở nên gần gũi hơn đối với giới trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 này?
ThS. Lê Hoài Thu: Khi thời gian dành cho việc đọc sách bị thu hẹp đi, thì con người ngày càng có xu hướng ngại đọc sách “nhiều chữ”. Rất nhiều các dòng sách đã phải loay hoay tìm cho mình hướng chuyển mình mới để có thể tồn tại được trong thời đại này.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều nội dung là những quy định, văn bản, hướng dẫn,… thường bị coi là khô khan, khó đọc, nhưng lại rất cần đưa đến đông đảo bạn đọc. Đặc biệt là với những nội dung “cấp bách” trong việc phòng và chống COVID-19 trong các trường học khi học sinh đi học trở lại đến trường.
Là một đơn vị làm giáo dục và xuất bản, với nhiệm vụ phải truyền tải những tri thức một cách khoa học và chuẩn xác đến với các bạn học sinh hiện đại ngày nay, chúng tôi luôn tự đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để những nội dung tưởng chừng như khô khan và khó đọc đấy, đến gần hơn với các bạn trẻ?”. Và đội ngũ biên tập viên cùng với đội ngũ họa sĩ của chúng tôi đã thử thay đổi hình thức truyền tải văn bản, hệ thống hóa và thể hiện dưới dạng infographic, hi vọng người đọc trẻ sẽ tiếp nhận các thông tin một cách hiệu quả hơn.
PV: Với kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản sách, theo bà những nhà viết sách, NXB sách cần làm như thế nào để “đánh thức” văn hóa đọc như bị “ngủ quên” trong một bộ phận giới trẻ lâu nay?
ThS. Lê Hoài Thu: Chúng ta phải nhìn nhận được bản chất của “sự đọc”. Đấy là một nhu cầu cá nhân, và nó chỉ trở nên có hiệu quả khi bản thân từng người chúng ta có động lực thực sự. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi này: “Làm thế nào để “đánh thức” được văn hóa đọc của giới trẻ?”, thì chúng ta lại cần phải trả lời được câu hỏi: “Làm thế nào để “tạo động lực” cho các bạn trẻ?”.
Động lực với người trẻ ở đây là động lực khám phá cái mới, tìm hiểu về thế giới xung quanh; động lực tìm kiếm và chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, được nghe và lắng nghe; động lực để chứng tỏ bản thân mình,… Vì vậy, để sách và văn hóa đọc sách có thể đồng hành được trong thời đại này, cũng như trong tương lai, thì bản thân xuất bản phẩm nói chung, và sách nói riêng, phải đáp ứng được mong muốn của người đọc.
Bên cạnh đó, cuộc sống ngày nay có tốc độ phát triển rất nhanh. Vòng đời của một xuất bản phẩm sẽ ngắn hơn so với trước kia rất nhiều. Bản thân một cuốn sách, cũng sẽ giống như một cá thể sống, cần phải luôn phát triển, thì mới đồng hành được cùng người đọc. Đây là một bài toán khó không chỉ cho tác giả mà còn là thử thách lớn cho các đơn vị xuất bản như chúng tôi.
Hiện nay, chúng tôi đã triển khai những khảo sát đối tượng, tìm kiếm và thử nghiệm nhiều hình thức truyền tải mới phù hợp với từng nhóm người đọc (phân nhóm theo độ tuổi, nhu cầu đọc, thói quen tiếp nhận thông tin,…) để từ đó đưa ra các hình thức xuất bản phẩm phù hợp (xuất bản truyền thống, xuất bản điện tử đa tương tác,…) và luôn cố gắng nâng cao chất lượng sách (bao gồm cả kênh hình lẫn kênh chữ) để đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của bạn đọc.
Rất hi vọng bạn đọc sẽ ủng hộ và góp ý thêm để NXB Giáo dục Việt Nam ngày càng ra mắt được nhiều cuốn sách có giá trị và tồn tại lâu dài trong “văn hóa đọc” của mọi người nói chung và giới trẻ Việt Nam ngày nay nói riêng.
PV: Xin cảm ơn chuyên gia!
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)