Truyền thông

Đào tạo nhân lực phục vụ các ngành công nghệ cao cần một cú hích

Hồng Anh 01/11/2024 10:47

Các trường đại học cần phải chuẩn bị tốt đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, có sự chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

Cần chuyên gia giỏi để đào tạo nhân lực chất lượng

"Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới năm 2045" cần kinh phí dự kiến khoảng 20 nghìn tỉ đồng để thực hiện. Mục tiêu của Đề án là chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực STEM có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

sv-dh-bach-khoa.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt đạt khoảng 5.000 kỹ sư, thạc sĩ và 500 tiến sĩ (hằng năm), trong đó ít nhất 20% thuộc các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo.

Thực tế cho thấy nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ đông đảo chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Hiện nay, tại các trường đại học quy mô và tỉ trọng đào tạo các ngành STEM tiếp tục tăng. Đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu các ngành STEM được tăng cường đầu tư, phát triển đạt tiêu chuẩn ngang tầm với các nước tiên tiến. Phạm vi và quy mô đào tạo các chương trình đào tạo tài năng STEM tiếp tục được mở rộng tới tất cả lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Nguồn nhân lực STEM trình độ cao, chất lượng cao trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được xếp vào nhóm hàng đầu khu vực châu Á trong đào tạo và nghiên cứu các ngành STEM, nhất là các ngành về công nghệ số, trí tuệ sinh học và công nghệ sinh học.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá đề án “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” là một chiến lược quan trọng, định hướng cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường đào tạo STEM trong việc phát triển, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần đảm bảo các yêu cầu: Định hướng chương trình rõ ràng để người học lựa chọn đúng; chương trình đào tạo cần xây dựng khoa học, có triết lý theo mục đích; cần có các đối tác phù hợp, tích cực để phối hợp thực hiện; các kỹ năng bổ trợ và ngoại ngữ; xây dựng danh tiếng và quảng bá phù hợp.

Thực tế hiện nay đội ngũ cán bộ giảng dạy nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao còn hạn chế về số lượng và chất lượng; Cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại không theo kịp những công nghệ tiên tiến trên thế giới; Nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực công nghệ cao còn rất ít; Kinh phí đầu tư còn khiêm tốn; Việc tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài, chất lượng cao khó; Chiến lược chưa có sự chuẩn bị nhân lực cho các ngành công nghệ mới… Thực tế cho thấy muốn có nguồn nhân lực tốt thì cần phải có các chuyên gia giỏi để tiếp cận công nghệ của thế giới đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu công nghệ cao mũi nhọn; đào tạo hiệu quả ngoại ngữ trong trường đại học; liên kết với doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo công nghệ cao…

Cơ sở giáo dục đại học cần có sự chuẩn bị sẵn sàng

Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đến năm 2030 dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đề án bao gồm phạm vi khá rộng nhưng cũng tập trung cốt lõi vào các lĩnh vực công nghệ chiến lược cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới, sự kết hợp của các Bộ, ngành liên quan, phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đề án có 25 đại học, trường đại học, học viện được Đề án lựa chọn ưu tiên, đề xuất đầu tư và triển khai chương trình đào tạo tài năng gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, trường Đại học Đà Lạt, trường Đại học Giao thông Vận tải, trường Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội, trường Đại học Nha Trang, trường Đại học Quy Nhơn, trường Đại học Sài Gòn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Thủy lợi, trường Đại học Việt Đức, trường Đại học Vinh, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. Có 3 cơ sở tư thục Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích đầu tư và tham gia đào tạo tài năng là trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Phenikaa và trường Đại học VinUni.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2030-2035 là số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 100 nghìn người/năm trong đó ít nhất 15% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 30 nghìn người/năm trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Hơn 5.000 người có trình độ tiến sĩ các ngành STEM đang làm việc ở nước ngoài được tuyển dụng làm giảng viên đại học trong nước, trong đó trên 50% có chuyên môn thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt đạt khoảng 8 nghìn kỹ sư, thạc sĩ và 1 nghìn tiến sĩ (hằng năm).

Khoảng 80 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận thuộc các lĩnh vực STEM trong đó có 50 nhóm thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt; thứ hạng về công bố quốc tế trong các lĩnh vực STEM tiếp tục được cải thiện. Các cơ sở giáo dục Đại học trọng điểm về STEM đào tạo hơn 70% số tiến sĩ, đóng góp hơn 70% số bài báo Scopus, hơn 70% số bằng độc quyền sáng chế và hơn 70% số công ty khởi nguồn, công ty khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực STEM của cả nước. Có ít nhất 02 cơ sở giáo dục Đại học có lĩnh vực đào tạo STEM nằm trong tốp 200 thế giới; 02 cơ sở đào tạo trí tuệ nhân tạo và 01 cơ sở đào tạo công nghệ sinh học nằm trong tốp 10 khu vực ASEAN…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nhân lực phục vụ các ngành công nghệ cao cần một cú hích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO